Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển biến trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào Dân tộc thiểu số ( DTTS)

20/12/2019 | 14:26

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

Trên tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cụ thể hóa và triển khai ban hành các văn bản, thông tư, xây dựng các đề án, dự án để thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thực tế cơ sở đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

1. Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 88/2019/QH14  ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030); Quyết định số 1270QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiếu số đến năm 2020;

CHUYỂN BIẾN TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ - Ảnh 1.

Hội thảo "Baot tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước"

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số dần bị mai một. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn xác định công tác quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Có thể nói công tác quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các  dân tộc thiểu số do Bộ chủ trì đã đạt những hiệu quả nhất định, cụ thể:

Tăng cường giao lưu văn hoá qua các hoạt động mang tính chất vùng, miền góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá: Đã nghiên cứu và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa mang tính sinh hoạt cộng như Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Chăm, dân tộc Khmer, dân tộc Mường, dân tộc Hoa, Thái; giao lưu mang tính chuyên đề như Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam -  Lào và Việt Nam - Campuchia,... Qua đó, tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cả nước; tuyên truyền, vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

CHUYỂN BIẾN TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ - Ảnh 2.

Đua ghe ngo trong Lễ hội Óc Om Bóc của đồng bào dân tộc Khmer

 - Xây dựng và triển khai dự án Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống: Đây là mô hình mới trong công tác bảo tồn văn hoá truyền thống, qua đó phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, vừa bảo tồn bền vững, vừa quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với phát triển du lịch. Hiện đã có hơn 30 làng bản buôn của 25 dân tộc đại diện cho các vùng miền được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.

CHUYỂN BIẾN TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ - Ảnh 3.

Không gian cồng chiêng của đồng bào dân tộc Ba Na

- Điều tra, sưu tầm, thống kê và tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một cao, qua đó tạo môi trường sinh hoạt văn hoá lành mạnh, từng bước giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bài trừ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện đã có hơn 80 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được hỗ trợ phục dựng và bảo tồn.

- Công tác sưu tầm, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống: Bộ đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể do chính các nghệ nhân, chủ thể của văn hóa dân tộc-người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ trong cộng đồng các dân tộc có số dân rất ít người, như:  Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Si La, Chứt…

CHUYỂN BIẾN TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ - Ảnh 4.

Đồng bào dân tộc Hrê duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống

- Định kỳ tổ chức gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người để trực tiếp lắng nghe các đề xuất, góp ý, tâm tư nguyện vọng từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với từng dân tộc trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

- Cấp sản phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, các trường phổ thông dân tộc nội trú đảm bảo tính thời sự, phù hợp, thiết thực với đối tượng hưởng lợi; phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật  và công tác văn hóa - thông tin ở cơ sở; tuyên truyền xây dựng xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, phòng chống thiên tai, mua bán người, đặc biệt nhấn mạnh việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

- Ở địa phương, Các Đoàn văn hóa nghệ thuật, Đội văn nghệ cấp thôn, bản thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật, ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Đây chính là lực lượng nòng cốt, trực tiếp và rất quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Những khó khăn hạn chế:

Bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được, thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề hạn chế cần khắc phục:

- Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến, vùng biên giới, hải đảo… so với thành thị còn lớn.

- Đầu tư của ngân sách nhà nước cho văn hoá còn thấp, đặc biệt đầu tư bảo tồn và phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc huy động các nguồn lực còn hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực. Các chương trình, dự án được xây dựng và phê duyệt nhưng không có nguồn kinh phí  nên triển khai khó khăn, phải thực hiện lồng ghép vào ngân sách sự nghiệp hàng năm của đơn vị hoặc chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.

- Vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí trong việc lập kế hoạch, xây dựng dự án cũng như triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các dự án từ cơ sở do đó ảnh hưởng tới việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Chính sách giáo dục còn chưa quan tâm đầy đủ, chưa có những chính sách, biện pháp hữu hiệu trong việc dạy học và học chữ, học tiếng đối với học sinh các dân tộc thiểu số mà dây chính là vấn đề quan trọng, then chốt trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của mỗi dân tộc.

- Việc đưa văn hoá, văn nghệ đến phục vụ đồng bào các dân tộc tuy đã có cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thiếu các sản phẩm văn hoá, nhất là các sản phẩm văn hoá có nội dung và hình thức phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào.

2.2. Nguyên nhân của những khó khăn hạn chế:

- Việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực tế chưa thực sự được coi trọng đúng mức và đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

- Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những dự án, đề án còn tách rời, biệt lập giữa văn hóa và phát triển kinh tế.

- Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số còn nghèo, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa và không tập trung, một số dân tộc sống đan xen, tiếng nói, phong tục tập quán khác nhau, trình độ dân trí không đều.

- Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, du lịch ở vùng dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm nhưng vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

- Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tuy được đề cao, nhưng chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng.

- Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống; hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có công trong việc lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

- Các tỉnh đông đồng bào dân tộc sinh sống nguồn ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí nguồn lực để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn hết sức khó khăn, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác bảo tồn.

          3. Một số nhiệm vụ, định hướng, giải pháp trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

- Tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách cho các nghệ nhân, học viên, đối tượng không hưởng lương tham gia vào hoạt động truyền dạy và các hoạt động do Trung ương tổ chức nhằm khuyến khích, huy động người dân tích cực tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Có cơ chế chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với dân tộc thiểu số

- Triển khai xây dựng dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" (Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14  ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).

- Tăng cường nguồn lực để hỗ trợ cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số xây dựng các thiết chế văn hoá phù hợp với văn hóa truyền thống của từng địa bàn, từng dân tộc.

- Đảm bảo nguồn lực cho thực hiện các Đề án, dự án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục xây dựng và ban hành "Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa" giai đoạn 2021 - 2030.

- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa các dân tộc ở các khu vực, vùng miền và từng dân tộc để tôn vinh, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đồng thời có cơ chế khen thưởng mang tính đặc thù để khích lệ, động viên các nghệ nhân có thành tích và có nhiều đóng góp, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. - Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số./.

Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×