Công nghiệp văn hóa: Tạo dựng bản sắc, thương hiệu trong điện ảnh
26/08/2019 | 16:56Phim ảnh ngày càng mang tính đại chúng một phần bởi các phương tiện kỹ thuật luôn hỗ trợ tích cực trong việc trình chiếu, quảng bá. Tuy có thể tác động cùng một lúc tới đông đảo công chúng nhưng nhiều nhà làm phim vẫn mong muốn hướng tới sự chuyên biệt, nét văn hóa đặc thù của từng đất nước, dân tộc được truyền tải qua mỗi câu chuyện, nhân vật trong phim.
Thương hiệu trong phim ảnh
Nhìn vào lịch sử phát triển điện ảnh của thế giới cũng như từng nền điện ảnh thì nhiều nghệ sĩ khi sáng tạo bên cạnh tâm lý muốn bộ phim được đón nhận bởi số đông vẫn muốn lưu lại dấu ấn, nét sáng tạo, phong cách cá nhân hay bản sắc văn hóa, tập tục, nếp sống, lối suy nghĩ của từng vùng đất, dân tộc trong tác phẩm. Trong nhiều bộ phim bom tấn mà Hollywood muốn phổ cập đến thế giới như Titanic, Avatar, Công nguyên kỷ Jura, Ngày kinh hoàng… bên cạnh yếu tố mang mẫu số chung về tình yêu, tình đồng loại, những hiểm nguy rình rập từ thiên nhiên hoang dã hay sự bất cẩn từ những nghiên cứu, phát minh của con người… thì văn hóa Mỹ vẫn hiện diện rõ nét. Đó chính là chủ nghĩa cá nhân với sự suy tôn, lên ngôi của những cá nhân xuất sắc được bộc lộ trong từng môi trường, tình huống cụ thể. Với sự tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, khán giả có thể tìm thấy và đồng cảm với Jack Dawson – chàng họa sĩ nghèo thuộc tầng lớp bình dân trong Titanic. Không phân biệt xuất thân, giầu nghèo, chính tình yêu, sự nhân ái đã nâng tầm nhân vật trong giờ khắc sinh tử khi lựa chọn cái chết để giành quyền được sống cho người mà mình yêu thương. Trong các phim như Avatar, Công viên kỷ Jura, Ngày kinh hoàng… thì cá nhân hay một nhóm cá nhân luôn thể hiện được sự vĩ đại trong những lựa chọn, tình huống cụ thể. Một vài nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên trong Công viên kỷ Jura có thể thu hút con khủng long đang hung hãn về phía mình chỉ để các thành viên còn lại có thêm thời gian, cơ hội chạy thoát. Trong Avatar dù khác biệt về mầu da, chủng loài, phương cách sống… nhiều cá nhân đã biết bỏ qua cái tôi vì tập thể, vì cộng đồng trong những thời khắc bị buộc phải đưa ra các lựa chọn. Ở Ngày kinh hoàng từ ông bố, các trợ thủ đến các cô cậu sinh viên, mỗi cá nhân đều tự thắp sáng bản tính, nhân cách trong những giờ khắc nguy khốn… Có thể thấy bên cạnh sự hấp dẫn về kỹ thuật, kỹ xảo thì chính sự suy tôn chủ nghĩa cá nhân đến từ mọi tình huống, chủ đề, câu chuyện đã làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Trái với chủ nghĩa cá nhân được thể hiện đậm đặc trong phim Mỹ, nhiều phim châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản lại đề cao tính chính nghĩa, sự hy sinh vì đất nước, dòng tộc, gia đình trong các tác phẩm. Chính sự khác biệt trong tâm thế, sự tiếp cận, khắc họa câu chuyện, nhân vật đã làm nên phong cách, thương hiệu, bản sắc của từng nền điện ảnh và sự đa dạng đó làm nên sức hấp dẫn của phim ảnh. Nó cũng góp phần mang lại sự nhận diện về văn hóa, nét bản sắc riêng biệt của mỗi quốc gia qua từng tác phẩm cụ thể.
