Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đặc sắc Lễ cúng mừng sức khỏe của đồng bào Chăm

27/09/2019 | 07:53

Trong các nghi lễ của đồng bào Chăm Phú Yên có một nghi lễ hết sức độc đáo, đó là Lễ cúng mừng sức khỏe. Đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Lễ cúng nhằm tỏ lòng thành kính đến các đấng thần linh và mong muốn thần linh che chở, phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, thành đạt.

Đặc sắc Lễ cúng mừng sức khỏe của đồng bào Chăm - Ảnh 1.

Các nghệ nhân thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) tái hiện Lễ cúng mừng sức khỏe.

Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Chăm lần thứ V- năm 2019 diễn ra tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa) vừa qua, các nghệ nhân thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đã tái hiện Lễ cúng mừng sức khỏe, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Nghi thức độc đáo

Lễ cúng mừng sức khỏe (còn được gọi là Lễ hội Poai) của đồng bào dân tộc Chăm Phú Yên thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm.

Để chuẩn bị cho một lễ cúng mừng sức khỏe, đồng bào Chăm phải tính toán và chuẩn bị từ trước, các lễ vật, nghi trượng gồm: 1 cây nêu, 1 ché rượu, 1 con gà (trước kia là 1 con dê hoặc 1 con heo), cặp đèn sáp, 2 chén gạo. Trong đó, ché rượu là vật dùng để cầu thỉnh thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng; con gà (thay cho dê, heo), 2 chén gạo với đèn sáp là để thầy cúng gọi thỉnh thần linh về phù hộ cho dân làng.

"Đặc biệt, cây nêu tượng trưng cho linh hồn con người, kết nối giữa đất với trời. 4 góc cây nêu có 4 mẩu vải khác màu (đỏ, trắng, xanh, nâu). Trong đó, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu trắng tượng trưng cho mặt trăng, màu xanh tượng trưng cho bầu trời và màu nâu tượng trưng cho mặt đất", ông La Mo Xuân Lĩnh ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh nói.

Chủ lễ và người tham gia lễ cúng đều phải sắm sửa trang phục, trang sức lễ hội. Đàn ông thì mặc quần màu trắng kết hợp với chiếc áo gom màu đen, tay ngắn, xẻ nách hai bên. Còn phụ nữ mặc váy quấn bằng tấm thổ cẩm, không may dính vào nhau, khi mặc cặp váy được xếp và lận vào bên trong giữ chặt eo hông...

Khi cây nêu được dựng lên, lễ vật được bày biện xong xuôi, thầy cúng tiến về phía cây nêu đọc lời khấn cung thỉnh các thần và tổ tiên, ông bà về uống rượu cần; mời Giàng về ăn gà và vui hội cùng bà con: "Ơi Giàng ơi! Ơi thần sông, thần núi, thần suối, thần rừng; hỡi các thần linh hãy về đây phù hộ cho buôn làng được mưa thuận gió hòa, người dân được dồi dào sức khỏe, làm ăn khấm khá, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Ơi Giàng ơi, chúng con xin nguyện cầu. Giàng ơi!".

Thầy cúng thực hiện việc khấn ít nhất 3 lần. Lần thứ nhất bài khấn được thầy cúng thực hiện bên ché rượu. Lần thứ hai bài khấn được hai thầy cúng khấn và đi xung quanh cây nêu, mỗi người cầm một chén gạo và đèn sáp. Đèn sáp được thắp sáng tượng trưng cho tấm lòng con người trong sáng. Hai người vừa đi vừa cầu thỉnh để cúng, kêu gọi các thần linh về với buôn làng, phù hộ cho dân làng. Bài khấn sẽ kết thúc khi thầy cúng đưa tay lên trời thể hiện sự cầu nguyện và kết nối thần linh, trời đất.

Trong lễ cúng có các nghi thức rất đặc trưng, gồm mời rượu và đeo vòng. Rượu ché sau khi được khấn và cúng xong, già làng sẽ lần lượt trao cho các cô gái mang đến cho những người dân tham dự lễ hội. Những người được uống rượu cúng trong buổi lễ này thể hiện sự chấp thuận, phù hộ của thần linh. Còn nghi thức đeo vòng là dành cho các vị khách quý và những người lớn tuổi, những ai được đeo chiếc vòng trong Lễ hội Poai này sẽ luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn, phước lành trong cuộc sống.

Bản sắc văn hóa truyền thống

Sau phần lễ là phần hội. Các cô gái Chăm tay trong tay nhịp nhàng, uyển chuyển với điệu múa xoang hòa cùng tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm rộn ràng, náo nức. Trong niềm vui hân hoan của đồng bào Chăm, các du khách cùng nhảy múa, hát ca và nắm chặt tay cùng hòa vào không khí rộn ràng của Lễ hội Poai. "Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy các nghệ nhân tái hiện lễ cúng mừng sức khỏe trong không gian cồng chiêng rộn rã. Tôi thấy rất thú vị và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây", chị Võ Thị Mai ở phường 6, TP Tuy Hòa, bày tỏ.

Ông So Xuân Hoàng, Trưởng thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân thổ lộ: "Việc duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm Phú Yên, trong đó có Lễ cúng mừng sức khỏe là hoạt động thiết thực góp phần duy trì, phát triển giá trị không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi vui mừng khi chính lễ hội này đã làm du khách hiểu hơn về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm, góp phần lan tỏa và bảo tồn nét đẹp của dân tộc tới cộng đồng".

Theo bà Lê Thị Như Quỳnh, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Đồng Xuân, Lễ cúng mừng sức khỏe là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Chăm Phú Yên. Lễ cúng nhằm cầu xin các vị thần luôn che chở phù hộ cho chủ nhà, những người thân thuộc trong gia đình, dòng họ dồi dào sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

"Ngoài ra, đây còn là dịp để mỗi thành viên và cả cộng đồng cùng gắn kết, giao hòa với thế giới tâm linh trong cuộc sống thực tại, thể hiện sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên theo quan niệm "vạn vật hữu linh". Với ý nghĩa đặc sắc đó, cho đến hôm nay trong đời sống hội nhập và phát triển nhưng lễ hội này vẫn còn được gìn giữ và phát huy trong lớp lớp thế hệ con cháu đồng bào Chăm ở tỉnh Phú Yên", bà Lê Thị Như Quỳnh nói.

Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng cao. Đồng bào luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Sự đa dạng của văn hóa Chăm hòa cùng những giá trị lịch sử - văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, tạo thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

Theo Báo Phú Yên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×