Chuyển đổi số thư viện: "Chìa khóa" kết nối hai chiều giúp phát triển văn hóa đọc
25/11/2024 | 09:25Trong thời đại số, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các thư viện. Đây được xem là "chìa khóa" kết nối hai chiều giữa thư viện và bạn đọc, giúp phát triển văn hóa đọc.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển nhanh từng ngày, cùng với sự bùng nổ của kỷ nguyên số đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho việc truyền thông và phát triển văn hóa đọc của các thư viện công cộng trên toàn quốc. Nếu biết tận dụng và khai thác tốt các ưu thế công nghệ số, chuyển đổi số thì đây chính là chìa khóa mở rộng, liên kết và kết nối hai chiều giúp phát triển mạnh văn hóa đọc nhằm lan tỏa, đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc trong thời đại công nghệ 4.0.
Theo ông Lê Viết Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Công nghệ - Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, việc tổ chức quản lý, vận hành các hoạt động của các thư viện hiện nay không tránh khỏi những tác động từ công nghệ số và tự động hóa. Do đó, mỗi thư viện cần có kế hoạch dài hạn và lộ trình trong việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để đạt được mục đích đề ra là đưa văn hóa đọc đến gần hơn, mọi lúc, mọi nơi, chia sẻ nguồn tri thức nhân loại đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Nếu như trước đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa các quy trình hoạt động thư viện, hướng đến giải bài toán về tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ và lấy chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ làm trung tâm thì giai đoạn này với quá trình chuyển đổi số, nguồn dữ liệu sẽ là trung tâm cho mọi hoạt động của thư viện. Việc ứng dụng công nghệ số tập trung bài toán khai thác dữ liệu và tối ưu hóa quy trình chuẩn hóa nghiệp vụ. Như vậy, có thể khẳng định, mô hình tập trung, dùng chung cơ sở hạ tầng, dữ liệu; tích hợp, liên thông, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin sẽ là phương thức chủ đạo trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho ngành thư viện Việt Nam trong thời gian tới.
Việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động của thư viện nhờ vào tính hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thông tin; mở rộng khả năng chia sẻ, liên thông nguồn tài nguyên thông tin và nâng cao vai trò, vị trí của thư viện. Những thay đổi hay cải tiến trong thư viện đều phải tính đến nhu cầu phát triển văn hóa đọc và sự thuận lợi cho bạn đọc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ bạn đọc trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin và tăng khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của từng nhóm đối tượng trong quá trình phục vụ.
Ông Lê Viết Tuấn cũng cho biết thêm, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là sử dụng các trang thiết bị hiện đại, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ trong công việc hàng ngày; hệ thống bảo mật, an ninh thư viện; thiết bị chuyên dụng trong hoạt động nghiệp vụ. Ngoài ra, không thể thiếu là phần mềm quản lý thư viện điện tử tích hợp, các fanpage Facebook và Zalo… Có thể nói, công nghệ số đang được ứng dụng trong hầu hết mọi hoạt động thư viện. Nhờ vào khả năng xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác đã góp phần nâng cao hiệu quả các công việc.
Liên hệ thực tế tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Viết Tuấn cho hay, thời gian qua đơn vị đã không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của thư viện, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong chuyển đổi số ngành thư viện. Cụ thể, đã tăng cường số hóa tài liệu, biên mục tài liệu số trên phần mềm quản lý thư viện; phục vụ bạn đọc, tuyên truyền, giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube,…; Triển khai đồng bộ các công đoạn xử lý tài liệu trên phần mềm quản lý điện tử; Duy trì việc khai thác sách điện tử, tạo sự tiện lợi trong việc đọc sách trực tuyến của người sử dụng. Hàng năm, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có sự đổi mới về chất lượng từ khâu công tác bổ sung tài liệu cho đến phục vụ và ứng dụng các công nghệ mới vào truyền thông quảng bá thông tin, hướng đến phát triển văn hóa đọc.
Để việc ứng dụng công nghệ số trong truyền thông phát triển văn hóa đọc ngày một nâng cao hiệu quả, bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay, theo ông Lê Viết Tuấn, ngành thư viện nói chung, thư viện tỉnh nói riêng cần phải có những định hướng và giải pháp đồng bộ cho công tác này.
Theo đó, một số định hướng trọng tâm có thể kể đến như: Cần tăng cường công tác truyền thông trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng nền tảng mạng xã hội. Bám sát nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành văn hóa, trong đó có lĩnh vực thư viện; Đầu tư cho việc phát triển các ứng dụng các công nghệ mới cho thư viện thông qua xã hội hóa; Các đề án, dự án thực hiện việc chuyển đổi số thư viện cần đảm bảo tính phù hợp, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin trong nước và quốc tế. Học tập các quốc gia có kinh nghiệm trong quá trình tiếp thị thông tin số trong thư viện phát triển; Số hóa nguồn tài liệu cổ, quý, nhất là nguồn tư liệu địa chí để xây dựng ngân hàng dữ liệu lớn, có quy mô ổn định mang tính chất lâu dài và bền vững; Chuyển đổi mô hình phục vụ từ truyền thống sáng mô hình phục vụ trên không gian mạng phải đảm bảo an toàn thông tin, mang hiệu ứng dây chuyền đến với cộng đồng bạn đọc.
Thế Trung
* Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện