Chuyện ghi ở "trái tim" du lịch Quảng Bình: Bài 2 - Khát vọng làm du lịch ở "làng chiến đấu kiểu mẫu"
27/09/2022 | 09:32Với sự phát triển nhanh về du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều mô hình du lịch ở vùng lõi và vùng đệm xung quanh khu vực này đã hình thành và phát triển, tạo nên sự đa dạng các sản phẩm về du lịch cho du khách thập phương thêm nhiều sự lựa chọn khi đến với Quảng Bình nói chung và "trái tim" du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng…
Gần 10 năm trở lại đây, người dân xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) dần quen với việc xuất hiện những người nước ngoài thường đạp xe đi vòng quanh làng vào mỗi buổi chiều, họ đi từng nhóm có, từng đôi có, vừa đi vừa quan sát cảnh làng quê ở đây. Điểm họ đến là những cánh đồng lúa vào vụ hay những điểm di tích lịch sử - văn hóa hay những nơi chứa dấu tích của thời gian, chứng tích của những trận đánh, của bom đạn cày xới ở mảnh đất này.
Trong chiến tranh (giai đoạn 1969 – 1973), Cự Nẫm được xem là "toạ độ lửa" vì bộ đội Trường Sơn chọn làm nơi đặt binh trạm và cũng chính là nơi dừng chân của những đoàn quân trước lúc vào miền Nam đánh giặc… Các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm…
Do vị trí trọng yếu ở cửa ngõ vào Nam ra Bắc, đế quốc Mỹ đã phát hiện ra điều này nên Cự Nẫm trở thành nơi phải thường xuyên hứng chịu mưa bom bão đạn, chúng điên cuồng rải bom nhằm cắt đứt vị trí chiến lược này. Tuy nhiên, bom đạn của kẻ thù đã không làm lung lay được ý chí, sự quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của người dân xã Cự Nẫm.
Người dân trong làng, từ già đến trẻ đã không quản ngại khó khăn, ngày đi lao động, đêm đến lại bốc vác, vận chuyển lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Họ chung sức cùng bộ đội ngụy trang trận địa, họ nấu cơm, nuôi quân, giặt giũ, chăm sóc cho thương binh…Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở, trong giai đoạn đó, có khoảng 6 sư đoàn đã nghỉ lại ở "làng một đêm" trong sự đùm bọc của người dân Cự Nẫm.
Ông G. Piter, du khách đến từ nước Úc chia sẻ, những người bạn của tôi đã đến nơi này (Cự Nẫm – PV) và nói rất nhiều về sự yên bình của một làng quê bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới. Họ nói rằng ở đây có rất nhiều điều để khám phá bởi cảnh làng quê chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa của vùng bán sơn địa. Ấn tượng hơn, họ cũng được thưởng thức những món ẩm thực bản địa, chụp những bức ảnh đẹp và được nghe câu chuyện về lịch sử của một làng quê dũng cảm trong chiến tranh… rất thú vị và khơi nên sự tò mò để hôm nay tôi cùng gia đình đặt chân đến đây khám phá.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Cự Nẫm cho biết, là một xã thuần nông như vùng bán sơn địa ở Cự Nẫm, những năm trước đây việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi thiên tai, bão lũ và thời tiết khá khắc nghiệt. Cuộc sống của người dân trước đây chỉ dựa vào dăm ba sào ruộng, ít ha rừng để mưu sinh nên họ đã chọn cho mình những con đường "thoát ly" cái nghèo đói bằng cách học hành và đi làm ăn xa.
Mọi thứ khởi sắc hơn sau khi du lịch ở khu vực Phong Nha phát triển. Nhiều người dân đã bắt đầu chuyển sang việc làm du lịch dịch vụ theo kiểu làm thuê cho các điểm du lịch, buôn bán sản phẩm nông sản mình làm ra được bởi vì chỉ bán cho khách du lịch thì nông sản của họ mới có giá trị hơn, giúp họ có thêm chút thu nhập.
Khi Phong Nha phát triển về du lịch, bắt đầu có du khách là người nước ngoài đến lưu trú, họ thường xuyên đạp xe ở những con đường quê và trên cánh đồng tại xã Cự Nẫm và từ đó một số người dân đã có ý tưởng làm du lịch, hình thành những điểm homestay, farmstay, các điểm ăn uống mang đậm bản sắc người bản địa để phục vụ khách du lịch.
"Thời điểm đó, tôi đang là cán bộ xã, mỗi khi về với bà con chúng tôi được nghe tâm tư, nguyện vọng của họ trong việc thay đổi và mạnh dạn làm du lịch - dịch vụ trên địa bàn. Đề xuất này được Đảng ủy xã thống nhất và đi đến quyết tâm hỗ trợ bà con làm kinh tế thông qua những mô hình du lịch được tổ chức ngay trên địa bàn của mình"… ông Tiến nói.
Câu chuyện ở làng văn hóa du lịch Cự Nẫm
Khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn xuất hiện những cơ sở lưu trú homestay, farmsaty bắt đầu thu hút khách du lịch. Sự phát triển này kèm theo các dịch vụ và tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động là người địa phương. Từ đó, các mô hình "vệ tinh" xuất hiện tạo nên chuỗi cung ứng dịch vụ, thực phẩm như tài xế đưa đón khách, các hộ làm nông: vườn chuối, tiêu, ổi... Khu vực Bồng Lai được khai phá bởi Phong Nha Farmstay, hiện nay có tour xe đạp miễn phí vào Bồng Lai, ghé thăm các cơ sở du lịch như Duck Stop, Nhà hàng Mối Mối, Pub with Cold Beer, Bồng Lai Swing Valley,...
Ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch chia sẻ, với mô hình làm du lịch "đậm chất nông dân" nhưng rất thành công này đã lan tỏa phát triển du lịch Cự Nẫm lên một bước tiến mới. Các mô hình du lịch khác được mở ra như Happy Hills. Đây là khu du lịch sinh thái thư giãn kết hợp quán cà phê và ẩm thực núi đồi độc đáo"
"Đối với xã Cự Nẫm nói riêng và Bố Trạch nói chung, chúng tôi xác định việc phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là chủ trương của Đảng bộ huyện, là nhiệm vụ chính trị, kinh tế quan trọng. Đảng bộ huyện đã chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và của toàn dân" - ông Toán cho hay.
Trên cơ sở này, trong thời gian tới, huyện Bố Trạch tập trung phát huy lợi thế, tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất sẵn có, huy động các nguồn lực, phát triển toàn diện kinh tế du lịch, vừa đầu tư vừa khai thác đảm bảo bảo tồn các giá trị của di sản; đa dạng hóa các loại hình du lịch (du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái, làng nghề; du lịch khám phá; du lịch mạo hiểm; du lịch tâm linh..).
Để thực hiện được điều này, huyện xác định cần tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư bằng phương thức xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch, có sự quản lý thống nhất của nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư tham gia hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch bền vững…
Bài 3: Trung tâm du lịch của châu Á- một tương lai không xa