Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chương trình MTQG về văn hóa: ĐBQH đề xuất 7 giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa

07/11/2024 | 08:11

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Bộ Chính trị cũng vừa có Kết luận số 100, trong đó bày tỏ sự thống nhất về chủ trương đầu tư Chương trình này.

Chương trình MTQG về văn hóa: ĐBQH đề xuất 7 giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa - Ảnh 1.

ĐBQH Thạch Phước Bình Đoàn (ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước thông qua việc xây dựng và bảo vệ giá trị văn hóa Việt Nam. Theo đó, chương trình có 7 mục tiêu tổng thể, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần.

Đa số các ĐBQH trong phiên thảo luận Hội trường vừa qua đều bày tỏ nhất trí với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Lập kế hoạch và phân bổ vốn một cách có trọng tâm sẽ giúp cho giải ngân hiệu quả hơn

Đồng tình với chủ trương đầu tư Chương trình, song ĐBQH Thạch Phước Bình Đoàn (ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, việc đầu tư các dự án bảo tồn di sản văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể là rất quan trọng. Từ đó, Chương trình cần có thêm các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển các thiết chế văn hóa đồng bộ, nâng cao hiệu quả truyền thông và giáo dục văn hóa, đặc biệt hướng đến đối tượng người lao động và người dân tộc thiểu số. Giải ngân cho lĩnh vực văn hóa đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng vì tính chất phức tạp và chuẩn mực cao. Việc lập kế hoạch và phân bổ vốn một cách có trọng tâm sẽ giúp cho giải ngân hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên các dự án thực sự cấp bách và có khả năng tác động lớn đến phát triển văn hóa để thực thi tốt chương trình. Theo đại biểu, cần nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ các cấp từ trung ương đến địa phương. Việc hợp tác giữa các quốc gia phát triển trong lĩnh vực văn hóa và học hỏi kinh nghiệm của họ có thể giúp nước ta phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Phân tích làm rõ thêm về những khó khăn và đề xuất giải pháp hoàn thiện về phát triển nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, hiện nay nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đội ngũ làm công tác văn hóa ở địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa đến 20% nhân lực văn hóa tại các khu vực dân tộc thiểu số có trình độ đại học hoặc cao hơn khiến cho khả năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở giáo dục đào tạo về văn hóa ít liên kết với cộng đồng dân tộc thiểu số dẫn đến chương trình đào tạo còn xa rời thực tế, thiếu tính ứng dụng.

Sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành chưa được quan tâm đúng mức gây ra lỗ hổng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có khả năng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Nhiều khu vực dân tộc thiểu số không có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cho công tác văn hóa.

Kinh phí dành cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách, chỉ từ 2 đến 5%, gây hạn chế trong việc thu hút nhân tài và tổ chức các chương trình đào tạo mang tính chất dài hạn.

Trong một số trường hợp, những người được đào tạo về văn hóa dân tộc thiểu số lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp do không có nhiều tổ chức, cơ quan văn hóa hoạt động thường xuyên tại địa phương. Điều này khiến họ không phát huy được kiến thức chuyên môn, giảm động lực đóng góp cho văn hóa cộng đồng.

Đề xuất 7 giải pháp

Từ đó, đại biểu đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện về phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số. Các chương trình đào tạo cần tích hợp sâu hơn các yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số và được thiết kế để đáp ứng từng nét đặc trưng của mỗi vùng miền.

"Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, chương trình đào tạo cần có các nội dung về nghệ thuật Dù kê, các lễ hội truyền thống như Ok om bok và kỹ năng tổ chức nghi lễ văn hóa đặc thù của đồng bào. Đảm bảo chương trình học luôn đi kèm với thực hành và trải nghiệm thực tế sẽ giúp cho đội ngũ nhân lực có nền tảng kiến thức sâu sắc hơn" - đại biểu nêu ví dụ.

Thứ hai, theo đại biểu Thạch Phước Bình, Chính phủ cần có các chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực, văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này không chỉ thu hút được nhân lực có trình độ cao, còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Thứ ba là thiết lập các cơ sở đào tạo văn hóa dân tộc tại địa phương. Đại biểu cho rằng cần xây dựng các trường chuyên về văn hóa dân tộc hoặc các trung tâm đào tạo văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số sẽ giúp phát triển nhân lực chuyên nghiệp ngay từ nguồn gốc ở địa phương. Việc này không chỉ giúp các cá nhân được đào tạo sát với văn hóa bản địa mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể học tập và làm việc gần nhà.

Thứ tư là tăng cường liên kết giữa nhà trường và cộng đồng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng các khóa học mang tính thực tiễn, gắn kết sinh viên với đời sống văn hóa thực tế. Các trường có thể mời nghệ nhân địa phương làm giảng viên, tổ chức các chuyến tham quan thực tế và hỗ trợ sinh viên tham gia các lễ hội dân gian, giúp họ hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương.

Thứ năm là ứng dụng công nghệ thông tin. Trong việc đào tạo và bảo tồn văn hóa, sử dụng công nghệ số để tạo ra các tài liệu học tập số hóa về văn hóa dân tộc thiểu số, lưu trữ các di sản văn hóa và chia sẻ các bài giảng online về văn hóa truyền thống. Nhờ công nghệ số, người học có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu các giá trị văn hóa mọi lúc mọi nơi, giúp phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, nền tảng và kỹ năng chuyên sâu về văn hóa dân tộc.

Thứ sáu là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn văn hóa, phát động các phong trào bảo vệ và phát huy văn hóa tại các địa phương, khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tích cực tham gia, đồng thời cần có các chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tổ chức hội thảo và các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Thứ bảy là tăng cường vai trò của các tổ chức văn hóa địa phương. Đại biểu đề nghị hỗ trợ các tổ chức văn hóa dân tộc tại địa phương phát triển các dự án bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, đưa ra các chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức này hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển du lịch văn hóa, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung để duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc./.


Thế Công - Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×