Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững

16/07/2025 | 15:02

Phát triển du lịch xanh, bền vững là xu hướng tất yếu. Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã, đang và tiếp tục có những giải pháp phù hợp khai thác nền tảng đã được gầy dựng để rút ngắn thời gian và đạt được kết quả như kỳ vọng.

XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI ĐỒNG BỘ, CHUYÊN NGHIỆP

Sự kiện hợp nhất Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội du lịch Quảng Nam thành Hiệp hội du lịch Đà Nẵng (mới) mở ra cơ hội liên kết toàn diện, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ, chuyên nghiệp... nâng cao vị thế điểm đến địa phương.

Kết nối toàn diện

Là hai “hạt nhân du lịch” hàng đầu miền Trung, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (cũ) từ lâu đã tạo dựng được thương hiệu riêng. Trong đó, Đà Nẵng nổi bật với hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp, các sự kiện lễ hội tầm vóc quốc tế như lễ hội pháo hoa hay cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper. Trong khi Quảng Nam là vùng đất của di sản phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn cùng sự phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 1.

Du khách thích thú với bộ môn chèo SUP tại bãi biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẵng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định, việc hai hiệp hội “về chung một nhà” là bước đi mang tính tất yếu để tận dụng sức mạnh liên vùng, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra chuỗi sản phẩm đa dạng, độc đáo hơn. Việc thống nhất tổ chức sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc tham vấn chính sách, đề xuất đầu tư hạ tầng dịch vụ và xúc tiến quảng bá điểm đến.

“Thay vì hoạt động rời rạc, các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia trong một hệ sinh thái du lịch lớn, nơi mỗi mắt xích đều có thể kết nối linh hoạt để tạo ra giá trị gia tăng cho du khách. Quan trọng hơn, sự hợp nhất này là tiền đề để phát triển những sản phẩm liên kết đặc trưng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Như một hành trình khám phá di sản kết hợp nghỉ dưỡng từ Hội An đến Bà Nà Hills, từ Mỹ Sơn đến các bãi biển Sơn Trà hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm chủ lực mới nếu được thiết kế chuyên nghiệp, truyền thông bài bản và vận hành hiệu quả” - ông Dũng cho hay.

Chung quan điểm này, ông Phan Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) nhận định đây là bước khởi đầu cho sự liên kết mạnh mẽ và bền vững giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. “Việc phát triển một hệ sinh thái du lịch thống nhất, đồng bộ giúp chúng ta duy trì lượng khách hiện tại và mở ra nhiều thị trường tiềm năng mới. Theo tôi, hợp nhất không phải là chia nhỏ thị phần mà là tạo điều kiện để mỗi địa phương phát huy thế mạnh riêng trong một chiến lược chung”, ông Thanh khẳng định.

Chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững

Điểm đáng chú ý trong chiến lược mới của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng sau hợp nhất chính là việc đẩy mạnh tổ chức các sự kiện du lịch mang dấu ấn vùng miền. Ông Trần Kim Thọ, Tổng Thư ký Chi hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, đây là cơ hội thúc đẩy sự kiện giải bóng đá Cúp Hội Khách sạn, Cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp, Ngày hội du lịch xanh… thành những hoạt động thường niên có giá trị lan tỏa trong và ngoài ngành.

Trong khi đó để đáp ứng mục tiêu chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng nhấn mạnh, công tác đào tạo và cập nhật xu hướng là nhiệm vụ trọng tâm.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 2.

Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang là một trong 33 đơn vị đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.

Hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị như IBH Academy thiết kế chương trình huấn luyện quản trị thị trường, vận hành doanh nghiệp, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho toàn hệ thống.

Ngoài ra, việc cập nhật kỹ năng mềm, ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa và ứng xử chuyên nghiệp sẽ giúp đội ngũ nhân sự ngành du lịch thích ứng nhanh với yêu cầu khắt khe của du khách quốc tế. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng dịch vụ, tạo ấn tượng tốt cho điểm đến trong tương lai.

Để ngành du lịch địa phương có thể tăng tốc và cạnh tranh ở quy mô quốc tế, việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp là yêu cầu then chốt. Trong đó, cần lưu ý hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, cơ sở lưu trú đồng đều chất lượng, cho đến các dịch vụ trải nghiệm, tiện ích thông minh, mô hình tổ chức tour tuyến mới.

Ông Cao Trí Dũng cho hay: “Một trong những ưu tiên sắp đến là kêu gọi đầu tư vào các mô hình du lịch mới như du lịch chữa lành, du lịch sáng tạo, du lịch MICE (du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm), kết hợp với bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa bản địa. Càng ngày du khách càng đòi hỏi nhiều hơn, không chỉ ở cảnh đẹp hay tiện nghi, mà ở trải nghiệm mang tính cá nhân, sự thân thiện và cảm giác gắn bó với nơi mình đến”.

Với tầm nhìn dài hạn và những bước đi cụ thể, ngành du lịch Đà Nẵng đang đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới.

