Đại biểu Quốc hội: Di sản văn hóa phải được coi là một nguồn lực để phát triển
20/06/2024 | 14:44Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Sau khi thảo luận ở tổ, dự kiến sáng ngày 26/6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về nội dung này.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ thống nhất với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa và xây dựng pháp luật.
Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cũng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009.
Đáp ứng nhu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp giúp cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật. ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá cao về những điểm mới trong dự thảo luật nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ và hợp tác quốc tế. Những cải tiến này sẽ tạo nên cơ sở pháp lý mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị, cần cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh để bao gồm cả các yếu tố văn hóa đang có nguy cơ mai một so dự thay đổi xã hội và công nghiệp hóa. Điều này cần làm rõ hơn trong luật về bảo việc bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng với việc quy định chi tiết về các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, cần bổ sung nguyên tắc về công nghệ hiện đại trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cũng như các nguyên tắc hợp tác quốc tế; thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn chi tiết hơn về việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong bảo vệ và phục hồi di sản văn hóa. Quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sở hữu di sản văn hóa cũng như công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa…
Còn theo ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), cần xác định rõ di sản văn hóa phải được coi là một nguồn lực để phát triển. Bởi vậy, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần được rà soát kỹ trong dự án Luật.
Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một số chính sách để tăng nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.
Ngoài ra, ĐBQH Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Bổ sung thêm quy định cấm sử dụng những từ ngữ nhạy cảm, quảng bá các sản phẩm không đúng với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Quyền và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa cũng là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm. Nêu các nội dung cụ thể tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật, ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) lưu ý, cần phải rà soát để sử dụng các từ, cụm từ cho phù hợp, thống nhất.
Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung thêm quy định cấm sử dụng những từ ngữ nhạy cảm, quảng bá các sản phẩm không đúng với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; giải thích cụm từ sản phẩm phái sinh từ di sản văn hóa để người đọc dễ hiểu hơn.
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ các thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề cập cụ thể về quyền sở hữu của cá nhân đối với bảo vật quốc gia, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, theo Khoản 1 Điều 41: c) Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng ở trong nước theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 42 Luật này và pháp luật khác liên quan; không được kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42 (b) Mua bán không theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh) Luật này và điểm a khoản 1 Điều 78 Luật này;
Bảo vật quốc gia phải được đăng ký chủ sở hữu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thường trú và được cấp giấy chứng nhận. Khi chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia, tổ chức, cá nhân sở hữu bảo vật quốc gia phải thông báo bằng văn bản tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đã đăng ký về chủ sở hữu mới. Đại biểu đề nghị có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn đối với quy định này, bảo đảm quyền của công dân theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
Tại Điều 84 dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, có trách nhiệm quản lý, xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ghi nhận đây là quy định mới nhưng đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần đánh giá tác động của chính sách, điều kiện, khả năng thực hiện. Đồng thời cần nghiên cứu, quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, vận hành, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa để bảo đảm tính khả thi, không phát sinh bộ máy mới./.