Đà Nẵng quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững
29/01/2024 | 13:43Đà Nẵng thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm/dịch vụ du lịch…Theo đó, thành phố biển hướng đến năm 2045 sẽ trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; đồng thời là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh…
Năm "bội thu" về danh hiệu du lịch
Năm 2023 được xem là năm "bội thu" về danh hiệu của du lịch Đà Nẵng. Thành phố sông Hàn tiếp tục được bầu chọn là điểm đến trong nước được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất trong hè 2023 trên trang Booking.com; điểm đến đứng thứ hai trong số các điểm đến "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) phát triển nhanh nhất thế giới (theo tạp chí Outlook Traveller).
Tháng 2/2023, báo NZ Herald News của New Zealand xếp hạng bãi biển Đà Nẵng là một trong những địa điểm lý tưởng trong kỳ nghỉ mát vào mùa hè... Theo đó, Đà Nẵng được đánh giá là thành phố biển sầm uất với dải cát dài, trắng mịn, uốn lượn nhẹ nhàng trên bờ biển, phù hợp với nhiều người thích tắm nắng, có không gian rộng rãi cho mọi người gần trung tâm thành phố nhất. Bãi biển Mỹ Khê là nơi lý tưởng để đi dạo trên bãi cát và tham gia các môn thể thao dưới nước. Bãi biển Non Nước có làn nước trong xanh phẳng lặng. Bãi biển Bắc Mỹ An có dãy resort 5 sao với không gian biển dành riêng cho du khách.
Tháng 2/2023, biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á do trang Tripadvisor công bố. Đây là một phần giải thưởng Travelers' Choice Best of the Best vinh danh các điểm đến, khách sạn, nhà hàng. Kết quả dựa trên bình chọn của độc giả và chuyên gia khắp thế giới trong 12 tháng.
Ngày 15/11/2023, tạp chí Condé Nast Traveller (CN Traveller) dành cho phân khúc du lịch sang trọng, cao cấp có trụ sở chính tại Anh công bố Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam đứng thứ hai trong Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024.
Cùng với những danh hiệu nói trên, việc có 7,39 triệu lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng trong năm 2023, tăng gấp 2 lần so với năm 2022 (trong đó khách quốc tế dự kiến đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2022) cho thấy du lịch đã thực sự phục hồi ở thành phố này; đồng thời minh chứng sự nỗ lực của chính quyền, ngành du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành, sự đồng hành của người dân trong việc biến ngành công nghiệp không khói thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Định hướng quan trọng, lâu dài
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, động lực để thành phố quyết tâm phát triển du lịch bền vững chính là sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng lớn để Đà Nẵng phát triển.
Đặc biệt, Bộ Chính trị xác định đến năm 2030 "xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…".
"Đà Nẵng quan tâm quy hoạch định hướng phát triển du lịch bền vững và đảm bảo quốc phòng - an ninh thông qua hàng loạt chiến lược quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể. Đà Nẵng cũng đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo du lịch của thành phố", bà Hạnh lý giải.
Chính quyền Đà Nẵng ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch bằng việc hoàn chỉnh hạ tầng xã hội hiện đại với đường sá, Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các công viên, vườn dạo, cải tạo cảng Sông Hàn thành cảng đón khách du lịch…
Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn Đà Nẵng có 16 khu, điểm du lịch, tăng 9 khu, điểm so với năm 2010; 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, tăng 1.104 cơ sở và hơn 40.000 phòng so với năm 2010. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư, đưa vào hoạt động với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng; Các khu, điểm tham quan, du lịch, công viên chủ đề được các nhà đầu tư tập trung phát triển gắn với các dịch vụ đặc sắc
"Các nguồn lực cho các hoạt động phát triển du lịch được huy động bao gồm ngân sách của thành phố (hỗ trợ các hoạt động tổ chức sự kiện, lễ hội, xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác, đào tạo…); nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư… Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập và công bố Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố vào tháng 5/2020 và đang nghiên cứu hình thành Quỹ tổ chức sự kiện của thành phố", bà Hạnh cho biết.
Tầm nhìn đến năm 2045
Đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, thời gian tới, Đà Nẵng tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững; phát triển du lịch theo 10 không gian du lịch chức năng: ven Bờ Đông, Vịnh Đà Nẵng, đô thị trung tâm, sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, "đô thị sân bay" và cảng biển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông, sinh thái phía Tây, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo.
"Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm/dịch vụ du lịch. Tập trung phát triển hình thành 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch golf; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái); sản phẩm du lịch chính (du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn) và sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục)", bà Hạnh nói.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch cho thị trường nội địa và thị trường quốc tế; trong đó khôi phục lại và đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kết hợp thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, Mỹ và Bắc Âu, xúc tiến khai thác thêm một số thị trường mới: Trung Đông, Kazaktan, Uzerbekistan.../.