Bà Linh Chi, Trưởng Chi hội Homestay Villa ở Hội An mong muốn hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh các chương trình gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức bảo tồn và phát triển không gian trải nghiệm mang tính đặc thù. “Nếu mở rộng liên kết với thành phố Huế, Đà Nẵng hoàn toàn có thể hình thành “tam giác du lịch di sản - nghỉ dưỡng - văn hóa” tạo sức hút du khách quốc tế, cũng như mang lại những giá trị khác biệt cho điểm đến miền Trung”, bà Chi nói.

LAN TỎA MẠNG LƯỚI DU LỊCH GIẢM RÁC THẢI

Từ cột mốc đầu tiên

Tỉnh Quảng Nam (cũ) tiếp cận với xu hướng du lịch bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường từ rất sớm, đơn cử như sáng kiến “nói không với túi ny lon” ở Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) từ năm 2009.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 3.

Các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường được doanh nghiệp tại Hội An sản xuất góp phần lan tỏa xu thế du lịch giảm rác thải.

Có thể xem cột mốc chính thức của xu thế này ở Quảng Nam là vào tháng 9/2019, khi Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức hội thảo và truyền tải thông điệp du lịch không rác thải nhựa.

Qua 6 năm, các bên liên quan tại Quảng Nam đã chung tay bền bỉ lan tỏa xu thế du lịch không rác thải với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Bao gồm: Chương trình doanh nghiệp Hội An cam kết giảm thiểu rác thải và nhựa dùng một lần; chương trình tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong giảm thiểu rác thải tại Hội An; ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam; nhân rộng thực hành không rác thải tại các điểm đến du lịch Quảng Nam…

Và mới nhất, ngày 09/7, tại Hội An đã ra mắt Mạng lưới du lịch không rác thải tại Việt Nam với nòng cốt là những chủ thể làm du lịch tại địa phương.

Bà Hà Thị Diệu Viên, Tổng Quản lý Silk Sense Hoi An River Resort (phường Hội An Tây) chia sẻ, mỗi đơn vị du lịch dấn thân theo xu thế du lịch không rác thải có hành trình riêng với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhưng cũng nhờ vào điều đó mà Silk Sense Hội An River Resort đã được công nhận là khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam; được trao chứng nhận về Travelife (chứng nhận quốc tế uy tín về du lịch bền vững) cũng như chứng nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh Quảng Nam.

Ông Phan Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội Du lịch lâm thời thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) nhận định, những mô hình quản trị tài nguyên rác tiên phong tại Hội An sẽ truyền cảm hứng lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại thành phố Đà Nẵng mới nói riêng và Việt Nam nói chung cùng hành động vì mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 4.

Silk Sense Hội An River Resort là một trong những đơn vị du lịch tích cực hợp tác, triển khai các công nghệ để giảm thiểu tối đa rác thải phát sinh.

Bước tiến mang tính chiến lược

Theo bà Quách Thị Xuân, Giám đốc quốc gia Tổ chức môi trường Thái Bình Dương Việt Nam, nhựa dùng một lần đang làm xấu đi hình ảnh của những điểm đến du lịch vốn nổi tiếng là thân thiện môi trường và giàu bản sắc tại Việt Nam.

Nếu chúng ta không hành động kịp thời, những bãi biển, di sản hay danh thắng thiên nhiên sẽ trở thành điểm dừng chân của các bãi rác nhựa tự phát, điều mà không một du khách nào mong muốn trải nghiệm.

“Chính vì vậy, sự ra đời của Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác (Vietnam Zero Waste Tourism Network - VZWTN) tại Hội An là bước tiến mạnh mẽ, một hành động mang tính chiến lược, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và là lĩnh vực phát sinh nhiều rác nhựa dùng một lần.

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) sẽ tích cực đồng hành với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch ngăn ngừa rác thải nhựa, xây dựng và giữ gìn thương hiệu điểm đến xanh, đảm bảo phát triển du lịch một cách bền vững”, bà Xuân nói.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, không chỉ Hội An, du lịch giảm rác thải hiện đã nhận được sự quan tâm chung của du lịch Đà Nẵng, Việt Nam cũng như toàn cầu.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 5.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xu thế du lịch không rác thải tại hội thảo ra mắt mạng lưới du lịch không rác (tổ chức tại Hội An vào ngày 09/7).

Thời gian qua, du lịch Hội An đã tiếp cận, lan tỏa rất tốt xu hướng du lịch giảm rác thải. Về phía doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng cũng rất ủng hộ, hưởng ứng xu thế này trong thời gian tới để góp phần chung vào việc phát triển du lịch Đà Nẵng mới xanh, bền vững.

Bà Vũ Mỹ Hạnh, Điều phối viên Chương trình “Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An điểm đến xanh” cho biết, những kết quả đã đạt được tại Hội An có sự chung tay của nhiều bên liên quan.

