Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chương trình MTQG về văn hóa cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong công nghiệp văn hóa

19/06/2024 | 15:00

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, được Chính phủ xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2035 trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;... Đồng thời, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Xác định rõ lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư trong công nghiệp văn hóa

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Ngày nay, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc. Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.

Chương trình MTQG về văn hóa cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Qua nghiên cứu, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng.

Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm: các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, và xác định rõ 12 lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị, Chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần phải tập trung nguồn lực đầu tư, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như: Luật Di sản văn hóa; Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa,…nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.

Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, theo đại biểu, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Điều này, cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các doanh nghiệp phần lớn vẫn quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất; hoặc vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa,...

Ngoài ra, cũng do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, nên ít có thời gian thư giãn, giải trí,... Vì thế, để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi dành cho người lao động, đại biểu đề nghị cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, nhất là sự phối hợp giữa các cấp ngành và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết đầu tư Chương trình và cho rằng: Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Chương trình MTQG về văn hóa cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)

Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hoá.

Phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi của Chương trình. Đánh giá toàn diện về hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa trong tương quan với đầu tư của toàn xã hội để xác định các nội dung cần tập trung đầu tư từ Chương trình.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa, trong đó chú ý: Các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo ra nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng, nhu cầu để có cơ sở xác định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư; tính toán khả năng, mức độ đáp ứng của các nguồn vốn; tính khả thi, hiệu quả của các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm của Chương trình.

Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai. Ngoài ra, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Về sự trùng lặp giữa Chương trình với các chương trình, dự án khác, đại biểu cho biết, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.

Hiện, Chính phủ kiến nghị chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình; các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2026-2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị giữ nguyên các mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang thực hiện, không tích hợp vào Chương trình này. Tuy nhiên, cần rà soát chặt chẽ để đảm bảo đầu tư hiệu quả; tránh đầu tư manh mún, trùng lặp./.

Thế Công - Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×