Cơ quan soạn thảo rất tâm huyết, trách nhiệm trong xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
25/11/2024 | 15:19Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, chiều 25/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Cơ quan soạn thảo rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra Dự án Luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về Dự án Luật.
Quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo
Là đại biểu đầu tiên góp ý vào Dự thảo Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.
"Đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường" - đại biểu nêu quan điểm.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo. Về cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, đại biểu cho rằng, quy định này là cần thiết nhưng cần có sự thống nhất với Luật Xây dựng, Luật Đường bộ.
Thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo là vấn đề cần được quan tâm. Đại biểu cho biết, nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật hiện hành.
Theo đại biểu, Luật hiện hành nêu rõ, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Đại biểu chỉ ra thực tế, tại những nơi có khách nước ngoài lưu trú, một số nơi có thực đơn viết tiếng Việt cỡ nhỏ hơn tiếng nước ngoài; một số nơi để tiếng Việt sau/dưới tiếng nước ngoài; có nơi không viết luôn tiếng Việt mà chỉ có tiếng nước ngoài…. Đại biểu nhấn mạnh, tiếng Việt không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp chính mà còn là phương tiện lưu giữ trao truyền văn hóa của bao thế hệ. Do vậy, những trường hợp không sử dụng tiếng Việt như trên cần được điều chỉnh rõ trong Luật sửa đổi lần này.
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được phân cấp nên giao cho Chính phủ quy định. Còn đối với quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung chưa phù hợp với đối tượng như trẻ em thì Ban soạn thảo Dự án Luật nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo...
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo./.