Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công nghiệp Văn hóa: Điện ảnh – Nghệ thuật tổng hợp và quảng bá

22/06/2019 | 10:33

Không chỉ là tổng hợp của các bộ môn nghệ thuật, điện ảnh cũng là kênh quảng bá hiệu quả. Nhiều quốc gia đã xây dựng cả một chiến lược văn hóa, trong đó có điện ảnh nhằm quảng bá và thu lời.

Xưa nay, nhiều người vẫn mặc định kinh tế mới là ngành đem lại lợi nhuận nhưng thực tế bất cứ ngành nghề nào cũng có thể mang lại lợi ích như y tế, giáo dục, văn hóa… Thực tế đã chứng minh có hẳn một ngành công nghiệp điện ảnh mà nước Mỹ luôn được nhắc tới như một ví dụ điển hình về sự bành trướng về văn hóa, thương hiệu cũng như những thành công về kinh tế của điện ảnh. Ở châu Á, nhiều năm qua, những nền phim ảnh lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Thái Lan cũng là những ví dụ cho thấy phim ảnh khi nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng tầm và có kế hoạch, chiến lược phát triển đúng đắn hoàn toàn có thể là một ngành siêu lợi nhuận không chỉ về kinh tế mà còn là những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… được quảng bá, ăn theo nhờ phim ảnh.

Với thế mạnh tổng hợp và sự hỗ trợ tích cực của kỹ thuật, điện ảnh có thể lan tỏa nhanh và rộng khắp. Với sự quy tụ nhiều ngành nghệ thuật đi trước từ văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh… thông qua các bộ phim có thể nhận biết cùng lúc nhiều giá trị, sắc thái.

Công nghiệp Văn hóa: Điện ảnh – Nghệ thuật tổng hợp và quảng bá  - Ảnh 1.

Phim Đông Dương

Ví như những câu chuyện về đất nước, con người, lịch sử các triều đại… đã được bao thế hệ nhà văn từ khắp thế giới miệt mài trải lên trang sách đều có thể bước từ văn học vào phim ảnh. Qua diễn xuất của diễn viên, những nhân vật từ trang sách hiện diện bằng xương, bằng thịt và đến với mọi khán giả trên thế giới. Những Cha Ralph, Meggie của Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Thằng gù Quasimodo hay cô gái xinh đẹp Esmeralda trong Nhà thờ Đức bà Paris hay những Jean Valjean, Cosette, tay thanh tra Javert… trong Những người khốn khổ… Hàng loạt những nhân vật ăn sâu vào trí nhớ, sự yêu mến, ngưỡng mộ của độc giả đã hiện hình sống động trên màn ảnh. Và nếu không có phim ảnh, các nhân vật, câu chuyện, văn hóa của các vùng đất, dân tộc sẽ khó mà lan truyền và đi xa đến thế.

Một ngành nghệ thuật khác cũng được hưởng lợi nhiều từ phim ảnh hay có thể nói sự kết hợp, cộng sinh giữa chúng giúp cả hai cùng thăng hoa hơn, đó là âm nhạc. Nhiều giai điệu, ca từ, bài hát nhờ xuất hiện trong phim làm nhạc nền, bối cảnh hay được chính nhân vật hát hoặc nghe biểu diễn tại một góc quán, một khung cảnh hay giúp gợi nhớ một câu chuyện, một mối tình… dễ dàng trở thành bản hít được nhiều người tìm nghe lại sau khi phim công chiếu. Nhiều nhạc sĩ thiên tài, các ca sĩ có giọng ca hay được làm phim về cuộc đời, sự nghiệp qua đó thiên hướng, gu sáng tác, giọng ca trời phú và cả những câu chuyện bên lề từ gia đình, con đường sự nghiệp, những chông gai, trắc trở, thậm chí những bóng hồng đi qua trong đời cũng nhờ có phim ảnh mà thính giả, khán giả, công chúng được hiểu, ngưỡng mộ và gần gũi hơn với thần tượng.

Công nghiệp Văn hóa: Điện ảnh – Nghệ thuật tổng hợp và quảng bá  - Ảnh 2.

