Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại biểu Quốc hội: Cần coi kiến thức lịch sử bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là môn học bắt buộc đối với một số ngành học

30/07/2024 | 08:13

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, cần coi những môn học có liên quan đến kiến thức lịch sử bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là môn học bắt buộc cần thiết đối với các ngành học như văn hóa, bảo tàng, du lịch, kiến trúc, quy hoạch, v.v... để vừa đảm bảo mở rộng số lượng nhân lực liên quan đến ngành, vừa tạo ý thức trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường giáo dục.

Đại biểu Quốc hội: Cần coi kiến thức lịch sử bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là môn học bắt buộc đối với một số ngành học - Ảnh 1.

Sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, trước yêu cầu của cuộc sống, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện nay là rất cần thiết để điều chỉnh bao quát những vấn đề mới.

Luật Di sản văn hóa lần này được sửa đổi toàn diện là nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn, góp phần bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh mới.

Dự án Luật này vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối năm 2024. Đây là dự Luật nhận được rất nhiều sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và đa số người dân.

Cần coi kiến thức lịch sử bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là môn học bắt buộc đối với một số ngành học

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung những quy định và chính sách quan trọng của Nhà nước về bảo vệ và phát huy di sản. Việc sửa đổi dự thảo luật lần này là hết sức cần thiết, góp phần để bên cạnh việc bảo vệ, chúng ta sẽ phát huy để có thể biến di sản thành tài sản là một trong những nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Góp ý vào nội dung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định ở Điều 7 của dự luật, đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều chính sách nằm tản mạn ở các nội dung của Điều 5, Điều 13, 79, 80, 81, 82, 88...

"Nếu không thể tổng hợp các chính sách vào một điều luật thì nên sửa tên Điều 7 là chính sách chung của Nhà nước về di sản văn hóa để sang các chương chi tiết có những chính sách cụ thể như chính sách đối với nghệ nhân chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, chính sách nguồn nhân lực, chính sách tài chính, chính sách hỗ trợ xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa" - đại biểu nêu quan điểm.

Về đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nữ đại biểu Đoàn Bạc Liêu cho rằng, cần coi trọng đào tạo, giảng dạy về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như là một ngành học và được khuyến khích ở các trường có những cơ chế hỗ trợ học phí như ngành sư phạm.

Đồng thời, cần coi những môn học có liên quan đến kiến thức lịch sử bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là môn học bắt buộc cần thiết đối với các ngành học như văn hóa, bảo tàng, du lịch, kiến trúc, quy hoạch, v.v để vừa đảm bảo mở rộng số lượng nhân lực liên quan đến ngành, vừa tạo ý thức trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường giáo dục.

Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa ở Điều 84, đại biểu cho rằng, đây là quy định phù hợp với chính sách cải cách hành chính, hiện đại hóa trong quản lý nhà nước và phù hợp với điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đảm bảo không phát sinh tổ chức nhân sự và vận hành hệ thống quản lý thông tin về di sản văn hóa đã kết nối liên thông với 63 tỉnh, thành phố.

"Tôi hoàn toàn nhất trí quy định này hướng đến tích hợp cho người dân có thể kết nối cho những mục đích xác nhận mua bán, chuyển nhượng cổ vật, di vật thuộc sở hữu tư nhân hoặc cung cấp các tài liệu bổ sung để hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Nhà nước về lĩnh vực này" - đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Thu Đông cũng bày tỏ sự nhất trí với quy định tại Điều 85, 86 là tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, thông qua các công nghệ số phục dựng các hình ảnh, các di tích lịch sử đã bị hủy hoại do nhiều nguyên nhân, các phong tục tập quán, v.v. vừa làm tư liệu cho tuyên truyền, giáo dục, giúp đa dạng hóa các phương thức lưu trữ, bảo tồn di sản văn hóa.

Nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tàng số

Góp ý vào dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và danh mục di sản văn hóa phi vật thể ở Điều 10, tại khoản 2 quy định thẩm quyền kiểm kê là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể toàn tỉnh, thành phố trong phạm vi điều kiện và trong thời hạn.

Tuy nhiên theo đại biểu, trên thực tế có những di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như nghệ thuật bài chòi, lễ cầu ngư làng di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định. Do đó, đại biểu đề nghị có quy định riêng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nhiều tỉnh, thành.

Về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền ở Điều 17, tại khoản 2 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kết quả kiểm kê thực trạng thực hành di sản văn hóa phi vật thể và căn cứ đề xuất của cộng đồng để xác định di sản văn hóa phi vật thể bị mai một thất truyền. Đại biểu đề nghị cân nhắc điều này và nếu cộng đồng không đề xuất thì cần xác định cấp nào có thẩm quyền xác định di sản văn hóa phi vật thể bị mai một, thất truyền cho toàn diện.

Về ban hành quy tắc phiên âm tiếng nói, chữ viết của dân tộc chưa có chữ viết ở khoản 3, nữ đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị xác định ngôn ngữ đích là tiếng Việt để tạo sự nhất quán, thống nhất trong việc sử dụng tiếng Việt, trong Hiến pháp, pháp luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta.

Về hoạt động của bảo tàng ở Chương V, từ Điều 62 đến Điều 75, đại biểu cho rằng, hiện nay các bảo tàng đều có phụ trách quản lý di tích lịch sử được phân công, trong khi đó dự thảo luật chưa có quy định về vấn đề này, vì vậy đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung để thể hiện tính bao quát về nguồn nhân lực.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tàng số vì rất quan trọng trong thực hiện phát huy giá trị bản sắc dân tộc trong thời đại công nghệ số công nghiệp lần thứ tư ngày nay.



Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×