Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyện người chấp bút đưa Nhã nhạc Cung đình Huế đi ra thế giới

09/02/2019 | 10:39

Dù là người trực tiếp chấp bút cho bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện nhân loại, thế nhưng mỗi khi nhắc đến hành trình gian nan ấy, TS. Phan Thuận Thảo luôn khiêm tốn cho rằng mình chỉ đóng góp một phần công sức nhỏ.

Hiện nay, Thừa Thiên – Huế tự hào là địa phương có đến 5 Di sản thế giới được UNESCO công nhận, một trong số đó phải kể đến là Nhã nhạc Cung đình Huế. Ít ai biết, đằng sau hành trình để đưa Nhã nhạc Cung đình Huế chính thức là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện nhân loại có những câu chuyện, có sự đóng góp thầm lặng nhưng cũng đầy tâm huyết của rất nhiều con người.

Chuyện người chấp bút đưa Nhã nhạc Cung đình Huế đi ra thế giới - Ảnh 1.

TS Phan Thuận Thảo, người đóng góp công sức đưa Nhã nhạc Cung đình Huế trở thành Di sản thế giới.

Một trong số đó phải kể đến TS. Phan Thuận Thảo (hiện là Phó Viện trưởng phụ trách Viện Dân tộc nhạc học – Học viện Âm nhạc Huế), người trực tiếp chấp bút cho bộ hồ sơ trình UNESCO. Chị cũng chính là con gái của nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phan Thuận An, người góp công rất lớn đưa Quần thể Di tích Cố đô Huế trở thành Di sản Văn hóa thế giới.

Nhiệm vụ bất ngờ

Với TS Phan Thuận Thảo, mỗi khi nhắc đến câu chuyện đưa Nhã nhạc Cung đình Huế đi ra với thế giới, chị lúc nào cũng dạt dào những cảm xúc khó tả. Chị kể lại, năm 2002 khi đang còn làm cán bộ nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường, chị được ông Thái Công Nguyên, lúc đó là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thời bấy giờ gọi đến để giao cho nhiệm vụ hết sức quan trọng: trực tiếp tham gia vào nhóm làm hồ sơ đưa Nhã nhạc trở thành Di sản thế giới.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng để kể nếu như vào thời điểm ấy, người được chọn để giao trọng trách này là một ai khác dày dạn kinh nghiệm chứ không phải là chị, một cô sinh viên vừa chân ướt, chân ráo ra trường với vốn dắt lưng chỉ có vài công trình nghiên cứu nhỏ.

Phần nữa, vì đây là lần đầu tiên Việt Nam làm hồ sơ trình UNESCO công nhận một Di sản Văn hóa Phi vật thể nên chuyện đặt niềm tin vào một cán bộ trẻ như chị Thảo được xem là quyết định khá liều lĩnh khiến nhiều người, trong đó có cả chị cảm thấy bất ngờ.

Chuyện người chấp bút đưa Nhã nhạc Cung đình Huế đi ra thế giới - Ảnh 2.

Đội nhạc công biểu diễn Nhã nhạc trong Cung đình Huế ngày xưa (ảnh tư liệu).

Theo chị Thảo, khoảng thời gian đó nhóm làm hồ sơ gồm có nhiều người được phân công ở nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, Hán nôm, lịch sử, âm nhạc,...  Ngoài chuẩn bị hồ sơ viết, cả nhóm còn phải bắt tay vào vô số công việc lớn nhỏ. Vì là người duy nhất có chuyên môn về âm nhạc nên chị được phân công chấp bút chính.

Sau gần hai tháng miệt mài, hình hài đầu tiên bộ hồ sơ cũng được hoàn thiện và trình lên Hội đồng Khoa học (Bộ VHTTDL) để góp ý lần thứ nhất. Một cuộc hội thảo quốc tế cũng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức ngay sau đó nhằm trưng cầu ý kiến các chuyên gia. Khi ấy, bộ hồ sơ bị các chuyên gia góp ý rất nhiều bởi nội dung còn thiếu điểm nhấn, chưa lột tả được hết cái riêng có của nhã nhạc.

"Tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị phải khẩn trương bổ sung thêm các tư liệu, hình ảnh lịch sử, có thêm các bài viết phân tích chuyên sâu ở góc độ âm nhạc học, các kỹ thuật, chất liệu chế tác nhạc khí cũng như đặc trưng của các vũ điệu. Tất cả ý kiến khen, chê này đều được chúng tôi ghi lại cẩn thận", chị Thảo cho hay.

Những ngày tiếp theo sau cuộc hội thảo thực sự là những ngày căng như dây đàn đối với cả nhóm làm hồ sơ. Trong khi còn quá nhiều hạng mục cần phải điều chỉnh, bổ sung cho kịp trước khi gửi đi Paris thì hai người cố vấn chính là ông Nguyên và ông Thanh, một người bất ngờ chuyển công tác ra Hà Nội còn một người vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục công việc. Thiếu đi người cố vấn, chỉ dẫn, các thành viên trong nhóm bắt đầu hoang mang và chán nản. Trong tình cảnh ấy, chị Thảo đã đưa ra quyết định xin nghỉ việc, ở nhà tập trung hoàn toàn cho nghiên cứu.

