Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đà Nẵng nêu 5 giải pháp thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

31/10/2024 | 08:41

Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 991/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng nêu 5 giải pháp thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 1.

Hình minh họa

Theo ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 là cơ sở pháp lý và định hướng rất quan trọng để TP Đà Nẵng kết hợp với các Quy hoạch thành phố, quy hoạch đô thị,...triển khai tổ chức thực hiện, xây dựng một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hoàn thiện, phát triển nhằm thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" và mục tiêu của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII "Đầu tư phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng phát triển bền vững, xây dựng "thành phố đáng sống".

Thiết chế văn hóa, thể thao là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần, thể chất và sáng tạo các giá trị văn hóa, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân, năng lực sáng tạo của chủ thể văn hóa và diện mạo, bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia.

Ông Phạm Tấn Xử cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa trong đời sống xã hội, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã hết sức quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và các điều kiện để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã từng bước được quy hoạch, nâng cấp, đầu tư, xây dựng; kinh phí hoạt động, bộ máy tổ chức và hoạt động nghiệp vụ cũng được các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể. Hoạt động của các thiết chế từng bước được cải thiện, ngày càng thu hút được người dân đến vui chơi, tập luyện; từ đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Để thực hiện và hoàn thành tốt mục tiêu của quy hoạch, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp trên địa bàn thành phố.

Về cơ chế, chính sách, thành phố sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế chính sách nhằm phát huy, khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao (Hiện nay, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 87/2023/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND ngày 08/5/2024 của UBND thành phố về việc ban hành Quy định danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi và chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc Hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao mà cụ thể là: Xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao (Điểm b, Khoản 2, Điều 9 Nghị quyết 136/2024/QH15) và quy định chi tiết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi tiết báo cáo nghiên cứu khả thi, chi tiết và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, chi tiết và tiêu chuẩn hợp đồng dự án PPP trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc lĩnh vực thể thao, văn hóa (Điểm đ, Khoản 2, Điều 9 Nghị quyết 136/2024/QH15).

Triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan tham mưu, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, phát huy công năng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

Ưu tiên, lựa chọn bố trí đất đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao

Về công tác quy hoạch và đầu tư, ông Phạm Tấn Xử cho hay, sẽ ưu tiên, lựa chọn bố trí đất đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở vị trí, địa điểm phù hợp, thuận lợi trong hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân. Đối với các địa điểm thay đổi mục đích sử dụng thì bố trí địa điểm thay thế. Đất bố trí để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác và sử dụng hiệu quả.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh từng Trung tâm VHTT. Khảo sát nhu cầu của người dân địa phương và tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp, hiệu quả.

Quan tâm đầu tư thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo, nâng cấp các Trung tâm VHTT hiện có. Đồng thời, khai thác sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất được đầu tư, giao quản lý, sử dụng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở giúp tăng cường nguồn thu của đơn vị, để tiến dần đến việc đảm bảo tự chủ về tài chính.

Về kiện toàn củng cố, tổ chức bộ máy, thành phố sẽ sắp xếp, ổn định tổ chức, bộ máy của các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện sau khi sáp nhập.

Rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất củng cố, hoàn thiện bộ máy, nguồn nhân lực của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Thực hiện quy hoạch cán bộ công chức bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý với quy hoạch công chức chuyên môn. Rà soát, xác định rõ vị trí việc làm để làm căn cứ bố trí sắp xếp, đào tạo bồi dưỡng cho phù hợp, hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao của thành phố đảm bảo hợp lý về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình với công việc. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng sát với đặc thù và thực tế công việc; đa dạng hóa nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (dài hạn, ngắn hạn) đáp ứng nhu cầu học tập cho đội ngũ quản lý, chuyên môn tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. Đồng thời, cũng cần có những chính sách đặc thù mang tính động viên để anh, chị, em nỗ lực sáng tạo, gắn bó lâu dài với đơn vị.

Khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao

Đối với công tác quản lý và phát triển hoạt động các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho biết, thành phố sẽ tập trung đa dạng hóa nội dung, khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với từng loại hình, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân. Tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ, tài trợ các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cung cấp các dịch vụ công phục vụ học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp thành phố, quận, huyện đối với Trung tâm VHTT phường, xã; hàng năm có kế hoạch đưa các hoạt động văn hóa, thể thao của thành phố về cơ sở phục vụ người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế.

Hỗ trợ nguồn lực về đào đạo hướng dẫn cán bộ chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí để Trung tâm VHTT phường, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động, giải, hội thi văn hóa, thể dục thể thao phù hợp với điều kiện, nhu cầu và đặc thù tại địa phương.

Triển khai tổ chức tập luyện, thi đấu các bộ môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, bóng đá, cờ, võ thuật và tập trung đến các môn thể thao hiện đại, có xu hướng phát triển mạnh như: tennis, cầu lông, bóng bàn, bơi,Yoga, Thể dục nhịp điệu, Thể dục thể hình, Thể dục dưỡng sinh.

Tiếp tục thực hiện chương trình, cuộc vận động liên quan như: cuộc vận động "toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", chương trình "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân", kỷ niệm các ngày lễ lớn...Tăng cường công tác thông tin - truyền thông trong cộng đồng xã hội về thể dục, thể thao về tác dụng, lợi ích của luyện tập thể dục, thể thao.

Tập trung lựa chọn tổ chức các hoạt động, giải thi đấu là Hội thi các bộ môn có tính phối hợp nhiều người, nội dung thi tiếp sức, đồng đội, tập thể như: Chạy bộ tiếp sức, đi bộ tiếp sức, đồng đội các bộ môn Bóng, môn Võ, tập thể gồm bóng chuyền, bóng đá, nhằm thu hút đông đảo lực lượng của nhiều đối tượng tham dự, cổ vũ.

Mở các lớp tập huấn ngắn hạn bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, luật, các qui định mới và cách thức tổ chức các hoạt động, giải đấu thể thao. Đưa các hoạt động biểu diễn, trình diễn thể thao về cơ sở của môn số bộ môn kết hợp với hoạt động tổ chức thi đấu. Phân bổ khung thời gian phục vụ nhân dân tại các Trung tâm VHTT cho phù hợp với từng địa phương.

Cùng với đó là phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương gắn với thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tự nguyện, tích cực tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao; phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò tự quản của cộng đồng đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa, thể thao.

Tập trung hoàn thiện cơ chế tài chính

Về công tác hoàn thiện và đổi mới cơ chế chính sách, ông Phạm Tấn Xử cho hay, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế tài chính và đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập văn hóa và thể thao cấp thành phố, quận, huyện; phấn đấu đến năm 2025, các đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên chuyển sang tự chủ một phần chi thường xuyên, các đơn vị đang tự chủ chi thường xuyên thì tăng thêm 10-20% tỷ lệ tự chủ so với năm 2019 (theo Quyết định số 429/QĐ-TTg là 10%).

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, đảm bảo đồng bộ các yếu tố đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế vận hành của các cấp các ngành.

Có chính sách, cơ chế thuận lợi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy định của pháp luật nhằm huy động nguồn lực từ xã hội tham gia vào các hoạt động đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở.

Hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết, cho thuê... cơ sở vật chất theo đúng quy định nhằm tăng nguồn lực và phát huy hiệu quả sử dụng công trình. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình tổ chức hoạt động của các Trung tâm VHTT, kịp thời chấn chỉnh những đơn vị hoạt động không hiệu quả, song song đó xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

Đảm bảo kinh phí hoạt động, cung cấp trang thiết bị phù hợp cho các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Có hướng dẫn cụ thể về sử dụng tài sản công trong việc liên kết tổ chức hoạt động và sử dụng nguồn thu từ các hoạt động liên kết./.


Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×