Chuyển đổi số để luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi
12/11/2021 | 14:56Nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện trên địa bàn thành phố và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để đáp ứng đa dạng nhu cầu đọc sách cho độc giả.
Theo ghi nhận, tuy các hoạt động xã hội đã cơ bản trở lại bình thường, nhưng lượng độc giả đến với các thư viện vẫn còn ít so với trước đây. Tại Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng, những ngày đầu mở cửa sau thời gian dịch bệnh, số lượng độc giả chỉ khoảng 200 lượt/ngày, giảm tới 60% so với trước kia và phần lớn đều mượn sách mang về nhà đọc. Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh hoạt động thư viện số, nâng cao hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ độc giả là hoạt động rất cần thiết và hiệu quả, nhằm đảm bảo vừa có thể cung cấp các ấn phẩm đến tay bạn đọc kịp thời, nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn trong tình hình phòng, chống dịch; đồng thời cũng là hướng đi quan trọng để theo kịp sự chuyển đổi trong tương lai.
Với mục tiêu phục vụ độc giả hiệu quả dưới mọi hình thức và hoàn cảnh, từ năm 2018, Thư viện KHTH Đà Nẵng đã số hóa toàn bộ kho sách Địa chí với hơn 2.000 đầu sách và để thuận tiện phục vụ bạn đọc, bắt đầu từ cuối năm 2020, thư viện triển khai cấp thẻ online cho bạn đọc; xây dựng triển khai Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhiệm vụ chính là nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người làm công tác thư viện về vai trò và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng hệ sinh thái với nội dung phong phú, sinh động. Nhiều hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai như các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số tích hợp… độc giả có thể mượn và trả sách điện tử, sách số, đọc sách số trên mạng. Thư viện đang thuê sử dụng trang Thư viện số của Công ty Tài liệu số trực tuyến Vina TP.HCM với hơn 619.035 tài liệu phù hợp với sinh viên các chuyên ngành và có khoảng 11.884 bản sách điện tử có bản quyền để phục vụ bạn đọc.
Ông Phạm Xuân Thu, Trưởng phòng Tin học (Thư viện KHTH Đà Nẵng) cho biết, riêng trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị thực hiện cấp khoảng 400 thẻ thư viện miễn phí cho độc giả theo hình thức trực tuyến, cung cấp các trang mạng truy cập sách miễn phí để phục vụ bạn đọc bất cứ lúc nào, ngay cả khi thư viện không mở cửa. Theo đó, các trang trực tuyến do Thư viện KHTH Đà Nẵng cung cấp đã thu hút hơn 1.500 lượt độc giả mượn/đọc mỗi tháng. Ngoài nâng cao hiệu quả phục vụ sách điện tử, Thư viện đang đẩy mạnh nghiệp vụ trích báo, tạp chí bằng cách số hóa báo giấy để đưa lên trang web, ưu tiên tập trung vào các mảng, lĩnh vực mà nhiều bạn đọc quan tâm tra cứu.
Là đơn vị đón đầu về thư viện số so với cả nước, hiện Thư viện KHTH Đà Nẵng đã nâng cấp website và tài liệu phục vụ bạn đọc trực tuyến. Cho đến nay, đã có gần 12.000 đầu sách điện tử có bản quyền và hàng trăm ngàn đầu sách liên kết với các đơn vị trên cả nước để phục vụ bạn đọc. Thư viện cũng ứng dụng thành công Chatbot (ứng dụng trả lời tin nhắn tự động) trên các trang sách điện tử để trao đổi, hỗ trợ độc giả một cách nhanh nhất. "Đơn vị đang tiếp tục duy trì các hoạt động tuyên truyền trên mạnh xã hội để trao đổi, duy trì, kết nối với bạn đọc. Đồng thời, đẩy mạnh các dự án số hóa tài liệu, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số có sẵn theo hướng mở, tăng cường phát triển thư viện số, thư viện điện tử để phục vụ bạn đọc một cách tích cực nhất, ví dụ như kế hoạch phát triển ứng dụng trên thiết bị thông minh để bạn đọc truy cập vào kho sách của thư viện mọi lúc, mọi nơi. Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của các thư viện, trang thiết bị mượn, trả tự động ở Thư viện KHTH Đà Nẵng và hệ thống các thư viện trên địa bàn thành phố", bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện KHTH Đà Nẵng chia sẻ thêm.
Chuyển đổi số trong các hoạt động thư viện là một phương thức nhanh chóng và hiệu quả, tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số cũng cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan, đặc biệt, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số./.