"Thân gái dặm trường", đã vậy ít ai biết được lúc thực hiện công việc này chị Thảo đang mang bầu nên vất vả, căng thẳng, áp lực thêm bội phần. Nhưng lỡ dấn thân vào "cuộc chơi", chị đã quyết tâm theo đuổi đến cùng. Dù mang bầu nhưng ngày vẫn đi điền dã, theo đoàn phim quay tư liệu rồi đêm về lại cặm cụi viết lách đến tờ mờ sáng. Để cho kịp tiến độ, nhiều lúc viết xong trang nào là chị chuyển ngay cho bộ phận dịch sang tiếng Anh.

"Nói không mệt, không nản thì là nói dối. Nhưng tôi nghĩ nếu không nhận thì thôi, đã nhận thì phải làm đến cùng. Cứ bình tâm với công việc chuyên môn, cái gì dễ thì tôi làm trước, khó thì gỡ dần dần rồi đâu sẽ vào đó", chị Thảo bồi hồi nhớ lại.

Thành quả xứng đáng

Trong những ngày tháng đầy khó khăn ấy, chị Thảo cho hay đã có những người luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ. Người đầu tiên phải kể đến chính là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phan Thuận An – cha của chị. Ông là người trực tiếp hỗ trợ về tư liệu, hình ảnh lịch sử để chị hoàn thành nhiệm vụ. Người thứ hai là ông Phan Tiến Dũng, lúc này là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thường xuyên đến nhà hỏi han, đốc thúc khi thời gian đã cận kề. Rồi ngay khi bộ hồ sơ được hoàn thành, cũng chính hai người này đã tức tốc mang ra Hội đồng Nghệ thuật của Bộ VHTTDL để thẩm định lần thứ hai.

Thời điểm đó, tưởng như mọi chuyện về cơ bản đã suôn sẻ thì khó khăn lại ập đến thêm một lần nữa như thử thách lòng người. Khi vừa đặt chân tới Hà Nội, chiếc USB lưu toàn bộ tài liệu bỗng nhiên "dở chứng" bị mã hóa hết toàn bộ nội dung khiến ai cũng hoang mang.

"Ba mình khi đó vì lo quá đến mức nằm vật ra ngất xỉu trong khách sạn, còn ông Dũng thì phải đi tắm cho hạ hỏa. May sao một chuyên gia máy tính đã giúp xử lý, lấy lại được toàn bộ tài liệu. Mọi người nháo nhác chạy đi in, lấy chữ ký của ông Lê Kinh Tài (lúc đó là Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam) và có mặt ở sân bay Nội Bài vừa kịp chuyến đi Paris", kể đến đây chị Thảo run run giọng.

Chuyện người chấp bút đưa Nhã nhạc Cung đình Huế đi ra thế giới - Ảnh 3.

Nhã nhạc Cung đình Huế hiện nay được Trung tầm BTDT Cố đô Huế trình diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường để phục vụ du khách.

Bẵng đi một khoảng thời gian sau đó, vào một tối cuối năm 2003, chị Thảo bất ngờ nhân được cuộc điện thoại báo tin Nhã nhạc Cung đình Huế đã chính thức trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Vội thông báo cho cha, hai cha con ôm chầm lấy nhau vỡ òa trong vui sướng bởi thành quả này quá ngọt ngào sau những ngày khó khăn.

"Giây phút khi nghe thông báo Nhã nhạc Cung đình Huế đã chính thức trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể có lẽ là giây phút vui sướng nhất trong cuộc đời tôi. Không gì hạnh phúc hơn khi mình đã góp chút công sức để mang lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước", chị Thảo xúc động.

Được biết, hơn 15 năm kể từ ngày được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể nhân loại, có thể nói Nhã nhạc Cung đình Huế đến nay đã bước sang một trang mới. Đây được đánh giá là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc và sự phong phú, toàn diện của di sản văn hóa Huế trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, là bước tiền đề để bảo tồn và phát huy một tinh hoa văn hóa dân tộc. Tuy vậy, mỗi khi nhắc đến câu chuyện này TS Phan Thuận Thảo vẫn luôn khiêm tốn cho rằng mình chỉ đóng góp một phần công sức nhỏ. Đằng sau hành trình đó còn có sự đóng góp thầm lặng của rất nhiều con người.

Trong những ngày cuối năm, người viết được chia sẻ niềm vui khi hay tin TS Phan Thuận Thảo vừa được Bộ VHTTDL trao danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cấp Bộ". Có lẽ, đây là thành quả xứng đáng cho quá trình dài công tác đầy nỗ lực và cho một người lúc nào cũng đầy nhiệt huyết trong công việc như chị.

Lê Chung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×