Chuyển đổi số - động lực phát triển du lịch bền vững
25/05/2022 | 10:17Ðể phục hồi du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, chuyển đổi số được coi là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững. Song muốn chuyển đổi số hiệu quả, ngành công nghiệp không khói Việt Nam còn cần vượt qua nhiều rào cản để tạo hệ sinh thái đồng bộ cũng như cần có những tính toán kỹ lưỡng trong đầu tư nguồn lực, đổi mới hạ tầng.
Trước sự lên ngôi của du lịch trực tuyến và xu hướng sử dụng những giải pháp không chạm của du khách, đặc biệt ở giai đoạn sau đại dịch, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn sống còn của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nếu muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0. Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tích cực triển khai chuyển đổi số dưới nhiều hình thức để tăng cường năng lực cạnh tranh khi trở lại đường đua du lịch.
Tạo sự đồng bộ về hệ thống
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam vẫn đang diễn ra đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu tính đồng bộ, chưa có sự thống nhất. Chia sẻ tại Diễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh-chuyên đề Chuyển đổi số: Ðộng lực phát triển bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức, đứng ở góc độ doanh nghiệp cung cấp giải pháp số, ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc Công ty VietISO, thành viên Ủy ban Phát triển chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho biết: Hiện nay, hầu hết địa phương, doanh nghiệp đều đang cố gắng thực hiện chuyển đổi số du lịch nhưng do không có hệ thống tiêu chuẩn nên mỗi nơi có cách nhìn riêng, hướng đầu tư riêng và cách làm riêng. Ðiều này dẫn đến các cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, khiến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tâm, cơ quan quản lý về du lịch cần sớm có hướng dẫn về bộ tiêu chuẩn chung cho chuyển đổi số du lịch như cách mà ngành thuế, hải quan từng áp dụng để các doanh nghiệp, địa phương có thể liên thông khi đã có sẵn nguồn dữ liệu, thuận lợi trong khai thác sử dụng.
Ở góc độ địa phương, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay: Hiện các nơi đều quan tâm vấn đề chuyển đổi số du lịch, nhưng phần lớn đội ngũ nhân lực vẫn quen cách làm truyền thống. Do đó, cần có sự thay đổi về nhận thức cũng như nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch cho đội ngũ nhân lực. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số, chẳng hạn như cơ quan trung ương đảm nhận phần việc nào, địa phương cần làm những gì, nội dung nào cần thực hiện trước… để tạo sự thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, mỗi nơi ra một ứng dụng dẫn tới lãng phí và gây bất tiện cho du khách khi tiếp cận.
Cần sự vào cuộc chủ động, tích cực
Những hiệu quả tối ưu mà chuyển đổi số mang lại như tiết kiệm thời gian, nhân lực, thủ tục, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… là điều mà các doanh nghiệp du lịch dễ nhận diện, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để chuyển đổi số. Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism nhận định: Việc một doanh nghiệp có đủ điều kiện sẵn sàng để ứng dụng công nghệ số hay không chính là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng, bởi nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ, công nghệ có thể trở thành chiếc áo quá rộng với doanh nghiệp. Trên thực tế, hoạt động lữ hành được kết nối bởi nhiều công đoạn khác nhau, để xây dựng quy trình chuyển đổi số từ đầu đến cuối là cả vấn đề. Nếu chỉ chuyển đổi số từng phần sẽ khiến việc quản lý dễ bị chắp vá, phải xử lý bằng những biện pháp thủ công. Vì thế, muốn chuyển đổi số một cách chủ động, tích cực và hiệu quả, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về tài chính để đủ duy trì và nâng cấp hệ thống liên tục, đồng thời có phương án dự phòng rủi ro cùng đội ngũ nhân sự bảo đảm vận hành đúng kỹ thuật. Theo bà Ngần, để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan quản lý có thể chia nhỏ các nhóm doanh nghiệp theo quy mô, tính chất khác nhau, từ đó giúp định hướng những nhóm ứng dụng phù hợp; đồng thời tổ chức đào tạo tập trung, chuyên sâu cho đội ngũ nhân lực ở từng lĩnh vực như lữ hành, điểm đến, lưu trú để có thể tiếp cận các ứng dụng, phần mềm, biết cách vận hành một cách phù hợp. Ðiều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, không phải tự mày mò, tìm kiếm giải pháp mà có thể ứng dụng ngay.
Với kinh nghiệm 16 năm xây dựng và phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ trên nhiều lĩnh vực, ông Nguyễn Ðức Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở nước ta phần lớn là nhỏ và vừa, có nguồn lực hạn chế. Vì thế, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của Tổng cục Du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh. Chẳng hạn như ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng Du lịch Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ và kết nối với khách du lịch; bên cạnh đó là hệ thống vé điện tử, máy bán hàng tự động, các công cụ thanh toán điện tử…
Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết: Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cũng khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch, gồm: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số; đồng thời, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; và đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch…