Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đà Nẵng và cơ hội bứt phá thành trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế

01/07/2025 | 15:11

Sau hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam, từ một vùng đất vốn giàu tài nguyên, lịch sử và văn hóa, thành phố Đà Nẵng mới có cơ hội định hình lại bản đồ du lịch miền Trung Việt Nam, hướng đến trở thành trung tâm du lịch quốc gia và mang tầm quốc tế.

Đà Nẵng và cơ hội bứt phá thành trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế - Ảnh 1.

Đà Nẵng mới sẽ có hai sân bay quốc tế, tạo điều kiện đón nhiều chuyến bay đưa du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Ông Nabil Sultan (đại diện hãng hàng không Emirates) tặng quà đặc biệt từ Emirates tới ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Nhiều dư địa phát triển du lịch

Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất hội tụ những tài nguyên du lịch đặc biệt: từ các Di sản văn hóa thế giới như Hội An và Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, đến rừng nguyên sinh Pơmu, các bãi biển tuyệt đẹp như An Bàng, Tam Thanh, Non Nước, Mỹ Khê, Mân Thái, Nam Ô...

Tất cả tạo thành một “kho báu” tiềm năng cho phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch biển đảo và đặc biệt là du lịch trải nghiệm.

Thành phố Đà Nẵng mới cũng trở thành địa phương duy nhất cả nước có hai sân bay quốc tế: Đà Nẵng và Chu Lai. Cảng Tiên Sa đang được quy hoạch chuyển đổi thành cảng du lịch, trong khi cảng du thuyền quốc tế ở An Hòa (Núi Thành) cũng đang được xúc tiến xây dựng.

Những yếu tố này là động lực mạnh mẽ cho việc phát triển hạ tầng du lịch, rút ngắn thời gian di chuyển và mở rộng không gian kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế trong khu vực.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty The Outbox Company (công ty cung cấp giải pháp ngành du lịch, khách sạn) cho rằng, thành phố Đà Nẵng mới có thị trường khách quốc tế lớn về quy mô và đa dạng về cơ cấu, có thể trở thành một “mega-brand” (thương hiệu lớn) đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của du khách.

Đáng chú ý, việc gia tăng giá trị điểm đến tạo cơ hội gia tăng thời gian lưu trú, chi tiêu và giá trị hành trình (multi-experience) của du khách, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách kết hợp đồng nhất các giá trị điểm đến giữa hai địa phương trước đây.

“Kết hợp giá trị điểm đến của hai địa phương bao gồm sự hiện đại, di sản thành thị, văn hóa bản địa; danh mục sản phẩm du lịch phong phú hơn gồm du lịch MICE (sự kiện, hội nghị kết hợp du lịch), du lịch sinh thái, văn hóa - di sản…

Đa dạng phân khúc khách cũng tạo cơ hội mở rộng phân khúc du khách tiềm năng, tiếp cận phân khúc trung - cao cấp hiệu quả hơn, giảm phụ thuộc thị trường và bảo đảm mục tiêu phát triển thị trường về số lượng và chất lượng du khách.

Ngoài ra, hợp nhất hai địa phương mang lại cơ hội nâng vị thế thương hiệu của hai điểm đến từ nghỉ dưỡng giải trí và văn hóa cộng đồng đơn thuần thành một thương hiệu điểm đến du lịch tích hợp hoàn chỉnh với đa tầng trải nghiệm, đáp ứng được cả nhu cầu du lịch, giải trí ngắn ngày và dài ngày…”, ông Phước phân tích.

Nhiều năm qua, việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện lớn đã giúp Đà Nẵng trở thành một trong những địa điểm được ưu tiên tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế.

Đáng chú ý, Đà Nẵng đang là điểm đến của dòng khách golf khi liên tục đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về golf như Giải BRG Open Golf Championship Danang hay Đại hội Du lịch Golf châu Á...

Sau khi hợp nhất, Đà Nẵng sở hữu các sân golf đẳng cấp quốc tế gồm hệ thống sân golf như: Legend Da Nang Golf Resort (2 sân Nicklaus và Norman), sân Bà Nà Hills Golf Club, sân BRG Đà Nẵng Golf Resort; tại Quảng Nam có các sân golf: Vinpearl Golf Nam Hội An (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình), Hoiana Shores Golf Club (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) và Montgomerie Links Vietnam (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn).