Phim Khát vọng Thăng Long

Ngành mỹ thuật với hội họa, kiến trúc, điêu khắc… trở nên một phần không thể thiếu khi giúp công chúng nhận diện không gian, bối cảnh, thời đại và bản sắc riêng biệt của từng vùng miền, đất nước, châu lục trên thế giới.

Một nước Nga tuyệt đẹp với các kiến trúc cổ, Cung điện mùa đông, Điện Kremlin… giúp chỉ dấu, nhận diện về xứ sở Bạch Dương. Một Paris hoa lệ và hào nhoáng với tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp. Một nước Ý với những kiến trúc Gothic mà đỉnh cao là các bảo tàng, nhà thờ… đẹp đến nao lòng. Rồi tượng nữ thần tự do, những tòa nhà chọc trời hay Nhà trắng – biểu tượng của quyền lực Mỹ… Tất cả nhờ phim ảnh mà được quảng bá, tiếp thị đến từng ngôi nhà, vào từng giường ngủ của người hâm mộ. Có ngành nghệ thuật nào lại tiện dụng hơn thế khi mỗi con người dù đến rạp xem phim hay ở nhà xem truyền hình và giờ có thêm mạng internet, điện thoại thông minh hỗ trợ có thể du lịch, khám phá bất cứ đâu nhờ những thước phim từ quảng cáo, tài liệu hay phim truyện.

Và không thể không nhắc tới ngành nhiếp ảnh, người anh kế của điện ảnh khi mà phim chưa ra đời thì nghệ thuật nhiếp ảnh với lợi thế chộp, ghi, bắt lấy và lưu giữ những khoảnh khắc, con người, sự kiện, cảnh vật đã làm nên sự kỳ thú, phong phú cho cuộc sống. Đã có thời, từ những bức ảnh đó, người ta nhờ kỹ thuật để công chúng có thể xem, tiếp cận và tìm hiểu thông qua những bức hình được chiếu lên, sắp xếp theo cùng một chủ đề.

Và khi phim ra đời, ban đầu là phim câm sau là phim có tiếng, phim đen trắng rồi phim mầu, phim 2D, 3D, 4D… đã thực sự tạo nên một bước nhảy vọt về thưởng thức, về khám phá và tận hưởng, nâng cao giá trị cuộc sống… Nhờ có phim ảnh với những kỹ năng ngày càng vượt trội mà từ vũ trụ trên cao hay mỏ sâu dưới đất, những đại dương bao la, những dãy núi chọc trời rồi các hiện tượng bão, lốc xoáy, băng tan, núi lở… đều có thể được phản ánh, ghi lại, cung cấp đến từng người xem với những hình ảnh sống động, chân thực.

Công nghiệp Văn hóa: Điện ảnh – Nghệ thuật tổng hợp và quảng bá  - Ảnh 3.

Phim Long Thành cầm giả ca

Với sự tổng hợp, nắm bắt và tận dụng những ưu thế của các ngành nghệ thuật đi trước, lại không ngừng hoàn thiện khi được sự trợ giúp đắc lực của kỹ thuật, kỹ xảo, công nghệ… điện ảnh ngày càng phát triển. Không ngừng lại ở nhận diện, phản ánh, khắc họa, điện ảnh với sự trợ giúp của công nghệ đang ngày một tiến lên trước khám phá, dẫn dắt và mang tới cho người xem nhiều trải nghiệm và nâng cao nhận thức cũng như chất lượng sống, sự thụ hưởng của công chúng. Phim ảnh cũng đang giúp xóa nhòa nhiều ranh giới, thu hẹp mọi khoảng cách để con người xích lại gần nhau và thấu hiểu hơn. Với ưu thế vượt trội, điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là sự tích hợp của công nghệ, kỹ thuật và ngày càng có sức ảnh hưởng, sự quảng bá rộng rãi trong xã hội.

Với mong muốn Nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh, chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải các bài viết từ nhiều góc độ để giúp công chúng, khán giả có những nhận biết rõ hơn về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.


Tôn Quế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×