Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Văn hóa Abu Dhabi 2021
10/03/2021 | 19:10Nhận lời mời của Ban Tổ chức và UNESCO, bà Nguyễn Phương Hòa-Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể thứ 2, Hội nghị Thượng đỉnh Văn hóa Abu Dhabi 2021.
Nhận lời mời của Ban Tổ chức và UNESCO, bà Nguyễn Phương Hòa-Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể thứ 2, Hội nghị Thượng đỉnh Văn hóa Abu Dhabi 2021 tổ chức ngày 09/3/2021 dưới hình thức trực tuyến với chủ đề “Tại sao cần tập trung vào nghệ sỹ và công nghệ số để phát triển kinh tế sáng tạo?”. Cùng tham gia Phiên thảo luận có Ngài Felipe Buitrago Restrepo- Bộ trưởng Văn hóa Colombia, bà Juliana Akoryo- Ủy viên phụ trách Văn hóa và Gia đình, Bộ Phát triển Giới, Lao động và Phát triển Xã hội Uganda. Ông Toussaint Tiendrebeogo- Trưởng Ban Thư ký Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa tham gia với vai trò điều phối.
Phiên thảo luận tập trung trao đổi nhiều nội dung quan trọng như chủ trương, chính sách của các quốc gia, các sáng kiến, đề xuất phát triển ngành kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hoá, các biện pháp hỗ trợ nghệ sỹ dưới tác động của Covid 19.
Mở đầu Phiên thảo luận, ông Felipe Buitrago Restrepo- Bộ trưởng Văn hóa Colombia chia sẻ về mô hình “kinh tế cam” của Colombia, trong đó vai trò lãnh đạo của Tổng thống Ivan Duque, sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Mô hình này đã trở thành điển hình tại khu vực Mỹ Latinh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Thống nhất với đánh giá của Bộ trưởng Văn hóa Colombia, bà Nguyễn Phương Hòa chia sẻ kết quả hợp tác Việt Nam-UNESCO về văn hóa trong thời gian vừa qua đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về đóng góp của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó xác định vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, coi công nghiệp văn hóa là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu phát triển văn hóa tại Việt Nam trong thời kỳ mới.
Từ nhận thức đến hành động, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào năm 2016, hơn 50 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Chiến lược. Năm 2019, thành phố Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo động lực cho các tỉnh, thành phố thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và kinh tế sáng tạo nói riêng. Kết quả, theo thống kê đến hết năm 2018, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đạt mức 3,6%, về đích sớm hơn mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Đối với Uganda, bà Juliana Akoryo đã chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với UNESCO khởi động ResiliArt-hệ thống các phiên thảo luận được tổ chức trên quy mô toàn cầu để lắng nghe ý kiến, nhận định, đề xuất của các nghệ sỹ, các chuyên gia văn hóa… ,từ đó giúp các quốc gia xây dựng, phát triển chính sách hỗ trợ các nghệ sỹ, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngành kinh tế sáng tạo.
Tiếp theo Phiên thảo luận, các diễn giả tập trung trao đổi một số dự án, sáng kiến, biện pháp cụ thể, trong đó khẳng định vai trò hỗ trợ, động lực thúc đẩy của UNESCO và các nỗ lực, hoạt động hợp tác quốc tế của các quốc gia phát triển ngành kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa. Đối với trường hợp Colombia, Bộ trưởng Felipe Buitrago Restrepo chia sẻ về kết quả dự án Retina Latina, một nền tảng công nghệ số giới thiệu, chia sẻ về các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của các quốc gia Mỹ Latinh dưới sự tài trợ, hỗ trợ của UNESCO thông qua Quỹ Đa dạng văn hóa (IFCD).
Tại Việt Nam, bà Nguyễn Phương Hòa chia sẻ về dự án E-MOTIONS do UNESCO tài trợ với chủ đề “Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim”, đồng thời cung cấp thông tin về kết quả phát triển ngành điện ảnh Việt Nam trong thời gian vừa qua, trong đó một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Việt Nam đã giành được giải thưởng uy tín khu vực và quốc tế, được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, một số tác phẩm khác đã đạt hiệu quả lớn về doanh thu, tiếp tục phát triển Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội trở thành một thương hiệu uy tín, chất lượng... Trong bối cảnh Covid 19, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam bước đầu được giới thiệu trên nền tảng số, 70 tác phẩm điện ảnh Việt Nam được phát hành trên Netflix. Vừa qua, lần đầu tiên Tuần phim Việt Nam được tổ chức trên nền tảng trực tuyến VTVGo của Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam.
Về phần mình, bà Juliana Akoryo chia sẻ về sáng kiến của chính phủ Uganda tài trợ xây dựng một nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho các nhà làm phim của nước này chia sẻ, giới thiệu miễn phí các tác phẩm của mình, đồng thời hỗ trợ công chúng Uganda có thể tải xuống và xem các tác phẩm này với chi phí vừa phải.
Tại phần thứ ba của Phiên thảo luận, các diễn giả đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến khắc phục khó khăn, thách thức do Covid 19 gây ra đối với sự phát triển của ngành kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó nhấn mạnh vai trò, định hướng của UNESCO, hoạt động hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…
Trong đó, bà Nguyễn Phương Hòa khẳng định quyền tác giả, quyền liên quan của các nghệ sỹ cần được tôn trọng và bảo vệ trên môi trường số, đảm bảo thu nhập và thù lao cho nghệ sỹ thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời cân bằng với quyền tiếp cận, sử dụng công bằng các sản phẩm, dịch vụ về văn hóa của công chúng, quyền tự do biểu đạt, sáng tạo trên không gian mạng của nghệ sỹ, người sáng tạo.
Để đạt được dòng chảy cân bằng của các hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đảm bảo sự đa dạng của các nội dung văn hóa, các quốc gia cần ban hành những quy định cụ thể đối với hoạt động của các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số hiện nay, đồng thời thiết lập khuôn khổ hợp tác về việc đồng sản xuất, tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nước đang phát triển thông qua các tổ chức đa phương như UNESCO, WIPO và WTO.
Diễn giả "Việt Nam kêu gọi nêu cao tinh thần của Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong các quá trình đàm phán về thương mại tự do toàn cầu, qua đó đảm bảo việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ về văn hóa. Việt Nam đề nghị tiếp tục gây quỹ để tăng thêm ngân sách cho Quỹ Đa dạng văn hoá nhằm tạo điều kiện nuôi dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa tại các quốc gia đang phát triển". Đồng thời, kiến nghị xây dựng các văn bản pháp lý, các bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo các quốc gia, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tôn trọng, đảm bảo chủ quyền quốc gia, quyền về văn hóa đối với công dân các nước.
Hội nghị Thượng đỉnh Văn hoá Abu Dhabi, tổ chức từ 8/3 - 10/3/2021 dưới hình thức trực tuyến, trong đó Phiên khai mạc diễn ra ngày 8/3/2021 với sự tham dự và phát biểu của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, là một trong những sự kiện văn hóa có quy mô toàn cầu do Bộ Văn hoá Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), UNESCO phối hợp tổ chức. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện cấp cao các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học… trong khu vực và thế giới. Hội nghị tập trung trao đổi nhiều nội dung quan trọng về hồi phục, phát triển ngành văn hóa trong bối cảnh hậu Covid 19, khẳng định đóng góp đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển của cộng đồng và xã hội, trong đó có các mục tiêu phát triển bền vững.
Trịnh Quốc Anh, Cục HTQT