Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

26/10/2022 | 23:17

Chiều 26/10, tiếp theo chương trình của Kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Nghiên cứu thành lập Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình

Tại phiên thảo luận hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí, đánh giá cao dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được cơ quan soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ 4.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) dẫn số liệu một thống kê gần đây: "Hiện nay 80% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi đã từng bị bạo lực gia đình và các đối tượng khác, như người cao tuổi, người khuyết tật...cũng thường là đối tượng của bạo lực gia đình".

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu ý kiến thảo luận

Theo đại biểu, với nguyên tắc ưu tiên như tại khoản 2 Điều 4 trong dự thảo Luật và với tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em thì nên chăng, cần nghiên cứu thành lập Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút tốt hơn nguồn vốn xã hội hóa cho công tác này và giao cho một cơ quan quản lý. Nguồn quỹ này bao gồm 3 nguồn tại khoản 1 Điều 42 và việc sử dụng chi tiêu như thế nào thì giao cho Chính phủ quy định.

Về vấn đề ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, việc này chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chính xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó có thông tin kịp thời được.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình. Việc này giúp hình thành ý thức tự giác về một trách nhiệm pháp lý có ý nghĩa như một công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và qua đó góp phần loại bỏ tàn dư tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn được coi là gốc rễ của tình trạng bạo lực gia đình.

Hòa giải không nên áp dụng trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em

Cơ bản nhất trí với các nội dung tiếp thu, chỉnh sửa của dự thảo luật trình Quốc hội lần này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, một số nội dung lớn như đối tượng áp dụng, các hành vi bạo lực gia đình đã được nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện, dự thảo luật còn bổ sung thêm một số nội dung về bạo lực gia đình đối với trẻ em trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu ý kiến

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung tại khoản 1 Điều 17, hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình thì nên bổ sung hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình không áp dụng trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em. Bởi, trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị bạo lực gia đình và thực tế đã chứng minh có rất nhiều vụ bạo lực gia đình với trẻ em gây hậu quả rất thương tâm đã xảy ra.

"Tổ chức hòa giải để hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp là biện pháp không thể áp dụng với trẻ em. Các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là trẻ em đều không có mâu thuẫn, tranh chấp từ phía trẻ em nên không cần thiết áp dụng biện pháp này và trẻ em cũng không thể xem xét, cân nhắc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp với người gây bạo lực cho mình" - vị đại biểu này nêu ý kiến.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng), dự thảo Luật đã quy định thời gian tối đa người có hành vi bạo lực gia đình có mặt tại trụ sở công an xã để giải quyết vụ việc là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tính từ thời gian người được yêu cầu đến trụ sở công an cấp xã.

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng ngoài thời hạn nói trên, dự thảo luật nên bổ sung quy định thời hạn người có hành vi bạo lực gia đình phải có mặt tại trụ sở cơ công an xã tính từ lúc nhận được yêu cầu của công an xã, để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, cũng như tránh trường hợp người người có hành vi bạo lực gia đình chây ỳ, kéo dài thời gian.

"Tôi đề xuất thời hạn là 12 giờ kể từ khi người có hành vi bạo lực gia đình nhận được yêu cầu và có quy định ngoại lệ đối với trường hợp ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, những nơi có đường giao thông đi lại khó khăn thì có thể tăng thời hạn nêu trên" - đại biểu nêu ý kiến.

Quy định bao quát hơn vì có những hành vi không lường hết được trong luật

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo luật, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng yên) bày tỏ tán thành với việc quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình trong Điều 3 của dự thảo, tạo thuận lợi cho việc nhận diện và xử lý các hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng yên)

Tuy nhiên, theo đại biểu thì dù có bao quát đến đâu cũng không thể quy định dự kiến hết các hành vi bạo lực gia đình diễn ra trong thực tiễn. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 3 của dự thảo nội dung như sau: các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có biểu hiện rõ ràng và có đầy đủ các dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình thì được coi là hành vi bạo lực gia đình.

"Quy định như vậy có tính bao quát và quá trình áp dụng thực hiện luật sau khi được thông qua có những hành vi mà chúng ta không lường hết được trong luật, nhưng có quy định như vậy thì chúng ta vẫn có căn cứ để xử lý những hành vi rõ ràng xác định là hành vi bạo lực gia đình" - đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.

Nêu ý kiến về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, quy định tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho biết, tại khoản 4 có quy định đối tượng bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

"Để khả thi hơn, cần bổ sung thêm quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả của người bạo lực đối với người bị bạo lực, vì phần lớn người bị bạo lực là người thân chung một gia đình, có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyết yêu cầu chi bồi thường thiệt hại chắc chắn sẽ gặp khó khăn và khó áp dụng trong thực tế" - đại biểu Minh Trang đề nghị.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án luật được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân rất quan tâm, vì vậy phiên thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thành Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo yêu cầu chất lượng, khả thi, thống nhất với các điều luật liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.

Được biết, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 3 điều, bổ sung 3 điều. Dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×