Cơ hội nối lại thị trường khách quốc tế
24/01/2022 | 16:18Sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức diễn đàn phát triển đường bay châu Á Routes Asia 2022 vào tháng 6 tới đây được xem là cơ hội lớn trong hoạt động du lịch. Các đường bay quốc tế được nối lại sẽ là cầu nối thúc đẩy trao đổi thương mại, du lịch, tạo điều kiện để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế của thành phố.
Thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, từ tháng 3/2020 đến nay, các đường bay quốc tế ngừng hoạt động. Hiện Đà Nẵng chỉ khai thác 8 đường bay nội địa đến các tỉnh, thành phố với tần suất 200 chuyến/tuần. Năm 2021, số lượt khách được các cơ sở lưu trú phục vụ tại Đà Nẵng đạt gần 1,17 triệu lượt khách, giảm 55,8% so với 2020; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó phòng Kinh doanh, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, dù chịu ảnh hưởng Covid-19, song để từng bước đón khách quốc tế quay trở lại Đà Nẵng, Cảng hàng không đã có kế hoạch nâng cấp, đầu tư sân bay quốc tế Đà Nẵng như mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc; xây dựng nhà ga hàng hóa mới công suất 100.000 - 150.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024; mở rộng nhà ga hành khách T1 về phía đầu nam đạt 14 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng có những chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay đến Đà Nẵng như giảm 10-50% đơn giá dịch vụ hàng không đối với hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế; giảm phí dịch vụ hàng không trong khung giờ thấp điểm; hỗ trợ thực hiện các sự kiện chào đón chuyến bay mới, quảng bá thương hiệu cho đối tác; giảm giá các dịch vụ thuê băng chuyền hành lý, xử lý hành lý tự động, thuê quầy làm thủ tục hành khách theo chuyến…
Trưởng ban Kế hoạch phát triển Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) Nguyễn Quang Trung đánh giá, thị trường khách hậu Covid-19 sẽ phục hồi nhanh cũng như khách trên các đường bay ngắn sẽ phục hồi nhanh hơn đường bay dài. Đây là triển vọng cho ngành du lịch Đà Nẵng, trước mắt là đón khách nội địa, sau đó là khách quốc tế, từ các nước châu Á rồi mở rộng sang khu vực Âu, Bắc Mỹ, Úc...
Theo ông Nguyễn Quang Trung, việc mở rộng sân bay, đa dạng các hãng hàng không khai thác đường bay quốc tế đi và đến, cùng với cơ sở hạ tầng du lịch tốt là lợi thế của Đà Nẵng. Vì thế, Vietnam Airline cũng có kế hoạch phát triển tại thành phố này. Cụ thể, với khách nội địa, hãng sẽ nhanh chóng, kết nối lại các đường bay giữa Đà Nẵng với các thành phố của Việt Nam.
Với thị trường quốc tế, khôi phục lại mạng bay quốc tế đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Đông Nam Á, sau đó nghiên cứu cơ hội mở các đường bay mới đến các điểm khác ở châu Á, châu Âu và Úc. Đồng thời từng bước xây dựng sân bay Đà Nẵng thành căn cứ hàng không lớn của Việt Nam và trong khu vực bên cạnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ quý 3/2022, hãng sẽ khôi phục các đường bay từ Đà Nẵng đi Đông Bắc Á, khai thác các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Đà Nẵng đến các điểm của Trung Quốc. Quý 4/2022, khôi phục đường bay từ Đà Nẵng đi Đông Nam Á. "Để thuận lợi cho việc nối lại các đường bay cần bảo đảm an toàn trong suốt hành trình đi lại của khách; đa dạng hóa, thiết kế các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nâng cao sự tiện lợi và đa dạng hóa kênh bán, chính sách linh hoạt, tăng cường quảng bá truyền thông.
Đồng thời cần tổ chức, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình hộ chiếu vắc-xin, ban hành quy định, thủ tục, hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế, liên tục cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp xây dựng lộ trình phát triển điểm đến Đà Nẵng…", ông Nguyễn Quang Trung nói.
Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú nhìn nhận, nguồn khách đến Đà Nẵng, đặc biệt là khách quốc tế thông qua đường hàng không là nguồn khách cơ bản, phát triển bền vững cho du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến.
Do đó, cần xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch quay lại sau dịch. Theo ông Hồ Thanh Tú, để phục hồi và phát triển du lịch, bên cạnh sự nỗ lực, vượt khó của doanh nghiệp, cần nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cấp quản lý ngành.
Chính quyền cần có chính sách đón khách an toàn, linh hoạt kèm theo cơ chế và quy trình rõ ràng để doanh nghiệp du lịch chủ động triển khai các hoạt động thu hút khách; các chính sách phòng, chống dịch phải nhất quán và đồng bộ giữa các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn phòng, chống dịch gọn và dễ hiểu đối với du khách quốc tế; tăng cường phối hợp các hãng hàng không, tập đoàn lớn cùng cộng đồng doanh nghiệp tạo hành lang thống nhất giữa các hãng hàng không, khách sạn, lữ hành, vận chuyển… cho phép khách quốc tế được đặt chỗ và có chính sách hoàn, hủy linh hoạt nhằm thu hút khách quay lại.