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng mới được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch golf, điểm đến mới cho các tay golf khắp thế giới, đặc biệt là châu Á khi mà hệ sinh thái sản phẩm cho golf hết sức phong phú với các sân golf đẳng cấp cao, chất lượng, được thiết kế bởi các tay golf nổi tiếng.

Các sân golf này có vị trí rất thuận lợi, gần sân bay, thuận tiện trong việc di chuyển; hạ tầng sân golf có chất lượng cao và bảo trì tốt, chi phí hợp lý; dịch vụ đi kèm: khách sạn, nhà hàng, mua sắm, vui chơi, giải trí khá tốt…

Triển khai đồng bộ giải pháp phát triển du lịch

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở tài nguyên, hạ tầng du lịch, hệ thống dịch vụ đang có và quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng tiếp tục hướng tới sự phát triển du lịch bền vững.

Ngành du lịch tập trung các nguồn lực để triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố gồm: đột phá về sản phẩm du lịch; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch; đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục du lịch.

Đồng thời, triển khai quy hoạch, định hướng phát triển trọng tâm của ngành theo lộ trình: kế hoạch phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2025; kế hoạch đề án phát triển kinh tế ban đêm, kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội địa, kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch và các đề án, kế hoạch trọng tâm đã được thành phố phê duyệt theo lộ trình…

Ngành tập trung nghiên cứu thị trường và xu hướng của du khách để truyền thông xúc tiến quảng bá đúng trọng tâm trọng điểm; xúc tiến đường bay Qatar, Úc, Osaka (Nhật Bản), Indonesia, tăng thêm đường bay mới từ Ấn Độ và các nước thuộc CIS…; triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách, kích cầu duy trì đường bay. Xây dựng, công bố và tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí “chất lượng cao” trong hoạt động/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành.

Tiếp tục định hướng phát triển, đến năm 2045, phấn đấu Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Trong đó, chú trọng sự kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, trải nghiệm… theo hướng khai thác thế mạnh đặc trưng vùng, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới đa dạng và phong phú hơn.

Hướng đến trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế

Đà Nẵng mới có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng tiêu dùng và nhu cầu ngày càng cao của du khách.

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, nhấn mạnh rằng trong dài hạn Đà Nẵng mới cần định vị lại tầm nhìn phát triển với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế.

Trong đó, phát triển du lịch biển gắn với kinh tế biển sẽ là một hướng đi chiến lược. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, thành phố cần xác lập vai trò là “điểm đến du lịch di sản” kết hợp với mô hình “siêu đô thị di sản - sự kiện - đổi mới sáng tạo”.

Một điểm nhấn quan trọng là tổ chức lại không gian phát triển du lịch. Ba trục giá trị được đề xuất gồm: trục ven biển (từ Mỹ Khê - Non Nước - An Bàng đến Tam Thanh - Hà My), trục di sản văn hóa (Ngũ Hành Sơn - Hội An - Mỹ Sơn) và trục di sản thiên nhiên (Sơn Trà - Cù Lao Chàm - Tây Giang - các khu bảo tồn sao la, voi). Đây sẽ là những hành lang chủ đạo trong phát triển du lịch, kết nối các điểm đến đặc trưng và tạo thành “hệ sinh thái du lịch liên vùng”.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch hoặc điều chỉnh các khu du lịch quốc gia như Sơn Trà, Bà Nà và Cù Lao Chàm là cần thiết để bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt, phát triển kinh tế đêm gắn với khu thương mại tự do cũng được xem là yếu tố chiến lược trong việc đa dạng hóa sản phẩm và kéo dài chuỗi giá trị du lịch.

Ông Cao Trí Dũng cũng cho rằng, cần sớm điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiện đại và lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. Quy hoạch mới phải đi kèm với định hướng phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các khu vực, thúc đẩy các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

“Không thể thiếu là đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông: nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng, cải thiện kết nối đường bộ liên vùng, phát triển hệ thống đường ven biển và mở rộng các đường bay quốc tế. Hạ tầng tốt không chỉ giúp tăng năng lực phục vụ mà còn là đòn bẩy thu hút đầu tư và kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Báo Đà Nẵng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×