Đặc sắc các vũ điệu của nghệ sĩ Bình Định và đoàn múa Ấn Độ
22/01/2024 | 11:19Tối 21/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật giữa tỉnh Bình Định với đoàn múa Ấn Độ. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chào mừng kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 - 2024) và kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1/1950 - 26/1/2024).
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh cho biết, buổi giao lưu nghệ thuật tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức và người dân sinh sống, học tập và làm việc tại Bình Định được tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của một quốc gia vốn có nền văn minh lâu đời của khu vực châu Á và trên thế giới; đồng thời là dịp để các bạn Ấn Độ hiểu thêm văn hóa vùng đất Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn mới.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ bắt nguồn từ sự giao thoa về văn hóa, tôn giáo và giao thương giữa người dân hai nước. Hai đất nước đã chia sẻ nhiều giá trị chung về lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình và càng được gắn kết chặt chẽ bởi lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong suốt hơn 50 năm qua, hai nước tích cực ủng hộ lẫn nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gắn bó, thủy chung, hết lòng hỗ trợ Việt Nam vượt qua các giai đoạn khó khăn, thử thách. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất và phát huy hiệu quả trên cả 5 trụ cột là chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và văn hóa - đối ngoại Nhân dân…
Tại buổi giao lưu, khán giả ấn tượng và mãn nhãn với tiết mục “Trình tường” do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định biểu diễn. Đây là điệu múa sử dụng các động tác vũ đạo tuồng, múa đồng bộ, nhịp nhàng theo các tuyến ngang, dọc, xéo rồi cùng tạo hình khối đẹp mắt trên nền nhạc trầm bổng. Đến khi điệu múa gần đến hồi kết, tất cả cùng đứng trụ bộ, mỗi diễn viên trên tay cầm một câu liễn và tung ra câu chúc tụng cho quốc thái dân an, muôn người ấm no, hạnh phúc. Thông qua đó, người xem có thể cảm nhận rõ nét độc đáo, đặc sắc về vũ đạo, hóa trang, phục trang của nghệ thuật Tuồng mà những giá trị độc đáo đã “neo lại” trong lòng nhân dân bao thế hệ.
Tiếp đến là điệu múa Punjabi - là một loạt các điệu múa dân gian và tôn giáo của người dân bản địa ở vùng Punjab, nằm dọc biên giới Ấn Độ và Pakistan. Phong cách của các điệu nhảy Punjabi dao động từ năng lượng rất cao đến chậm rãi và dè dặt.
Ngoài ra, sân khấu còn trở nên gây cấn, sôi động với điệu múa dân gian Bhangra phổ biến ở Punjad, bắt nguồn từ vùng Sialkot của Punjab, Pakistan. Nó đặc biệt gắn liền với lễ hội Vaisakhi mùa xuân…
“Tỉnh Bình Định mong muốn, thời gian đến, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cộng sự sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Bình Đình với các đối tác Ấn Độ, nâng lên tầm cao mới mang tính chiến lược, toàn diện hơn”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh cho biết.
Theo TTXVN