Công nghiệp văn hóa: Thị trường điện ảnh Việt Nam - Những con số ấn tượng
02/08/2019 | 08:27Khi thu nhập trung bình tăng và mức sống ngày càng được cải thiện, người dân Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các hoạt động giải trí. Trong số đó, xem phim chiếu rạp trở thành một lựa chọn phổ biến. Nhiều nhà phát hành cùng tham gia thị trường không chỉ góp phần tăng số lượng cụm rạp trên cả nước mà còn nâng cao chất lượng phòng chiếu.
Những nhà phát hành lớn là đối tác của các studio lớn trên thế giới đã mang lại cho khán giả Việt cơ hội được xem phim bom tấn cùng lúc với những thị trường lớn như Bắc Mỹ. Thị trường điện ảnh Việt Nam bắt đầu xuất hiện những con số ấn tượng về doanh thu phòng vé, không chỉ với phim Hollywood mà cả phim Việt Nam. Thị phần phim chiếu rạp tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và vẫn đang trong quá trình tăng trưởng mạnh với nhiều tiềm năng.
Thị trường đang tăng trưởng mạnh khi lượng khán giả đến rạp xem phim, nhất là ở nhiều đô thị tăng lên. Theo thống kê, số lượng phòng chiếu phim trên cả nước năm 2018 là 901 phòng với 130.900 ghế. Tính đến tháng 2/2019, số lượng rạp CGV vẫn áp đảo với 75 rạp trên toàn quốc. Lotte Cinema đứng thứ hai với 42 rạp. Hai hãng phát hành khác là BHD (BHD Media JSC.) và Galaxy Cinema (Galaxy Studio JSC.) lần lượt có 9 và 14 rạp trên toàn quốc.
Đại diện của CGV cho biết, theo tính toán của họ, tổng doanh thu phòng vé tại thị trường Việt Nam trong năm 2018 là 3,252 tỷ đồng (tương đương 143,3 triệu USD); số người đến rạp là 47,2 triệu; giá vé trung bình là 68,9 nghìn đồng/vé (khoảng 3,04 USD), phát hành 275 phim.
Nhà phát hành này cũng cho biết, ước tính năm 2019, tổng doanh thu phòng vé tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 24%, đạt 4.100 tỷ đổng (khoảng 178,3 triệu USD); số người đến rạp sẽ tăng khoảng 22% lên mức 57,5 triệu người; giá vé tăng khoảng 3% lên mức 71,3 nghìn đồng/vé (khoảng 3,10 USD); số phim phát hành sẽ tăng khoảng 5% với 290 phim.
Các hãng Việt Nam như Galaxy Cinema và BHD cũng đang nỗ lực mở rộng kinh doanh. BHD đặt mục tiêu có khoảng 20 rạp chiếu phim vào năm 2020. Công ty cổ phần Beta Cineplex cho biết đã nhận gói đầu tư trị giá 27,5 triệu USD từ Blue HK Investments of Hongkong từ tháng 7/2017.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam, ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc CJ CGV Việt Nam - cho biết: "Thị trường điện ảnh Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu bảo vệ được "vòng xoắn tăng trưởng" của phim Việt, giúp mọi người đến rạp thường xuyên hơn, các nhà sản xuất dùng chính lợi nhuận đó để tái đầu tư sẽ giúp quy mô thị trường điện ảnh Việt ngày càng mở rộng hơn. Với đà phát triển này, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 5 quốc gia có thị trường điện ảnh phát triển trên thế giới trong vòng 5-7 năm tới".
Hiện tại CGV đang có mặt ở 26 tỉnh thành với 75 cụm rạp và khoảng 445 màn hình. Đến năm 2020, CGV dự định sẽ đạt được 96 cụm rạp trên tổng số khoảng 230 cụm rạp của cả nước với 1100 màn hình, hơn cả số lượng màn hình hiện nay ở Thái Lan. Để làm được điều này, CGV đang xây dựng một quy trình về phát hành phim hiệu quả hơn. Việc này được cho là sẽ thực hiện dễ dàng bởi hiện nay nhà phát hành này đang đại diện cho nhiều studio phim lớn trên thế giới tại thị trường Việt Nam. Việc makerting và PR cũng đang được những hãng phát hành phim lớn này vận hành sao cho khán giả biết đến phim nhiều hơn và mua nhiều vé hơn.
