Cuba: Đảo quốc của những nhà vô địch Olympic
16/08/2024 | 10:47Xét về số huy chương Vàng, Cuba là đoàn giàu thành tích thứ hai châu Mỹ, chỉ sau Mỹ-đoàn thể thao không chỉ là số 1 châu lục, mà còn trên toàn thế giới.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Cuba bao năm qua vẫn là "gã khổng lồ" của thể thao châu Mỹ. Khép lại Olympic Paris 2024, đảo quốc nhỏ bé này đã giành được tổng cộng 86 huy chương Vàng, 70 huy chương Bạc và 88 huy chương Đồng qua các kỳ Thế vận hội.
Xét về số huy chương Vàng, Cuba là đoàn giàu thành tích thứ hai châu Mỹ, chỉ sau Mỹ - đoàn thể thao không chỉ là số 1 châu lục, mà còn trên toàn thế giới.
Cuba vượt trội những đoàn thể thao được đánh giá là mạnh của châu lục, như Brazil, Mexico và đặc biệt là Canada.
Trong lịch sử Olympic mùa Hè, tính cả 6 tấm huy chương Vàng tại Paris 2024, Canada mới giành được 78 huy chương Vàng, vẫn kém Cuba đến 8 tấm huy chương Vàng. Khoảng cách này có lẽ phải mất đến 2 hoặc 3 kỳ Thế vận hội nữa mới có thể san lấp.
Tính trên bình diện thế giới, Cuba cũng giành nhiều huy chương Vàng hơn những đoàn mạnh như Tây Ban Nha, Na Uy, Ba Lan…
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959, Cuba đã coi việc phát triển thể thao là ưu tiên quốc gia. Trước năm 1959, số lượng huy chương Olympic của Cuba khá khiêm tốn, trong đó có 4 huy chương Vàng giành được ở Thế vận hội Paris 1900, San Luis 1904 và London 1948.
Vào thời điểm đó, thể thao chưa phải là ưu tiên, cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung ở thủ đô và chỉ dành riêng cho giai cấp tư sản, đại đa số dân chúng không được tiếp cận với cơ hội luyện tập thể thao.
Từ khi Tổng tư lệnh Fidel Castro lên nắm quyền, chính phủ cách mạng đã áp dụng chính sách quốc gia về hòa nhập xã hội, phổ cập giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí và thể thao. Năm 1961, Viện Thể thao, Giáo dục Thể chất và Giải trí quốc gia (INDER) ra đời và triển khai chương trình phát triển thể thao quốc gia nhằm phát hiện những tài năng xuất sắc nhất.
Cơ sở hạ tầng công cộng miễn phí được xây dựng trên toàn quốc để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Giáo dục thể chất được đưa vào trường học và được coi trọng như các môn văn hóa. Thể thao kể từ đó trở thành quyền của người dân và không còn là đặc quyền dành riêng cho thiểu số.
Sau kết quả khiêm tốn của Thế vận hội Tokyo 1964 (1 huy chương Bạc) và Thế vận hội Mexico 1968 (4 huy chương Bạc), đảo quốc Caribe bắt đầu gặt hái “trái ngọt” với 8 huy chương tại Munich 1972 (3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng), 13 huy chương tại Montréal năm 1976 (6 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng) và 20 huy chương tại Moskva năm 1980 (8 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng).
Vì lý do chính trị, Cuba không tham gia Thế vận hội Los Angeles 1984 và Seoul 1988. Sau 12 năm vắng bóng, “Hòn đảo Tự do” lại gây tiếng vang tại Thế vận hội Barcelona 1992, giành được tổng cộng 31 huy chương, đứng thứ 5 thế giới với 14 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc và 11 huy chương Đồng.
Năm 1996, tại Thế vận hội Atlanta, Cuba tuy bị bao vây cấm vận nặng nề, nhưng vẫn duy trì được động lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với tổng cộng 25 huy chương, trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc và 8 huy chương Đồng, đảo quốc nhỏ bé này đã vươn lên vị trí thứ 8 thế giới, sau Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc, Pháp, Italy và Australia.
Thế vận hội Sydney 2000 và Athens 2004 cũng là những thành công lớn của Cuba với lần lượt 29 huy chương (11 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc và 7 huy chương Đồng) và 27 huy chương (9 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc và 11 huy chương Đồng).
Tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Cuba đã giành được 30 huy chương (3 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc và 17 huy chương Đồng); tại London 2012 là 15 huy chương (5 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 7 huy chương Đồng); tại Rio 2016 là 11 huy chương (5 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng); và tại Tokyo 2020 là 15 huy chương (7 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng), đứng vị trí thứ 14.
Trong giai đoạn 1896-2021, Cuba đứng đầu khu vực Mỹ Latinh với tổng cộng 235 huy chương, trong đó có 84 huy chương Vàng, 69 huy chương Bạc và 82 huy chương Đồng. Có thể nói đảo quốc nhỏ bé này không có đối thủ trên lục địa.
Brazil, quốc gia có dân số hơn 200 triệu người, chiếm vị trí thứ hai với 150 huy chương. Argentina xếp ở vị trí thứ 3 với 77 huy chương. Mexico đứng thứ 4 với 73 huy chương và Colombia đứng thứ 5 với 34 huy chương. Xét về số huy chương Vàng Olympic bình quân đầu người, Cuba, với dân số hơn 11 triệu người khi đó, đứng đầu thế giới.
Quyền Anh là môn "thể thao Vua" ở Cuba với hơn 78 huy chương Olympic, trong đó có 41 huy chương Vàng, 19 huy chương Bạc và 18 huy chương Đồng. Các võ sĩ Teófilo Stevenson và Félix Savón đã trở thành huyền thoại khi 3 lần vô địch Olympic. Hai Vận động viên Cuba này cũng từ chối những khoản tiền khổng lồ lên tới nhiều triệu USD để chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp.
Stevenson từng nhận được lời đề nghị 5 triệu USD để thi đấu với Mohamed Ali, trong khi Mohamed Ali được mời với con số gấp đôi để đấu với huyền thoại Mike Tyson.
Điền kinh cũng là mỏ vàng của thể thao Cuba, với 50 huy chương Olympic, trong đó có 11 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc và 20 huy chương Đồng. Đấu vật và judo lần lượt mang về cho đảo quốc Caribe này 27 huy chương (11 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc và 10 huy chương Đồng) và 37 huy chương (6 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc và 16 huy chương Đồng).
Tại Olympic 2024, đô vật Mijaín López Núñez của Cuba đã trở thành Vận động viên đầu tiên giành huy chương Vàng cá nhân ở cùng một nội dung trong năm kỳ Olympic liên tiếp khi thắng chung kết hạng 130kg nội dung vật cổ điển (Greco-Roman).
Đoàn Cuba tham gia Olympic Paris 2024 với 61 vận động viên (27 nữ và 34 nam). Trên thực tế, có khoảng 21 người Cuba sinh ra và lớn lên tại đảo quốc này thi đấu tại Paris dưới màu cờ khác và mang vinh quang về cho quê hương thứ hai.
Những thống kê nêu trên phản ánh sự vượt trội của thể thao Cuba trong hoàn cảnh khó khăn. Đã quen với nghịch cảnh, Cuba - hòn đảo của những nhà vô địch Olympic - vẫn kiên cường và tự hào bảo vệ màu cờ sắc áo trên đấu trường thể thao quốc tế./.