Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025: Nhiều điểm mới sát với thực tế

05/07/2023 | 17:17

Có thể thấy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều điểm mới hơn so với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta. Xóa đói, giảm nghèo cũng là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Điều này được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn.

Tiếp nối các giai đoạn về xóa đói giảm nghèo trong những năm qua, ngày 18/1/2022 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đây là một chương trình thể hiện tính nhân văn, thúc đẩy phát triển đất nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các vùng còn khó khăn trên cả nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025: Nhiều điểm mới sát với thực tế - Ảnh 1.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thể hiện tính nhân văn, thúc đẩy phát triển đất nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các vùng còn khó khăn trên cả nước (ảnh minh họa)

Có thể thấy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều điểm mới hơn so với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Điểm mới nhất của Chương trình giảm nghèo giai đoạn này là mục tiêu giảm nghèo được nâng tầm và bao trùm hơn để hướng tới giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa sự tái nghèo.

Trước đây, chúng ta đánh giá nghèo chủ yếu thông qua thu nhập. Nếu thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì thuộc diện hộ nghèo. Chuẩn nghèo này còn gọi là chuẩn nghèo đơn chiều, do Chính phủ quy định. Với chuẩn đó, nhiều hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm ở cận chuẩn nghèo, nên tỷ lệ tái nghèo cao.

Những năm gần đây, trên cơ sở phương pháp luận đo lường nghèo đa chiều, nhiều nước đã đưa ra chuẩn nghèo đa chiều để đánh giá toàn diện hộ nghèo, tiến tới bỏ khái niệm hộ cận nghèo. Chuẩn nghèo đa chiều chú ý tới việc phải bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) gắn với mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Chương trình đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân làm cho nghèo đa chiều phần lớn là thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở; giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Một nguyên nhân chung gây đói nghèo của vùng lõi nghèo đó thường là những vùng có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng thiếu thốn…

Về nguyên tắc phương thức tổ chức của Chương trình hiện nay cũng có những thay đổi, trước đây tập trung về chiều rộng thì nay hướng tới theo chiều sâu để đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào lõi để chúng ta đầu tư vào con người, phát triển con người làm cho người nghèo thoát nghèo đa chiều, phát triển đồng bộ cả kinh tế, văn hóa, xã hội và ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân coi đây là trọng tâm trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng " lõi nghèo".

Về phương thức hỗ trợ người nghèo, trước đây hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Với phương thức hỗ trợ nhóm hộ này sẽ vừa làm cho từng hộ cũng như cộng đồng thoát nghèo.

Về hình thức, cần tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, việc làm, có thu nhập ổn định; bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung mới như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo.

Điểm khác nữa đó là nguồn lực, trước đây dành cho 5 dự án thì nay là 7 dự án, trong đó thực hiện 3 dự án giải quyết vùng lõi nghèo, hỗ trợ được cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nghề nghiệp, hỗ trợ nhà ở cho đối tượng này.

Ngoài ra Chương trình hiện nay cũng huy động toàn lực của xã hội và hoạt động giám sát, kiểm tra, công tác quản lý cũng có nhiều điểm mới. Có thể coi những điểm mới này là những thay đổi cần thiết và sát với thực tế hiện nay nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2021 -2025.

Hạ Yên (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×