Mục tiêu tăng thị phần phim Việt
Khán giả đã hình thành được thói quen ra rạp thưởng thức phim Việt, nhờ vào chất lượng mặt bằng chung đang ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, nhìn lại doanh thu phim Việt chiếu dịp Tết Nguyên đán 2019, chỉ sau một tuần đã thu về hơn 250 tỷ đồng cho thấy một tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư và sản xuất phim Việt Nam. Thị trường điện ảnh Việt đang vô cùng sôi động sau một loạt phim thắng lớn, mở ra kỳ vọng vào ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai gần.
Ðiểm lại số lượng phim sản xuất trong nước bốn năm qua, có thể thấy những con số vô cùng ấn tượng. Nếu năm 2015 có 40 phim (6 phim nhà nước, 34 phim tư nhân); năm 2015 có 35 phim (không có phim nhà nước, 35 phim tư nhân); năm 2017 có gần 40 phim (không có phim nhà nước); thì năm 2018 có 41 phim (có một phim của Ðiện ảnh Quân đội, còn lại là phim tư nhân). Dự kiến, năm 2019 sẽ có khoảng 60 đến 70 phim. Ðiện ảnh Việt Nam đã bước sang một trang mới khi thị trường điện ảnh ngày càng phát triển thông qua doanh thu phòng vé tăng trưởng hàng năm.
Một thống kê cho biết, hiện tại, phim nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh thị trường phim chiếu rạp. Trong đó, phim Mỹ vẫn được ưa chuộng nhất, chiếm tỷ lệ 49%. Các nền điện ảnh châu Á khác như Trung Quốc (9%), Hàn Quốc (6%) và Nhật Bản (5% - chủ yếu là phim hoạt hình). Phim Việt Nam chỉ chiếm 19% thị phần phim chiếu rạp.
Hiện tại, CGV đang đặt mục tiêu phim Việt Nam sẽ chiếm được 60% thị phần của thị trường điện ảnh nội địa. Để đạt được mục tiêu này, một địa diện của công ty cho biết họ đang giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách đầu tư cho các nhà biên kịch trẻ qua cuộc thi Nhà biên kịch tài năng, tổ chức các cuộc thi thu hút những tài năng điện ảnh trẻ như Dự án phim ngắn CJ…
Trong cuộc chiến chiếm thị phần phim Việt, nhiều nhà sản xuất đã đi tiên phong trong việc nâng cao chất lượng phim và cải tiến khâu phát hành, quảng bá. Nhờ vậy mà phim Việt Nam đang ngày càng thu hút được khán giả đến rạp. Điển hình, hai bộ phim chiếu dịp Tết 2019 Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh đã tạo cơn sốt tại các phòng vé với doanh thu đều hơn 100 tỷ đồng. Ngay sau hiện tượng đặc biệt này, bộ phim Hai Phượng tiếp tục phá kỷ lục doanh thu khi chỉ sau ba tuần công chiếu đã thu được 160 tỷ đồng. Hiện bộ phim được chiếu trên hệ thống rạp của Mỹ, Canada và Trung Quốc; trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam khi đạt mức hơn 200 tỷ đồng. Nếu trước đây, những con số doanh thu chỉ ở mức vài chục tỷ thì nay đã lên tới con số hơn 100 tỉ đồng chứng tỏ sức bật lớn của thị trường điện ảnh Việt trong giai đoạn hiện nay. Nhiều nhà chuyên môn nhận định điện ảnh đang là "miếng bánh ngon" nếu phát triển chuyên nghiệp và không ngừng nâng cao chất lượng.