Do đó, nếu muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn xu thế này trong không gian Đà Nẵng mới rất cần sự phối hợp của 3 chủ thể, gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Ngoài ra, cũng rất cần sự đồng hành của các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nhà cung cấp giải pháp thì việc tiếp cận, triển khai sẽ bài bản và hiệu quả hơn.

DUY TRÌ BỘ TIÊU CHÍ DU LỊCH XANH

Dấu ấn lớn của du lịch xanh Việt Nam

Với định hướng phát triển du lịch xanh bền vững, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam với 6 lĩnh vực: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, điểm tham quan. Sau đó vào năm 2024, Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được bổ sung thêm lĩnh vực cơ sở dịch vụ ăn uống.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 6.

UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) trao chứng nhận du lịch xanh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam nhân Hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2024 diễn ra tại thành phố Hội An.

Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của Dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 1 (SSTP) và sự hỗ trợ tiếp tục dự án giai đoạn 2 (ST4SD) trên cơ sở tham khảo 25 Bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế tại địa phương.

Qua gần 4 năm triển khai, Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam bước đầu để lại dấu ấn. Đến nay, đã có 33 doanh nghiệp, điểm đến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (cũ) được cấp chứng nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí này ở 2 cấp độ: 2 lá sâm Ngọc Linh và 3 lá sâm Ngọc Linh. Các đơn vị được cấp chứng nhận này ít nhiều đều nhận được hiệu ứng tích cực, đánh giá cao từ các đơn vị lữ hành, du khách trong bối cảnh du lịch xanh đang là xu thế toàn cầu.

Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ), sau khi ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh, một số tỉnh, thành trên toàn quốc có định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững đã tích cực kết nối, đến Quảng Nam tham khảo kinh nghiệm để áp dụng bộ tiêu chí này triển khai tại địa phương mình.

Theo đại diện Dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, thời gian qua đơn vị tích cực hỗ trợ để Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) công nhận Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam tuân theo hướng dẫn tiêu chuẩn toàn cầu về du lịch và lữ hành bền vững để nâng cao vị thế cho bộ tiêu chí này.

Hướng đến trụ cột du lịch Đà Nẵng

Một trong những chờ đợi quan trọng của ngành du lịch sau hợp nhất Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam tiếp tục được duy trì. Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc khách sạn Santa Sea Villa Hội An (phường Hội An Tây), đơn vị đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam cho rằng, đây là một bộ tiêu chí rất hay, góp phần cụ thể hóa quyết tâm phát triển du lịch xanh, khuyến khích các chủ thể làm du lịch bền vững nên cần thiết được duy trì, lan tỏa với cơ chế hỗ trợ mạnh hơn ở không gian Đà Nẵng mới. Cạnh đó, cũng cần xem xét tính thống nhất với một số bộ tiêu chí du lịch xanh khác trên toàn quốc để phát huy hiệu quả cao nhất khi áp dụng.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch xanh, bền vững - Ảnh 7.

Khu công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (xã Hòa Vang).

Ông Phan Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) cho hay, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã thảo luận và nhận được sự ủng hộ cao của Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng (cũ) về việc đề xuất thành phố duy trì, tiếp nối bộ tiêu chí khi hai bên tổ chức hội nghị về việc hợp nhất hai hiệp hội.

Còn ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, mảng du lịch bền vững và du lịch xanh của Quảng Nam thời gian qua rất mạnh nên qua thảo luận thì Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đồng thuận về việc kế thừa và phát triển lĩnh vực này thành một trụ cột trong ngành du lịch thành phố.

“Về Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, cơ bản vẫn sẽ kế thừa toàn bộ và nhân rộng ra cho thành phố Đà Nẵng mới, nếu thấy cần thiết thì các bên liên quan sẽ phối hợp điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để phù hợp với đặc thù địa phương sau hợp nhất. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng mới cũng sẽ duy trì và nâng cấp Câu lạc bộ Du lịch xanh (thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũ) thành Chi hội Du lịch xanh Đà Nẵng, đăng ký tham gia Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam”, ông Dũng nói.

Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, sở rất ủng hộ việc tiếp tục duy trì triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam vào không gian du lịch thành phố Đà Nẵng mới.

“Sở cũng đề xuất thành phố cho phép đơn vị tiếp tục hợp tác với chương trình phát triển du lịch bền vững Thụy Sỹ để thực hiện các hoạt động của dự án du lịch xanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Trong đó, sở sẽ chủ trì, phối hợp các địa phương tham gia các hoạt động khảo sát, đánh giá việc áp dụng, thực hành du lịch xanh theo các bộ tiêu chí đã được UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) ban hành.

Qua đó, tiếp tục phối hợp với dự án của Thụy Sỹ nâng cấp bộ tiêu chí để Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cấp chứng nhận đáp ứng yêu cầu về du lịch bền vững chuẩn quốc tế để áp dụng tại một số khu, điểm du lịch. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố tham gia.

Sở cũng sẽ đề xuất UBND thành phố thống nhất xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2030”, ông Sơn nói.

Theo Báo Đà Nẵng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×