Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cục TDTT sẽ tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm

22/11/2024 | 08:08

Chiều 21/11, tại Hà Nội, Cục trưởng Đặng Hà Việt đã nghe báo cáo về kế hoạch tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD đến năm 2030 định hướng đến năm 2045. Cùng dự có các Phó Cục trưởng là bà Lê Thị Hoàng Yến và ông Nguyễn Hồng Minh.


Cục TDTT sẽ tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm - Ảnh 1.

Cục trưởng Đặng Hà Việt chủ trì buổi làm việc diễn ra vào chiều ngày 21/11.

Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quy hoạch, xác định đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế, chính sách cần thiết cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới.  

Trong những năm qua, thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng tiến bộ, thể hiện qua kết quả đạt được tại các kỳ SEA Games, các kỳ Đại hội thể thao trẻ, giải vô địch thể thao quốc tế. Tuy có sự tiến bộ về mặt bằng thành tích tại các sự kiện thể thao quốc tế song tại các kỳ Đại hội thể thao châu Á, Thế vận hội Olympic, thành tích của TTVN còn hết sức khiêm tốn và có dấu hiệu tụt hậu so với các quốc gia có nền thể thao mạnh ở châu lục và thế giới. Nguyên nhân chính được xem là do chúng ta còn thiếu một Chương trình, Đề án cấp độ quốc gia làm cơ sở để đào tạo lực lượng VĐV chất lượng đáp ứng được yêu cầu cao hơn về thành tích ở các môn thể thao trọng điểm.

Không thể phủ nhận, những kỳ Đại hội thể thao lớn gần đầy, các quốc gia thuộc khu vực châu Á, ĐNÁ đã có bước tiến mới về thành tích. Có được thành tựu này là do họ đã quyết liệt đổi mới cách làm thể thao thành tích cao, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính cùng hệ thống cơ chế chính sách phù hợp. Vì vậy, thể thao Việt Nam muốn theo kịp hay cao hơn là vượt lên thì rất cần sự đột phá mạnh mẽ, đầu tư thực sự bài bản, trọng điểm vào một số môn thể thao mũi nhọn làm tiền đề để nâng cao thành tích cho các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn mới.

Thể thao Việt Nam thực sự kỳ vọng, Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 ra đời sẽ góp phần cụ thể hóa Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giúp cho Thể thao Việt Nam có được những bước chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

Theo thông tin từ Tổ soạn thảo, Hội nghị dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 12 tại Hà Nội với sự tham dự của các đại biểu đại diện cho Bộ VHTTDL, Cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các cơ quan tham mưu về TDTT của các Bộ, ngành, Phòng thể thao Bộ Công An, Phòng Thể thao Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo Sở VHTTDL, VHTT của 63 tỉnh/thành phố, Lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT, Lãnh đạo phòng tham mưu về TDTT thuộc Sở của 63 tỉnh/thành phố, các nhà quản lý. ….Đặc biệt sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT kỳ vọng sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp, xây dựng tâm huyết, mang tính thực tiễn cao, từ đó tìm ra các giải pháp phát triển lâu dài, hiệu quả các môn thể thao trọng điểm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để các nhà quản lý, chuyên môn đánh giá thực trạng thể thao thành tích cao Việt Nam, những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.Được biết, Hội nghị cũng sẽ đề cập tới vấn đề quy hoạch các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và một số vấn đề liên quan khác.

Tại buổi làm việc góp ý cho nội dung dự thảo, các đại biểu đều thống nhất, Bản dự thảo cần phải xác định lại kết cấu, nội dung. Đối với giai đoạn gần 2026 – 2030, cần phải xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của từng môn, từng VĐV để từ đó xây dựng được nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó phải chỉ ra được VĐV, chỉ tiêu huy chương, dựa trên đặc điểm và năng lực của mỗi cá nhân cụ thể để xây dựng kế hoạch tập luyện, thi đấu phù hợp.

Đối với giai đoạn dài hơi 2030 - 2045, cần đề xuất đầu tư cho hạ tầng cơ sở đảm bảo điều kiện tập luyện theo tiêu chuẩn Olympic đối với nhiều môn thể thao; đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách trong đó tập trung vào chế độ dinh dưỡng, tiền thưởng… đảm bảo khích lệ được tinh thần nỗ lực và tận tụy của mỗi VĐV. Tỷ trọng đầu tư giữa các môn thể thao cũng là một vấn đề được lưu ý.

Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc, Cục trưởng Đặng Hà Việt đề nghị Tổ soạn thảo cần bổ sung, sửa đổi nội dung của dự thảo theo các ý kiến đóng góp đặc biệt là đối với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng môn thể thao. Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng yêu cầu phòng TTTTC 1, 2 làm việc với các Liên đoàn, Hiệp hội nhằm rà soát các nội dung của dự thảo; bổ sung tham luận trong đó chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng lưu ý Tổ soạn thảo nên tham khảo và xây dựng lại cấu trúc của dự thảo theo đúng yêu cầu quy định.

Theo Cục Thể dục thể thao

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×