Tạo dựng dấu ấn, bản sắc văn hóa riêng
Trong khi thị trường phim Việt tăng nóng với số lượng, doanh thu tăng dần qua các năm thì việc chọn ra được những tác phẩm mang dấu ấn, văn hóa đậm nét vẫn chưa nhiều. Ngày càng hiếm những phim mà khi xem nó khán giả Việt nhận ra ngay nét văn hóa, bản sắc của vùng miền, của Việt Nam trong mỗi chi tiết, tình huống, nhân vật. Từng có một Cánh đồng hoang mang đậm nét hồn nhiên, phóng khoáng của người dân đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc sống giữa bom đạn, giữa thiên nhiên, giữa cuộc chiến chống quân thù. Phim Bao giờ cho đến tháng 10 phảng phất nét sinh hoạt, mầu sắc văn hóa tâm linh người dân đồng bằng Bắc bộ qua những phiên chợ âm dương, qua sự hy sinh của người phụ nữ nông thôn luôn đặt sự sống, sự bình yên của những người thân trong gia đình lên trước trong hành xử. Phim Trăng nơi đáy giếng khắc họa sự tần tảo, hy sinh đến quên mình của một bộ phận phụ nữ trong gia đình để rồi phải tìm quên vào tâm linh, vào tôn giáo khi sự hy sinh không mang đến cho họ hạnh phúc. Với những bộ phim đó lối sống, nếp nghĩ, cách hành xử đều mang đậm dấu ấn văn hóa từng vùng, miền cụ thể qua chi tiết, xung đột, câu chuyện, tình huống, nhân vật…
Phim Dạ cổ hoài lang
Khi phim Việt phát triển rầm rộ về số lượng, với mức doanh thu hàng trăm tỷ, phổ biến đến nhiều triệu người xem thì ngày càng ít những phim thể hiện được nét bản sắc, văn hóa thấm đẫm trong từng chi tiết, tính cách nhân vật. Cá biệt, ở một số phim, khán giả không còn nhận ra câu chuyện, nhân vật của đất nước mình mà thay vào đó là sự xa lạ về tính cách, lối sống, cách hành xử…
May mắn là bên cạnh vài chục đầu phim ra rạp mỗi năm, thỉnh thoảng vẫn có những Cô ba Sài Gòn, Dạ cổ hoài lang, Song Lang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... lưu giữ được phần nào hồn cốt, văn hóa Việt. Nếu chiếc áo dài trong Cô ba Sài Gòn là nhận diện rõ nét về trang phục thì ở Dạ cổ hoài lang, Song Lang là những làn điệu, nhạc cụ, đêm diễn thấm đẫm nét văn hóa truyền thống. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì lại đưa khán giả về một vùng đất, một giai đoạn chưa xa… Chính những bộ phim đó, dù khác nhau về chủ đề vẫn khắc giữ được đâu đó nét bản sắc, văn hóa Việt qua câu chuyện, nhân vật, chi tiết, lời thoại…
Khi đề câp đến vấn đề tạo dựng dấu ấn, bản sắc trong tác phẩm, nhiều lý do được đưa ra như kinh phí, thị trường, bài toán lỗ lãi... Tuy nhiên, ngay cả nền điện ảnh giầu tính đại chúng như Hollywood thì văn hóa, cách sống Mỹ vẫn được cài cắm, phảng phất trong tác phẩm. Có lẽ chính tâm thế, cách tiếp cận, vốn sống, phong cách và cao hơn là mong muốn của từng tác giả với khát khao khắc giữ, quảng bá văn hóa, bản sắc của dân tộc mới là chìa khóa để mỗi nghệ sĩ khi sáng tạo, lúc vận dụng đã gửi gắm, làm nên sự khác biệt trong mỗi tác phẩm. Và khi nét văn hóa của quê hương, xứ sở đã thấm đẫm trong họ thì dù làm phim thị trường, phim nghệ thuật các nghệ sĩ vẫn có cách để đan cài, vun đắp và phát triển nét văn hóa, bản sắc đó trong từng câu chuyện, lời thoại, nhân vật… Chính nét đẹp về văn hóa, về bản sắc riêng có sẽ làm nên thương hiệu và tạo ra sự khác biệt, phong phú của mỗi bộ phim, mỗi nền điện ảnh trong tấm bản đồ chung của điện ảnh thế giới.