Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công đoàn Viên chức Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội

21/03/2018 | 11:29

Công đoàn Viên chức Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội, hướng đến Đại hội Công đoàn Viên chức lần thứ V

1. Lễ ra mắt Công đoàn Viên chức Việt Nam

Ngày 15 tháng  8 năm 1994 Tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội),  Lễ ra mắt Công đoàn Viên chức Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Dự Lễ ra mắt có các đồng chí: Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị; Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trương Mỹ Hoa - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Văn Tư - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các vị đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, thành phố Hà Nội và một số địa phương.

Tại Lễ ra mắt, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Đặng Ngọc Chiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn LĐVN đã công bố Quyết định số 739/QĐ-TLĐ thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam và chỉ định 17 đồng chí trong Ban Chấp hành lâm thời; chỉ định đồng chí Nguyễn An Lương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Chủ tịch lâm thời, các đồng chí  Đinh Văn Phiêu, Nguyễn Trọng Điều làm Phó Chủ tịch lâm thời Công đoàn Viên chức Việt Nam .  

Ngay sau khi ra mắt, Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn Viên chức Việt Nam đã trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Dự thảo về “Quy chế tổ chức hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam”, đồng thời đề ra 3 chương trình công tác cho các cấp công đoàn viên chức trong giai đoạn lâm thời, đó là: 1. Xây dựng và củng cố tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn; 2. Tổ chức, động viên đội ngũ CBCCVC thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và của Công đoàn; 3.Chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, điều kiện làm việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, lao động”. 

2. Đại hội lần thứ I Công đoàn Viên chức Việt Nam

Diễn ra từ ngày 11/10/1996 đến 12/11/1996 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội. Về dự đại hội có 250 đại biểu đại diện cho 64 công đoàn viên chức bộ, ban, ngành, đoàn thể TW và 8 công đoàn viên chức các tỉnh, thành phố. Đại hội vinh được đón tiếp các đồng chí: Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Tư - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn…

Đại hội đề ra mục tiêu và nhiệm vụ: “Vận động công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH hóa đất nước theo Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, điều kiện làm việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CCVC; phát triển và củng cố hệ thống tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng đội ngũ CCVC thực sự là một lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị nước ta”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 27 đồng chí. Tại phiên họp thứ Nhất, BCH đã bầu đồng chí Nguyễn An Lương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bạn, Nguyễn Trọng Điều được bầu làm Phó Chủ tịch. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ Nhất Công đoàn Viên chức Việt Nam, BCH đã xây dựng 4 chương trình hành động và ban hành Nghị quyết số 07/NQ/CĐVC về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng người CBCCVC: “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu”, gắn với các phong trào thi đua đã tạo bước ngoặt mới trong hoạt động Công đoàn Viên chức.

Trong giai đoạn này, hệ thống tổ chức của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã từng bước được củng cố. Tính đến tháng 12/2002, Công đoàn Viên chức Việt Nam có 66 công đoàn trực thuộc, số lượng đoàn viên đã tăng lên nhanh chóng (từ 2,2 vạn đoàn viên lúc mới thành lập đến tháng 7/2003 đã lên hơn 11 vạn đoàn viên). Hệ thống công đoàn viên chức tỉnh, TP. phát triển nhanh (từ 8 công đoàn viên chức khi thành lập đến năm 2002 số công đoàn viên chức tỉnh, thành là 33 đơn vị (gần 8 vạn đoàn viên). Với những thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ I, Công đoàn Viên chức VN đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

3. Đại hội lần thứ II Công đoàn Viên chức Việt Nam

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ II diễn ra từ ngày 10/7/2003 đến 11/7/2003 tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Về dự đại hội có 300 đại biểu là cán bộ, đoàn viên công đoàn được bầu từ đại hội, hội nghị công đoàn các cấp, tiêu biểu cho hơn 11 vạn đoàn viên CCVCNLĐ trong hệ thống Công đoàn Viên chức VN. Đại hội được đón Đ/c Trương Mỹ Hoa - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Đ/c Tòng Thị Phóng - Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Dân vận TW; Đ/c Cù Thị Hậu - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN và nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể TW, các tỉnh, TP. và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ chung của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam trong thời gian tới là: “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức: Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu” đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, ra sức thi đua, học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 2003 - 2008 gồm 33 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN (khóa VIII) được bầu giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; các đồng chí:  Nguyễn Ngọc Bạn - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa VIII), đồng chí Hoàng Thị Hòa được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội II, Công đoàn Viên chức VN xây dựng chương trình toàn khóa, đồng thời đề ra kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, kịp thời phong trào CBCCVCLĐ, nên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện CCHC của mỗi cán bộ, đoàn viên các cấp Công đoàn Viên chức, ngày 04/7/2007, Công đoàn Viên chức VN đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-CĐVC phát động phong trào thi đua: “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”...

