Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển đổi số trong du lịch: Khó nhưng phải làm

04/10/2022 | 14:39

Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch TP.HCM đang nỗ lực chuyển đổi số. Cùng với những thuận lợi về chủ trương, chính sách thì cũng có rất nhiều khó khăn đặt ra cho ngành du lịch TP.HCM trong quá trình triển khai.

Chuyển đổi số trong du lịch: Khó nhưng phải làm - Ảnh 1.

Bản đồ du lịch 3D - 360 độ đang được Sở Du lịch TP.HCM triển khai.

COVID-19 buộc ngành du lịch phải chuyển đổi số

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Khi đại dịch bùng phát, ngành du lịch gần như bị "đóng băng" hoàn toàn, còn khi bước vào giai đoạn bình thường mới thì rất nhiều thói quen, hành vi của du khách trên toàn cầu đã thay đổi. Khách hàng e dè với những tiếp xúc trực tiếp và ưu tiên tìm hiểu, đặt mua tour qua các kênh điện tử. Đó là lý do nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn, resort của TP.HCM đã nỗ lực chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) trong quản lý và phục vụ khách. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng tăng cường đầu tư công nghệ để quảng bá tour, tiếp cận khách trên các nền tảng số.

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ thông tin của BenThanh Tourist cho biết: "Qua thời gian đại dịch, để tiếp cận nhiều hơn với khách thì chúng tôi đã tổ chức các chương trình online. Chúng tôi tập trung vào những phần mềm, ví dụ như phần mềm quản lý trong điều hành tour để cho tất cả các chi nhánh, tất cả các nhân viên đều có thể làm việc trên một hệ thống. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đẩy mạnh tiếp thị số, tức là chuyển từ hình thức offline qua online".

Không chỉ doanh nghiệp mà trong 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã có những chiến lược như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, bản đồ du lịch 3D - 360 độ, nâng cấp website quảng bá, phát triển app du lịch TP.HCM, tổ chức hội chợ du lịch ảo. Ngoài ra, Sở còn đứng ra làm cầu nối để giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử. Thế nhưng công cuộc này vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nói: "Với các sàn thương mại điện tử hay hội chợ du lịch ảo thì khi lần đầu tiếp cận, chúng tôi nghĩ là sẽ hoạt động bình thường và Sở sẽ là đơn vị tiếp nhận. Nhưng đúng là chúng ta không có huấn luyện, đào tạo thì sản phẩm hầu như không hoạt động được. Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khi làm việc với công nghệ thông tin và chuyển đổi số".

Việc chuyển đổi số của ngành du lịch hiện gặp phải khá nhiều khó khăn như: nhận thức của một số chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số chưa cao; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nguồn vốn cạn kiệt sau ảnh hưởng của đại dịch; phần đông đội ngũ nhân sự chưa tiếp cận và vận hành được công nghệ.

Trong khi đó, du lịch là một ngành dịch vụ tổng hợp, có sự liên quan chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các đơn vị lưu trú - lữ hành - điểm đến. Do vậy, việc chuyển đổi số cần được thực hiện đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng thực tế "bức tranh" chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn đơn lẻ, theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Mặc dù khó nhưng chuyển đổi số là điều bắt buộc mà các doanh nghiệp ngành du lịch phải làm để bắt nhịp xu hướng toàn cầu. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, phân tích hành vi, xu hướng của du khách để đáp ứng và phục vụ tốt hơn; tiết kiệm chi phí vận hành và giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực sau đại dịch. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ khó trụ lại trên thị trường.

Chuyển đổi số trong du lịch: Khó nhưng phải làm - Ảnh 2.

Chủ đề về "chuyển đổi số" được đưa ra bàn luận tại nhiều hội thảo, diễn đàn du lịch trong thời gian qua.

Ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số của Bộ Công thương đưa ra ví dụ: "Sau làn sóng listing tức là chỉ cập nhật thông tin thôi, bây giờ người ta đã đến làn sóng có xếp hạng, có đánh giá tín nhiệm. Thời gian vừa qua với sự phát triển của mạng xã hội, khi đi du lịch muốn ăn gì thì người ta sẽ vào Google để tìm xem cái nào có rating cao thì sẽ vào ăn, còn nơi nào rating thấp hoặc bị khiếu nại thì người ta không vào. Như vậy việc xây dựng uy tín của các điểm du lịch ở trên môi trường mạng xã hội để được đánh giá tín nhiệm là những điều rất quan trọng".

Tại các diễn đàn về chuyển đổi số trong du lịch, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ rằng họ hiểu được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, nhưng vẫn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng có 3 điểm doanh nghiệp du lịch cần chú trọng, đó là cố gắng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số.

Ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc điều hành The Outbox Company đưa ra lời khuyên: "Nếu nghĩ chuyển đổi số là một thứ gì đó lớn lao thì chúng ta sẽ thấy nó xa xăm. Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải lúc nào cũng phải xây dựng platform, OTA (đại lý du lịch trực tuyến), đầu tư AI hay thực tế ảo. Hãy nghĩ đơn giản chuyển đổi số là số hóa một vài bước trong quy trình phục vụ khách và vận hành doanh nghiệp, để có thể tối ưu hơn hoạt động của chúng ta. Tùy vào nhu cầu của mỗi doanh nghiệp mà lựa chọn một mô hình sao cho phù hợp".

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay nhiều công ty công nghệ đang cung cấp các giải pháp cho ngành du lịch. Do đó nếu các công ty du lịch, lữ hành chưa có đủ nội lực, nhân sự về công nghệ thông tin thì hoàn toàn có thể bắt tay với các doanh nghiệp công nghệ để thực hiện việc chuyển đổi số./.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×