Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số

22/08/2022 | 09:41

Tiếp nối Phiên toàn thể, trong khuôn khổ Tuần chuyển đổi số Huế 2022 vừa qua đã diễn ra Phiên chuyên đề 2 với chủ đề “Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh văn hóa - di sản tạo đà phát triển kinh tế số”.

Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số để phát huy giá trị văn hóa, di sản (Ảnh: BTC)

Tham dự phiên chuyên đề có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Lê Phúc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình; Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số toàn diện trên các ngành, lĩnh vực, trong đó văn hóa là một trong những lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc chuyên đề (Ảnh: BTC)

Đánh giá cao ý nghĩa của Phiên chuyên đề “Chuyển đổi số, phát huy sức mạnh văn hóa, di sản tạo đà phát triển kinh tế số” trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, đây là cơ hội giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị quản lý di sản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tiếp cận các dịch vụ, giải pháp nền tảng để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản. Đồng thời, Phó Chủ tịch tỉnh cũng mong rằng với sự trao đổi, chia sẻ tận tình của các diễn giả, các doanh nghiệp tham dự sẽ giúp Thừa Thiên Huế gợi mở ra nhiều hướng đi, có thêm những sự lựa chọn, những giải pháp phù hợp để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực văn hóa di sản, tạo đà phát triển kinh tế số của địa phương.

Tại Phiên chuyên đề, lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn công nghệ đã tọa đàm bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số vào văn hóa di sản. Với các tham luận về chuyển đổi số - Giải pháp quản lý, bảo tồn, phục dựng phát huy giá trị văn hoá, di sản; Giải pháp chuyển đổi số các di sản, văn hóa tạo đà phát triển bứt phá công nghiệp văn hóa; Kinh nghiệm triển khai và khai thác hiệu quả giải pháp số hoá, VR, 3D Mapping tái hiện và lan truyền văn hoá, di sản; Chương trình số hóa các di sản quốc gia: Bản đồ số văn hoá, di sản; Chuyển đổi số di sản thúc đẩy phát triển du lịch thông minh.

Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Phiên chuyên đề 2 (Ảnh: BTC)

Chia sẻ với các đại biểu về các giải pháp chuyển đổi số để phát huy các giá trị văn hóa, di sản, ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, thời gian tới về phía Tổng cục Du lịch sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: (1) phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL và cơ quan quản lý VHTTDL các địa phương tiến hành kết nối thông tin, số hóa, tích hợp dữ liệu về các di sản văn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung ngành du lịch. (2) Phối hợp với các đơn vị về công nghệ hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, phát triển điểm đến du lịch thông minh, áp dụng công nghệ hiện đại như 3D, thực tế ảo… tại các khu/điểm du lịch. (3) Phối hợp với Google hỗ trợ các địa phương, khu/điểm du lịch số hóa điểm đến và quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật trên “bảo tảng số của nhân loại” Google Arts & Culture. (4) Tăng cường hỗ trợ các địa phương, khu/điểm du lịch giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc trên các kênh truyền thông số gồm có website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh của Tổng cục Du lịch, hướng đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. (5) Hỗ trợ các địa phương, khu/điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch triển khai các giải pháp đa dạng về chuyển đổi số như: hệ thống vé điện tử, hệ thống hướng dẫn đa phương tiện, thẻ du lịch thông minh, hệ thống quản lý phòng lưu trú, bãi đỗ xe thông minh, hợp đồng điện tử…

Phó Giám đốc Hoàng Quốc Hòa cũng đề nghị các địa phương, khu/điểm du lịch nên tập trung đầu tư nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để xây dựng và triển khai kế hoạch về chuyển đổi số du lịch nói chung và phát huy giá trị di sản, văn hóa nói riêng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chủ động, sáng tạo trong số hóa, ứng dụng công nghệ để phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, đồng thời quan tâm tích hợp sản phẩm số vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của Tổng cục Du lịch để tạo thuận lợi cho việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Theo vietnamtourism.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×