Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển đổi số ở di tích Huế

25/08/2023 | 09:53

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đặt ra để nâng cao năng lực quản lý về hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cũng như xây dựng, cung cấp các dịch vụ du lịch đặc thù, trải nghiệm phục vụ du khách.

Chuyển đổi số ở di tích Huế - Ảnh 1.

Kiểm soát vé điện tử với du khách vào Đại Nội Huế

Chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Qua khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các kết quả cho thấy mức độ sẵn sàng về cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số tại trung tâm vẫn còn hạn chế so với tiềm năng khai thác, phát triển các dịch vụ trên nền tảng số. Các loại dữ liệu quý về văn hóa, di sản và tài sản hữu hình của trung tâm cần được số hóa, để hình thành nên hệ thống dữ liệu số và kho tri thức số, khai thác hiệu quả, tránh nguy cơ mai một, thất thoát và đồng bộ trong vận hành.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối internet của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô bằng đường cáp quang. Đến nay, trung tâm vẫn còn nhiều đơn vị trực thuộc chưa có kết nối internet hoặc kết nối chất lượng thấp, công nghệ cũ. Điều này gây bất tiện trong việc phục vụ du khách cũng như điều hành công tác nghiệp vụ, quản lý, giám sát… Hạ tầng mạng không được đầu tư nâng cấp một cách đồng bộ nên việc triển khai một số phần mềm dùng chung, phát triển các hệ thống thông tin trong quản lý điều hành và xử lý công việc gặp rất nhiều khó khăn, chưa tạo ra một mạng lưới hoạt động ổn định, nhanh chóng và chuyên nghiệp.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện quản lý nhiều loại dữ liệu về các lĩnh vực, như: Dữ liệu về các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế; dữ liệu về cổ vật thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình và các điểm di tích trực thuộc; hồ sơ di sản, hồ sơ trùng tu, tôn tạo và phục dựng; thư tịch cổ, lưu trữ toàn văn và chuyển đổi sang dữ liệu chữ viết phục vụ nghiên cứu và phát triển văn hóa di sản; dữ liệu phi vật thể về âm nhạc cung đình Huế, ẩm thực cung đình Huế và lễ hội cung đình triều Nguyễn… Tuy nhiên, các tài liệu đang tồn tại dưới dạng giấy, một số tài liệu đã được số hóa nhưng không đầy đủ. Trung tâm có sử dụng hệ thống thư viện điện tử để quản lý lưu trữ và quản lý dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ khoa học, khảo cổ nhưng phần lớn các dữ liệu khác chưa được số hóa để quản lý lưu trữ dữ liệu tập trung, gây nguy cơ thất thoát dữ liệu rất lớn theo thời gian và qua nhiều người quản lý, sử dụng.

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị khai thác các dịch vụ du lịch nên chất lượng hạ tầng mạng đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, phát triển, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì vậy, việc thực hiện chuyển đổi số ở trung tâm là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Với khối tài sản quý giá từ những hiện vật, di sản văn hóa, việc chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu trên môi trường số là con đường hữu hiệu để phát huy giá trị di sản, đưa văn hóa di sản đến công chúng bằng nhiều hình thức.

Chuyển đổi số ở di tích Huế - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Đại Nội Huế

Ứng dụng công nghệ số trên nhiều lĩnh vực

Nhằm tăng cường ứng dụng CNTT, đặc biệt là công nghệ số trong khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của di sản, văn hóa, lịch sử, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai đề án “Chuyển đổi số tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2022-2025”. Đề án nhằm xây dựng dịch vụ chính quyền số và hệ thống cơ chế, chính sách; ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; triển khai các loại hình ứng dụng CNTT để khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) văn hóa, di sản. Từ đó, tạo ra các giá trị và sản phẩm du lịch mới phục vụ phát triển du lịch và phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa Huế, tri thức bản địa...

Ông Lê Công Sơn cho biết, đề án hướng đến các giải pháp nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT và kỹ năng số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đồng thời, phát triển hạ tầng nền tảng và hạ tầng thiết bị chuyên dụng, xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số tại trung tâm. Trên cơ sở những kiến trúc nghiệp vụ tổng thể của lớp văn hóa và giải trí thông minh trong hệ thống cấu trúc ICT tỉnh Thừa Thiên Huế, mô hình thể chuyển đổi số tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với các ứng dụng sẽ xây dựng dựa trên 4 lớp ứng dụng chính: Bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể; du lịch thông minh, thư viện thông minh, cổng thông tin điện tử.

Đề án rà soát, nâng cấp hạ tầng thiết bị CNTT gồm hệ thống truyền dẫn, hệ thống lưu trữ, camera, server, máy tính, máy scan, các thiết bị phục vụ cho công tác số hóa; nâng cao năng lực các thiết bị phục vụ ở các điểm bán vé, kiểm soát vé; xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung cho CSDL chuyên dùng phục vụ dịch vụ; ứng dụng CNTT, công nghệ số để bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị vật thể, phi vật thể…

Đề án cũng xây dựng hệ thống dữ liệu và kho tri thức số của trung tâm với các dịch vụ chia sẻ, khai thác dữ liệu, gồm các phân hệ quản lý CSDL các điểm di tích, công trình kiến trúc, hạ tầng, CSDL công tác bảo tồn, trùng tu di tích; xây dựng, cung cấp các dịch vụ du lịch đặc thù, chú trọng các trải nghiệm khách hàng với công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường tại các điểm di tích; phối hợp các bên liên quan trong việc phát huy các giá trị di sản trên các nền tảng số với các ứng dụng Blockchain, AI và dữ liệu đa phương tiện…

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×