Đà Lạt, dấu ấn 130 năm
04/01/2024 | 10:59Từ miền đất hoang sơ trên cao nguyên Langbiang, trải qua bao dấu mốc lịch sử, Đà Lạt (Lâm Đồng) được kiến tạo trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, là miền đất thăng hoa, thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, xứ sở ngàn hoa quanh năm khoe sắc. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, con người "hiền hòa, thanh lịch, mến khách"… những giá trị ấy đã tạo cho phố núi sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trong diễn văn kỷ niệm "130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023), đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo của UNESCO" mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú nhấn mạnh: "Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, từ lâu đã trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Đà Lạt qua 130 năm tuổi còn mang trong mình chiều sâu văn hóa, lịch sử, với những giá trị di sản còn mãi với thời gian".
Đô thị bản sắc
Ngày 21/6/1893 trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt, khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbiang và phát hiện ra vùng đất thơ mộng này. Đà Lạt có "công năng gốc" là đô thị nghỉ mát. Khí hậu và thiên nhiên Đà Lạt đã hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch. Từ "trạm nghỉ dưỡng vùng cao", vùng đất trên cao nguyên Langbiang này được dự phóng ngay từ ngày đầu khảo sát là sẽ trở thành "thủ đô mùa hè" của Đông Dương.
Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều dân cư.Từ xa xưa, đây là vùng đất sinh sống lâu đời của người Cơ Ho Lạch. Trong những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã tới vùng đất này để tìm kiếm và xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng, người Việt cũng di cư tới Đà Lạt. Từ đô thị nghỉ dưỡng trong thời Pháp thuộc, trải qua biết bao thời gian với một quá trình biến động của lịch sử tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. Có thể nói, phong cách sống của người Đà Lạt là sự chắt lọc, quyện hòa của văn hóa nhiều vùng, miền để hình thành nét riêng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm "130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, sau 130 năm, Đà Lạt từ miền đất hoang sơ đã trở thành trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế-văn hóa, du lịch, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng; có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh đối với khu vực Tây Nguyên.
"Với dân số hơn 230.000 người và 20 dân tộc anh em chung sống đoàn kết, thuận hòa; nổi bật với phong cách người Đà Lạt "hiền hòa, thanh lịch, mến khách", Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế, thành phố Festival hoa và đang xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin.
Đà Lạt là thành phố trẻ so với nhiều đô thị khác trong nước. Song, theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chuỗi thời gian 130 năm, cùng sự tích lũy đầy sáng tạo của con người qua các thời kỳ, đã tạo nên một thành phố có tính đặc thù, được ví với nhiều tên gọi ấn tượng như: Thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, thành phố tình yêu, thành phố mộng mơ, thành phố kiến trúc và "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố"…
Đà Lạt hiện là thành phố của ba thiên đường: Du lịch, tình yêu và nông nghiệp. Những điều đó cũng nói lên tính đặc thù, tính riêng và tính hiếm có của Đà Lạt so với các thành phố khác trên thế giới.
Mới đây, Đà Lạt có thêm danh xưng là thành phố thông minh, thành phố âm nhạc. "Đà Lạt hai lần được công nhận là "Thành phố du lịch sạch ASEAN" và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á. Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt cũng là "thương hiệu" về nông nghiệp công nghệ cao, "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành", ông Đặng Quang Tú cho biết.
Miền đất thăng hoa
Giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt chính là đặc thù khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di sản kiến trúc cùng sự bặt thiệp, hiền hòa, thân thiện của cư dân phố núi... Những giá trị ấy tạo nên sự thăng hoa về tinh thần để sáng tạo nghệ thuật và cũng là tài nguyên phát triển du lịch của xứ ngàn hoa Đà Lạt, thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành và không gian diễm lệ là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Đây không phải là "giá trị gia tăng" mà chính là "giá trị cơ bản" của xứ sở này. Tiến sĩ Phạm S cho rằng: "Thiên nhiên, văn hóa và con người Đà Lạt đã làm cho xứ sở này trở thành thiên đường sáng tạo nghệ thuật". Ông lý giải, Đà Lạt mộng mơ, lãng mạn đã làm say đắm lòng người. Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đến đây, ở đây, đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Qua thống kê chưa đầy đủ, đến nay có khoảng 300 bài hát viết về Đà Lạt.
Văn hóa nghệ thuật là thứ làm nên hồn cốt Đà Lạt. Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có hàng loạt không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, như Phố bên đồi, Mây lang thang, Lululola, Stop and Go art space, Hey Storm art space… góp phần tạo ra những góc phố nghệ thuật, với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế.
"Mấy năm gần đây có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng chọn Đà Lạt để sáng tác, biểu diễn; cùng những nhóm nhạc bắt đầu nở rộ, đã tạo ra phong trào nghệ thuật âm nhạc sôi nổi trên phố núi", anh Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập Không gian sáng tạo Phố bên đồi-Đà Lạt, chia sẻ.
Năm 2023, Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Đây sẽ là yếu tố góp phần dẫn dắt thành phố phát triển trong tương lai. Mỗi người dân Đà Lạt sẽ có động lực sáng tạo hơn nữa, góp phần quan trọng tạo nét riêng thành phố, đồng thời, tăng thêm giá trị cho Đà Lạt, nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho bạn bè, du khách trong nước và quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
"Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó góp phần định vị thương hiệu, khẳng định sự ghi nhận của bạn bè trong nước và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh Đà Lạt-Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kỳ vọng.
Đà Lạt trong tương lai
Quyết định số 1727/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "thiên đường xanh", với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo; đồng thời, quy hoạch tiểu vùng 1 gắn với cao nguyên Langbiang, bao gồm thành phố Đà Lạt (sáp nhập huyện Lạc Dương) và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế, trong đó, thành phố Đà Lạt là hạt nhân của vùng.
Bí thư Thành ủy Đà Lạt Đặng Trí Dũng chia sẻ, những kết quả đã đạt được rất đáng tự hào,nhưng khối lượng công việc, thách thức trong thời gian tới cũng rất lớn. Thành phố xác định mục tiêu phát triển du lịch nhanh và bền vững, gắn với "tăng trưởng xanh" trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch.
"Hiện Đà Lạt xây dựng đề án Đô thị di sản để trình UNESCO. Nếu được công nhận, đây cũng sẽ là điều kiện rất tốt để địa phương phát triển du lịch. Thành phố cũng đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc theo quy hoạch liên ngành, mở rộng không gian đô thị Đà Lạt để trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế", Bí thư Thành ủy Đà Lạt Đặng Trí Dũng thông tin.