Chuyển đổi phương thức phục vụ bạn đọc trong thời đại số
17/10/2021 | 08:00Nhu cầu duy trì và phát triển văn hóa đọc là tất yếu trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ số, các nhà xuất bản, thư viện cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ để thích ứng, tiếp cận và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người đọc.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (từ ngày 1-7/10) đã có những thay đổi một cách linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa các nền tảng số, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với chủ đề: "Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19".
Thay đổi để thích nghi
Trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Thư viện tỉnh Phú Yên đã tổ chức phục vụ tài liệu trực tuyến về các chủ đề: xây dựng xã hội học tập; học tập suốt đời và những gương điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thư viện còn thực hiện video clip giới thiệu sách; giới thiệu các bộ sưu tập số và các tài liệu địa phương chí đã được số hóa trên website; đồng thời giới thiệu và hướng dẫn đọc sách điện tử hiện có tại Thư viện tỉnh. Bên cạnh đó, thư viện đã tổ chức thi xếp sách nghệ thuật với chủ đề "Học tập" tại các tổ, phòng trong đơn vị.
Chị Nguyễn Thị Thanh, một bạn đọc ở phường 6 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: "Mặc dù ở nhà nhưng qua các hoạt động trực tuyến hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, các thành viên trong gia đình tôi có thể tiếp cận gần hơn với nhiều sách được số hóa của Thư viện tỉnh một cách dễ dàng. Các hoạt động này giúp các con tôi được tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh qua những trang sách điện tử; mang lại hứng thú học tập cho trẻ khi ở nhà trong thời gian dài".
Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Thông qua các hoạt động này, chúng tôi mong muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa về việc học tập suốt đời; mục tiêu chuyển đổi số trong thư viện; vai trò của văn hóa đọc đến bạn đọc một cách dễ dàng nhất. Qua đó phần nào cho thấy việc thay đổi phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động thư viện để thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện xã hội. Thư viện tỉnh đã cố gắng biến khó khăn của ngoại cảnh thành cơ hội để tự thay đổi mình. Điều này phù hợp với chủ đề của Tuần lễ học tập suốt đời năm nay: Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
"Việc tổ chức hoạt động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp", bà Huệ nhấn mạnh.
Chuyển đổi số hỗ trợ đổi mới thư viện
Với xu hướng chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch nhằm ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số để nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người làm công tác thư viện trên địa bàn tỉnh về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số ngành Thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành VHTTDL (bảo tàng, di sản, du lịch...). Qua đó xây dựng hệ sinh thái số với nội dung sâu sắc, đa dạng, cách thức tổ chức, khai thác tài nguyên và sản phẩm thông tin, tiện ích và dịch vụ phong phú, sinh động, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu các dịch vụ thư viện số theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, linh hoạt theo thời gian thực, số hóa tài nguyên thông tin; tập trung số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VHTTDL, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo kế hoạch của UBND tỉnh ban hành. "Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet. Vì vậy, việc chuyển đổi số ngành thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Đây là kỹ năng cần thiết giúp mọi người học tập, góp phần tạo ra xã hội học tập và tạo động lực học tập suốt đời. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị; tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện. Ngoài ra, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành Thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh", bà Thái nhìn nhận.