Nhiệm kỳ 2003-2008, hệ thống tổ chức của Công đoàn Viên chức VN tiếp tục phát triển, thành lập mới 26 CĐCS, nâng cấp 7 công đoàn cơ sở trực thuộc. Tính đến 2008, Công đoàn Viên chức Việt Nam trực tiếp quản lý 68 công đoàn bộ, ban, ngành, đoàn thể TW. Trong nhiệm kỳ này, đã có thêm 21 công đoàn viên chức tỉnh, thành được thành lập, nâng tổng số công đoàn viên chức, tỉnh, thành phố lên 54 đơn vị. Đến tháng 6/2008, Công đoàn Viên chức Việt Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo trên 5,7 vạn đoàn viên và phối hợp quản lý, chỉ đạo trên 15 vạn đoàn viên thuộc công đoàn viên chức tỉnh, thành phố. Với những thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2003 - 2008, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

 4. Đại hội lần thứ III Công đoàn Viên chức Việt Nam

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ Ba được tổ chức từ ngày 17/7/2008 đến ngày 18/7/2008 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt -Xô (Hà Nội). Về dự đại hội có 300 đại biểu, là những cán bộ, đoàn viên công đoàn xuất sắc được bầu từ đại hội, hội nghị công đoàn viên chức các cấp, tiêu biểu cho hơn 21 vạn đoàn viên, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam đang lao động, cống hiến trên khắp các miền của đất nước.

Đại hội vinh dự được đón đồng chí Tòng Thị Phóng - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể TW, các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động VN. Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN đã có những bài phát biểu quan trọng tại đại hội.

Đại hội đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ là: “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp công đoàn; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn; hướng mạnh về cơ sở. Phát huy quy chế dân chủ ở từng cơ quan, đơn vị; chăm lo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước kết hợp chặt chẽ với các cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành – Sáng tạo – Tận tụy – Gương mẫu”; tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tích cực tham gia cải cách hành chính, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh”.

Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2008 - 2013 gồm 35 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được bầu giữ chức danh Chủ tịch; các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bạn, Hoàng Thị Hòa, Trần Đại Khu được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Thưc hiện Nghị quyết Đại hội III, Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam đã cụ thể hóa Nghị quyết thành 4 chương trình hành động và 03 Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của công đoàn viên chức các cấp, đó là: Nghị quyết 4a về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong các cấp Công đoàn Viên chức VN giai đoạn 2009 - 2013, Nghị quyết 4b về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh giai đoạn 2009 - 2013; Nghị quyết về thực hiện Đề án xã hội tình nghĩa Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ này, hệ thống tổ chức của Công đoàn Viên chức Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển: đã thành lập mới 58 công đoàn cơ sở, nâng cấp 03 công đoàn cơ sở trực thuộc lên công đoàn cấp trên cơ sở; 24 công đoàn bộ phận lên công đoàn cơ sở, tính đến tháng 01 năm 2013, Công đoàn Viên chức Việt Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của 61 công đoàn viên chức các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương (trong đó có 27 công đoàn cấp trên cơ sở và 34 công đoàn cơ sở trực thuộc) và các địa phương, đưa tổng số công đoàn viên chức tỉnh thành phố lên 58 đơn vị. Số lượng đoàn viên trong giai đoạn 2008 - 2013 cũng tăng lên nhanh chóng, trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới và tiếp nhận thêm 19.000 đoàn viên, đưa tổng số đoàn viên do Công đoàn Viên chức Việt Nam trực tiếp quản lý lên trên 81.000 người; số đoàn viên công đoàn viên chức các tỉnh thành phố nhiệm kỳ qua cũng tăng từ trên 150 .000 (năm 2008) lên trên 200.000 người.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2008 - 2013, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

5. Đại hội IV Công đoàn Viên chức Việt Nam

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ Tư, được tổ chức từ ngày 14/01/2013 đến ngày 15/01/2013 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Về dự đại hội có 298 đại biểu, đại diện cho gần 30 vạn đoàn viên công đoàn viên chức các cấp. Đại hội vinh dự được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư BCH TW Đảng; đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Công đoàn Viên chức Việt Nam. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN đã đến dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo và trao Cờ thi đua dẫn đầu cho Công đoàn Viên chức Việt Nam. Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2013 - 2018 như sau: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đoàn viên; nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, Sáng tạo, Tận tụy, Gương mẫu” nhằm góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVCLĐ vững mạnh; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCCVCLĐ; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển đoàn viên, xây dưng tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế”.

Khẩu hiệu hành động là: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn; vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn; vì sự ổn định và sự phát triển bền vững của đất nước. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn Viên chức Việt Nam tới các cấp công đoàn và đoàn viên CBCCVCLĐ trong hệ thống. Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam đã xây dựng 3 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết là: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng đội ngũ CBCCVCLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn”.

Nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam đã ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề là: Nghị quyết về tuyên truyền chương trình “Tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020” và Nghị quyết về tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Đây là 02 Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhằm động viên CBCCVCLĐ thi đua học tập, công tác tốt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng cơ quan, tổ chức Công đoàn trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2013 - 2018  gồm 41 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục được bầu giữ chức danh Chủ tịch; các đồng chí: Trần Đại Khu, Nguyễn Giang Tuệ Minh, Đào Văn Ngọc được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam.

6. Đại hội lần thứ V Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 4 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội sẽ có khoảng 300 đại biểu thay mặt cho hơn 82 vạn đoàn viên công đoàn trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam. Mục tiêu của Đại hội lần thứ 5 Công đoàn Viên chức Việt Nam là: “... Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, lấy cơ sở là địa bàn hoạt động; nâng cao vai trò của tổ chức và năng lực cán bộ công đoàn trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo" góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC vững mạnh, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn trong sạch, vững mạnh"....”./.

Nguyễn Hữu Giới

Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL

 

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×