Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển đổi số giúp ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển bền vững

02/10/2024 | 07:59

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo: "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình". Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, ngành VHTTDL đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển và chia sẻ dữ liệu số của ngành.

Tính đến nay, trên hệ thống ngành VHTTDL đã tạo lập được 6.290 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị để kê khai hồ sơ và đã hoàn thành 100% việc kết nối và đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức.

Chuyển đổi số giúp ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển bền vững - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các trường thông tin chưa đúng, còn thiếu về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu Đúng – Đủ – Sạch – Sống.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, cho tới nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành như số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm Hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam; Cơ sở dữ liệu (CSDL) về lĩnh vực du lịch và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng, quản lý Chính phủ số đối với lĩnh vực du lịch; Số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Bộ.

Sau khi hoàn thành việc khảo sát CSDL của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Bộ VHTTDL đã xây dựng danh mục 17 CSDL dùng chung theo quy định chung về xây dựng cơ sở dữ liệu và 38 CSDL chuyên ngành của Bộ VHTTDL. Trong đó, 23 CSDL mở cần được cập nhật thường xuyên, định kỳ 06 tháng/lần, bảo đảm cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ.

Tại Hội thảo, một số đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đã chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu.

Chuyển đổi số giúp ngành du lịch phát triển bền vững

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, dữ liệu ngành du lịch hiện đang được lưu giữ tập trung trong hệ thống CSDL của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Hiện có một số dữ liệu liên quan đến du lịch đã được chia sẻ rộng rãi qua nền tảng website của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, nhưng những dữ liệu vẫn còn phân tán.

Chuyển đổi số giúp ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển bền vững - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Dữ liệu thống kê du lịch chưa đủ và chưa có một nền tảng đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phục vụ thu thập, phát triển và công bố dữ liệu thống kê chuyên nghiệp. Đồng thời, thông tin, dữ liệu thu thập còn hạn chế về tính đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, thường xuyên.

Đối với các CSDL khác hiện đang có hạn chế là số liệu được thu thập và nhập từ nhiều nguồn khác nhau, hoặc do chính các cơ sở kinh doanh tham gia trực tiếp nhập dữ liệu, do đó còn thiếu sự thống nhất, chuẩn hóa về thông tin, dữ liệu không được cập nhật thường xuyên.

"Để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tối ưu nhất là có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quản lý, vận hành để các Sở quản lý du lịch địa phương và doanh nghiệp du lịch cùng tham gia vào hệ thống"- ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp: Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh: xây dựng bản đồ số du lịch; phát triển ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel" - công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho du khách từ tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ (vé máy bay, phòng khách sạn, vé tham quan…), thanh toán điện tử, tối ưu rải nghiệm du lịch đến hỗ trợ du khách đánh giá/phản hồi chất lượng dịch vụ để được bảo vệ quyền lợi; phát triển nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch nhằm tạo một môi trường số hỗ trợ kết nối các chủ thể trong ngành là cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch; triển khai hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide) giới thiệu tới du khách các thông tin về các điểm du lịch, di tích, bảo tàng, khu vui chơi giải trí...được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel" với hai nền tảng Android và iOS.

Để hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số cũng như giải quyết tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và ban hành Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với chủ đề "Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động", đồng thời phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố để tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số tại địa phương, qua đó hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có thể tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng triển khai, nâng cao chất lượng dịch vụ, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển theo hướng bền vững.

Thống nhất nhận thức, hoàn thiện và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật

Theo TS Phạm Thị Khánh Ngân, Cục Di sản văn hóa, các hệ thống thông tin quản lý tại Cục Di sản văn hóa hiện nay đều là hệ thống nhằm thu thập, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin. Quá trình xây dựng hệ thống thông tin dựa trên các văn bản hướng dẫn, nghiệp vụ của các lĩnh vực để đưa ra tiêu chí đầu vào, đầu ra.

Chuyển đổi số giúp ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển bền vững - Ảnh 3.

TS Phạm Thị Khánh Ngân, Cục Di sản văn hóa trình bày tại Hội thảo

Đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng, để xây dựng, vận hành hệ thống thông tin cần các yếu tố cơ bản như: chính sách, kinh phí, nhân lực, cơ sở dữ liệu... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như: Về định hướng chính sách: Chưa có chủ trương và văn bản chỉ đạo cụ thể về xây dựng dữ liệu quốc gia đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành để xây dựng hệ thống mạng liên kết dữ liệu về di sản văn hóa trên toàn quốc; Chưa có nghiên cứu tổng thể về các cơ sở dữ liệu hiện có và xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu cho hệ thống dữ liệu liên kết ngành trong tương lai.

Về kinh phí, hạ tầng: Thực tiễn đòi hỏi đầu tư kinh phí cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu để xây dựng và triển khai các dự án liên kết dữ liệu, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và thúc đẩy việc giới thiệu di sản văn hóa đến với mọi đối tượng quan tâm.

Về nguồn nhân lực: Tuy đã được chú trọng nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển. Đối với việc xử lý dữ liệu không chỉ dừng lại ở nhập liệu văn bản mà còn đòi hỏi phải có kỹ năng về máy tính, số hóa… Bên cạnh đó, việc không có nhân lực chuyên trách, thường xuyên bị luân chuyển điều động dẫn tới việc gián đoạn triển khai nhập liệu cơ sở dữ liệu. Về cơ sở dữ liệu: Phần mềm dùng chung có hạn chế chưa thể thỏa mãn được tất cả yêu cầu của thực tế.

Theo TS Phạm Thị Khánh Ngân, cần thống nhất nhận thức, hoàn thiện và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy định từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng quan và xây dựng bộ tiêu chí dữ liệu, bộ công cụ giám sát trong hoạt động quản lý, liên kết hệ thống bản đồ số trong việc số hóa dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thiện các quy chế phối hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài cho cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, số hóa và cập nhật dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Từng bước hoàn thiện đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao, đáp ứng tốt đề án vị trí việc làm để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ này trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao và tăng cường sức mạnh cho sự phát triển toàn ngành Di sản văn hóa.

Tăng nguồn kinh phí thường xuyên cho việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc ứng dụng công nghệ và số hóa để triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương./.

Hồng Hà- ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×