Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực đi vào nề nếp

30/01/2020 | 12:18

Năm 2019, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Những chuyển biến tích cực

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), năm 2019, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực đi vào nề nếp - Ảnh 1.

Lễ hội Đền Hùng 2019

Tiêu biểu như: Tại lễ hội làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), lễ rước pháo được tổ chức trang nghiêm, các hoạt động văn hóa thể thao như hát Quan họ, hát Tuồng và các trò chơi dân gian thu hút được đông đảo nhân dân và du khách; Hội xuân Chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình) đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, dâng hương lễ Phật, đặc biệt là phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phân luồng, giải tỏa chống ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá dịch vụ; lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) và kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền về chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, giới thiệu về di tích lịch sử Gò Đống Đa, triển lãm thời kỳ Tây Sơn; lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội; lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã kiểm soát tốt việc phát giò hoa tre, trầu cau cho nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy; lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng Bắc Quang, Hà Giang) với các hoạt động lễ cày tịch điền, hội thi cấy lúa, thi đi cà kheo… Các lễ hội này đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương;

Với lễ hội Đền Trần (Nam Định) không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy tranh cướp ấn, cướp lộc hoặc tung tiền vào các nơi thờ tự, triển khai phương án bố trí khoa học các vòng kiểm soát an ninh; lắp camera giám sát, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, loa đài để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm của người dân và du khách. Các lễ hội lớn năm 2019 đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách thập phương.

Các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng diễn ra sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng, với nhiều hoạt động phong phú như: trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực; tổ chức các hoạt động văn hóa, môn thể thao truyền thống (đánh quay, đánh yến, ném còn, đẩy gậy, kéo co, đua thuyền, hát bài chòi, hát bội…)… góp phần giới thiệu, quảng bá, giáo dục đạo lý uống ước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2018, Bộ VHTTDL chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động làm việc với cơ quan quản lý ịa phương, chính quyền các cấp để tìm giải pháp nhằm thay đổi hình thức tổ chức và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, an ninh trật tự, phần lễ được tổ chức linh thiêng, truyền thống, văn minh, lành mạnh.

Tăng cường kiểm tra, phát huy giá trị văn hóa

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: "Năm 2019 đánh dấu năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực. Nghị định quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội. Điều này góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương, không đùn đẩy, né tránh. Có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia, tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội".

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực đi vào nề nếp - Ảnh 2.

Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội)

Bài học kinh nghiệm từ mùa lễ hội 2019 được các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội nêu ra, đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội.

Theo Sở VHTTDL Hải Dương, việc phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến Nghị định đảm bảo hiệu quả được địa phương đẩy mạnh. "Việc thẩm định nội dung tổ chức lễ hội phải đảm bảo đúng quy định về tổ chức lễ hội; không chấp thuận tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển; Đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội"- đại diện Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương cho biết.

Đối với Lễ hội Đền Trần (Nam Định), trong năm 2019, hiện tượng người dân đi theo đoàn rước kiệu ném tiền vào kiệu Ấn đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Theo BQL Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp, điều này có được một phần lớn do địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. "Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức: như trên Pano, băng rôn - khẩu hiệu, hệ thống cờ hội…; đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của Ban quản lý với nội dung và thời lượng phù hợp. Đặc biệt thông qua việc tổ chức họp báo với các cơ quan báo chí, phóng viên của các báo, đài đã giúp cho BTC tuyên truyền có hiệu quả về Lễ hội, góp phần quan trọng cho Lễ hội thành công"- đại diện BQL Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp chia sẻ.

Đại diện ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) cũng cho biết: "Do làm tốt vai trò quản lý Nhà nước trên tất cả mọi lĩnh vực tuyên truyền giáo dục, biết phát huy công tác xã hội hóa, nêu cao vai trò cộng đồng trong việc giữ gìn, tôn tạo và xử lý các vi phạm tại khu Di tích thắng cảnh. Nhận thức của nhân dân địa phương tham gia phục vụ Lễ hội, du khách trẩy hội về thực hiện nếp sống văn hóa đã có chuyển biến tích cực trong cả ý thức và hành động".

Rõ ràng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan hữu quan là những biện pháp hiệu quả hướng tới mùa lễ hội 2020 thực sự đảm bảo an toàn vui tươi, tạo không khí phấn khởi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của nhân dân./.


Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×