Công nghệ dẫn đầu các xu thế chính của văn hóa - nghệ thuật toàn cầu trong năm 2020
25/01/2020 | 21:00Công nghệ, môi trường và tinh thần công dân mới là những xu hướng được đánh giá sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật những năm tới đây.
1. Sự "lên ngôi" của công nghệ
Với sự phát triển của Cách mạng Công nghệ 4.0, công nghệ được đánh giá sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thực hiện các mục tiêu của văn hóa. Cùng Bản tin tham khảo Văn hóa, Thể thao và Du lịch quốc tế điểm qua một số xu thế chính có sự tham gia của công nghệ trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Từ làm việc "vì" cộng đồng tới làm việc "với" cộng đồng
Trong tình trạng ngân sách liên tục chịu áp lực, hầu hết các tổ chức văn hóa nghệ thuật đều phải dựa vào các nhóm cộng đồng, tình nguyện viên hoặc các nhóm nghiên cứu và nhà hảo tâm để hoàn thành sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, giá trị của điều này không chỉ đơn giản là giúp tiết kiệm chi phí trả cho nhân viên.
Tại Thư viện 10 ở Helsinki (Phần Lan), có tới 90% các sự kiện diễn ra tại thư viện công đều được tổ chức bởi cộng đồng; từ đó giúp xây dựng một không gian hợp tác mà người dân muốn được chia sẻ và sử dụng.
Crowdsourcing là một hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một "lời kêu gọi" để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện một công việc đó. "Crowdsourcing" đang ngày càng được nhiều bảo tàng trên thế giới sử dụng để hợp tác với cộng đồng các chuyên gia trong việc phân loại và xử lý hồ sơ, dữ liệu… Một ví dụ cho hình thức này là các cuộc gặp mặt do Bảo tàng Rijksmuesuem (Hà Lan) tổ chức cho những người yêu chim và nghệ thuật. Mọi người sẽ có cơ hội được thưởng thức một số tác phẩm nghệ thuật nhất định và tìm kiếm các loại chim xuất hiện trong đó. Các hoạt động tương tự cũng diễn ra ở Bảo tàng Không gian và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian (Washington D.C., Mỹ).
Tạo ra những trải nghiệm tương tác
Giờ đây, việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật và sách vở đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người xem. Các bảo tàng và phòng tranh đang tìm kiếm nhiều cách khác nhau để khách tham quan có thể tương tác với các hiện vật, thậm chí "động chạm" và cá nhân hóa chúng.
Triển lãm "7 billion others" (7 tỷ khác) của Bảo tàng Nghệ thuật Nhiếp ảnh (California, Mỹ) đã sử dụng một chiếc camera để tái tạo lại khuôn mặt của người xem trên một màn hình, từ đó tạo ra một bước tường mosaic (là hình thức nghệ thuật trang trí - tạo ra hình ảnh từ tập hợp những mảnh nhỏ của vật liệu tạo thành một bức tranh lớn) từ hàng nghìn người họ đã phỏng vấn khắp nơi trên thế giới.
Những triển lãm như trên được đánh giá là "một thách thức mang tính triết lý cho các bảo tàng và phòng tranh khi họ đang chuyển đổi từ vai trò "giám tuyển" (giới thiệu các tác phẩm tới công chúng) sang "nhà sáng tạo". Tuy nhiên, "trải nghiệm", "tương tác" hay "tham gia" không chỉ là các cách mới để giới thiệu nghệ thuật tới công chúng. Cách tiếp cận đặt trọng tâm vào khán giả này sẽ giúp các thư viện, phòng tranh và bảo tàng phát triển khán giả, đồng thời đem lại cho chính khán giả của họ một cuộc sống văn hóa đa dạng và phong phú hơn.
Thực tế ảo trong văn hóa
Đề cập tới công nghệ, không có gì mang tính tương tác nhiều hơn là thực tế ảo (VR). Nhờ vào VR, người xem có thể thăm thú vườn treo Babylon, thành phố cổ Machu Picchu (Peru) hay thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng quốc gia London… ngay ở tại nhà mình. Công nghệ có thể góp phần hạn chế lượng khí thải tiêu thụ từ máy bay và bảo vệ các danh thắng vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng quá tải khách du lịch cũng như đem lại cơ hội được khám phá văn hóa - nghệ thuật cho những người chưa có đủ khả năng…
Thực tế ảo cũng cung cấp các cách mới và đa dạng hơn để "kể chuyện" và giới thiệu các hiện vật hay kiến thức từ các bộ sưu tập. Bảo tàng Quốc gia Phần Lan cho phép người xem cảm nhận như họ đang "bước vào" bên trong bức tranh, trong khi bảo tàng Tate Modern (London, Anh) đưa người xem tới thăm studio của họa sỹ Modigliani tại Paris (Pháp).
2. Mối liên hệ giữa văn hóa – nghệ thuật với các vấn đề môi trường
Những đóng góp của văn hóa - nghệ thuật trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững đang ngày càng được công nhận.
Manchester (Anh) là một trong những thành phố đã chứng minh được những gì văn hóa – nghệ thuật có thể đem lại khi cùng hợp tác với các hoạt động khí hậu, cũng như những hỗ trợ của ngành cho chiến lược đối phó biến đổi khí hậu của thành phố. Đội ngũ Nghệ thuật Bền vững Manchester (MAST) là một mạng lưới gồm khoảng 30 tổ chức văn hóa – nghệ thuật của thành phố. Họ hợp tác với nhau trong các hoạt động khí hậu. Kể từ khi được thành lập vào năm 2011 tới nay, MAST đã phát triển thành một mạng lưới được tài trợ và vận hành bởi chính các thành viên, đồng thời tích cực đóng góp vào các mục tiêu và chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu của thành phố.
Manchester cũng đang là thành phố dẫn đầu trong một mạng lưới khác có tên gọi là "C-Change: Văn hóa – nghệ thuật dẫn dắt hoạt động khí hậu ở các thành phố" - với sự tham gia của các thành phố đối tác là Wroclaw (Ba Lan), Mantova (Italy), Gelsenkirchen (Đan Mạch), Šibenik (Crotia) và Águeda (Bồ Đào Nha). Họ đã hợp tác cùng nhau để xây dựng và học tập từ kinh nghiệm của Manchester trong việc kết hợp văn hóa với khí hậu.
Giống như Manchester, tất cả các thành phố đối tác trên đều ghi nhận những ảnh hưởng của văn hóa – nghệ thuật tới cuộc sống và sự thịnh vượng của thành phố. Cùng lúc, họ đều đã và đang chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Mặc dù vậy, sự thấu hiểu và mức độ nhận thức của người dân về vấn đề biến đổi khí hậu lại khác nhau. Dẫu sao, tất cả các thành phố đều đã công nhận vai trò mà văn hóa – nghệ thuật có thể đảm nhận trong việc thúc đẩy người dân tham gia vào tiến trình đối phó với biến đổi khí hậu, từ đó tạo cảm hứng và kêu gọi hành động.
3. Chính sách văn hóa thúc đẩy tinh thần công dân mới
Trên thế giới, văn hóa ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp giải pháp cho các thách thức đô thị đương đại. Một số sáng kiến sau đây cho thấy, văn hóa đã và đang kiến tạo một tinh thần công dân mới tại nhiều thành phố.
Lễ hội chính trị tại Lisbon
Tại Lison (Bồ Đào Nha), chính quyền đang sử dụng các chương trình văn hóa để giải quyết các thách thức xã hội, như sự thiếu quan tâm tới chính trị, tỷ lệ tham gia và lòng tin vào các cơ quan nhà nước còn thấp… Kéo dài trong 2 ngày, Lễ hội chính trị bao gồm các hoạt động tranh luận, hội thảo, chiếu phim, trình diễn nghệ thuật, âm nhạc và cả chương trình cho trẻ em. Các nhà tổ chức muốn cung cấp một "sân chơi", ở đó chính trị trở nên dễ tiếp cận hơn và thu hút sự chú ý của những người thường ít tham gia. Bắt đầu từ năm 2017, lễ hội được thiết kế để người dân có thể tham gia rộng rãi với các hoạt động hoàn toàn miễn phí.
Kết nối văn hóa tại Dublin
Được thị trưởng Dublin (Ai-len) phát động vào năm 2016, Culture Connects (Kết nối văn hóa) là một chiến lược văn hóa mới chủ chốt của thành phố. Mỗi dự án trong chương trình được xây dựng dựa trên các nội dung tư vấn với các nhóm cộng đồng địa phương và ý tưởng của họ xung quanh việc tham gia vào văn hóa. Mục tiêu của sáng kiến là giúp người dân cảm nhận rõ hơn về quyền làm chủ của mình đối với các nguồn lực văn hóa địa phương.
Dự án tiên phong của Culture Connects là Dự án Láng giềng Quốc gia, trong đó kết nối các cư dân, nhóm cộng đồng, nghệ sỹ và tám tổ chức văn hóa quốc gia lại - để cùng nhau sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc phù hợp với mối quan tâm của cộng đồng.
Văn hóa Công dân tại Bogota
Thông qua Văn hóa Công dân tại Bogota, Colombia, một loạt các chính sách và chương tình đã được tiến hành với mục đích phá bỏ hàng rào và gây dựng niềm tin giữa chính quyền thành phố với người dân, đồng thời gia tăng vai trò của người dân trong việc định hình "tính cách" của thành phố. Một số sáng kiến đã tập trung vào dân chủ hóa các không gian công cộng và hoạt động văn hóa của thành phố. Ví dụ như, "Điện ảnh Bogota" trình chiếu các bộ phim tại các công viên tọa lạc tại một số khu vực lạc hậu và khó khăn hơn trong thành phố…
Chăm sóc đam mê tại Singapore
Thẻ Đam mê (PAssion Card) là một thẻ ghi nợ thành viên do tổ chức có kết nối với chính phủ là Hiệp hội Nhân dân (PA), phát hành. Sáng kiến PAssion Card được khởi xướng vào năm 2018. Người dùng có thể chạm thẻ tích điểm tại máy đọc dành riêng tại các sự kiện văn hóa – nghệ thuật do PA tổ chức. Các điểm này sau đo được sử dụng trong nhiều dự án cộng đồng khác nhau.