Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 - Bàn đạp khôi phục du lịch châu Âu

02/07/2021 | 14:52

Theo một đạo luật ban hành tháng trước, chủ sở hữu Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU có thể thoải mái di chuyển trong 27 quốc gia nội khối, cùng bốn quốc gia liên kết.

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 - Bàn đạp khôi phục du lịch châu Âu | Du lịch  - Ảnh 1.

Quảng trường del Duomo ở thành phố Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 với hy vọng đây sẽ là “bàn đạp” để khôi phục ngành du lịch khu vực sau một năm đìu hiu dưới tác động của đại dịch.

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU được thiết lập với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU. Đây là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc thẻ cứng để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia.

Mã QR này gồm ba nội dung chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 (sử dụng các loại vaccine được EU phê chuẩn, như vaccine của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson&Johnson), kết quả mới nhất xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc COVID-19.

Những yếu tố này đủ tin cậy để khẳng định người sở hữu chứng nhận không có nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.

Mã QR này chứa dữ liệu "tối cần thiết" để giám sát việc đi lại an toàn, song vẫn tuân thủ Luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu. Theo đó, dữ liệu người dùng không được trao đổi giữa các quốc gia, mà chỉ có thông tin xác thực liên quan COVID-19 được hiện thị. Các quốc gia là điểm đến hoặc điểm quá cảnh cũng sẽ không lưu lại dữ liệu của hành khách sau khi đã hoàn tất xác minh.

Theo một đạo luật ban hành tháng trước, chủ sở hữu Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU có thể thoải mái di chuyển trong 27 quốc gia nội khối, cùng bốn quốc gia liên kết là Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein, mà không cần cách ly hoặc thực hiện thêm các thủ tục xét nghiệm khác.

Tuy nhiên, đạo luật này cũng đưa ra cơ chế “phanh khẩn cấp," theo đó nếu tình hình dịch bệnh một nước EU có chiều hướng xấu đi nhanh chóng hoặc xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, thì những người tới từ nước này vẫn sẽ phải tuân thủ quy định cách ly thông thường.

[Chứng nhận kỹ thuật số về COVID - ''chìa khóa'' mở cửa châu Âu?]

Tính đến ngày 30/6, 21 quốc gia EU đã chấp nhận chứng nhận kỹ thuật số này, trong đó có các điểm đến du lịch chủ chốt như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Croatia.

Ngay từ khi được đề xuất, Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 đã được kỳ vọng sẽ giúp EU mở cửa trở lại theo cách an toàn, bền vững và có thể dự đoán được. Các nước nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch đặc biệt hoan nghênh.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định chứng nhận kỹ thuật số này "rất quan trọng đối với ngành du lịch," mở ra cơ hội phục hồi lớn không chỉ đối với các công ty lữ hành, ngành dịch vụ, hàng không… mà còn tác động tích cực tới thị trường lao động khi ngành du lịch cung cấp 27 triệu việc làm tại các quốc gia EU.

Bà Gloria Guevara thuộc Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) gọi chứng nhận này "là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch trong khu vực," giúp các nước EU kịp thời đón luồng khách vào mùa du lịch Hè. Điều này sẽ tạo ra động lực quan trọng cho các nền kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm, sinh kế cho người lao động, giúp các doanh nghiệp du lịch và hàng không mau chóng phục hồi.

Bà Jennifer Janzen thuộc Airlines for Europe - hiệp hội hàng không lớn nhất châu Âu, khẳng định chứng nhận sẽ giúp hợp nhất 27 hệ thống du lịch khác nhau hiện nay tại EU thành một hệ thống duy nhất, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, đồng thời thúc đẩy doanh thu du lịch nội khối trong bối cảnh nhiều người đang có tâm lý lưỡng lự đi du lịch do các quy tắc phòng dịch biến đổi liên tục.

Với việc châu Âu mở cửa trở lại, một số quốc gia du lịch trọng điểm tại khu vực này như Italy đã ghi nhận số lượng khách đặt phòng nghỉ cao đột biến, trong khi Tây Ban Nha cũng kỳ vọng lượng du khách dịp Hè sẽ đạt mức 70% so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Năm 2019, du lịch và các hoạt động liên quan ngành công nghiệp không khói này đóng góp 10% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của EU. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến con số này chỉ còn khoảng 5% năm ngoái.

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 - Bàn đạp khôi phục du lịch châu Âu | Du lịch  - Ảnh 2.

Du khách thăm công viên Disneyland ở thủ đô Paris năm 2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch tại EU giảm 52% trong năm 2020. Mức giảm tại các quốc gia mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn như Hy Lạp, Cyprus và Malta còn lên tới 70%. Điều này cho thấy việc khôi phục trở lại các tuyến du lịch là chìa khóa để vực dậy kinh tế “Lục địa già," đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và Italy.

Tỷ lệ người được tiêm chủng vaccine ở EU khá cao là một trong những cơ sở để triển khai Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19. Theo thống kê mới nhất, khoảng 50,4% dân số EU đã được tiêm một liều vaccine và khoảng 32,7 % đã được tiêm đủ.

Bởi vậy, Ủy viên phụ trách tư pháp của EU - ông Didier Reynders cũng khuyến nghị tất cả các quốc gia thành viên sử dụng công cụ này không chỉ để đi lại tự do giữa các nước mà còn cho những mục đích khác như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, tới nhà hàng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện và lây lan mạnh của biến thể Delta tại châu Âu đang có nguy cơ làm giảm hiệu quả của công cụ này. Đức hồi tuần trước đã đưa Bồ Đào Nha vào danh sách "khu vực lây lan biến thể của virus", theo đó cấm du khách từ Bồ Đào Nha tới.

Ngày 30/6, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 2.300 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ giữa tháng Hai vừa qua, trong đó 90% là nhiễm biến thể Delta. Trước đó, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo biến thể Delta có khả năng sẽ gây ra 90% số ca mắc COVID-19 mới trong EU trước cuối tháng Tám.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng châu Âu đang di chuyển "trên lớp băng mỏng" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Mục tiêu "miễn dịch cộng đồng” chỉ có thể đạt được khi tối thiểu 80% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, tăng 10% so với khuyến nghị trước đó do sự xuất hiện của những biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn.

Mặc dù vậy, việc EU chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 từ ngày 1/7 rõ ràng đã tạo “bàn đạp” cần thiết để khôi phục ngành du lịch của khối. Việc thông qua và áp dụng công cụ này cũng thể hiện quyết tâm của EU sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch.

Giới chuyên gia cũng cho rằng để “bàn đạp” này thực sự phát huy tác dụng, EU cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine trên toàn khối.

Bên cạnh đó, mỗi người cần hành động như tuyên bố của Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Nếu bạn chọn đi du lịch, hãy làm điều đó một cách có trách nhiệm. Hãy ý thức về những rủi ro có thể gặp phải. Hãy nâng cao ý thức và đừng gây ảnh hưởng tới những thành quả khó khăn lắm mới có được"./.

Theo Vietnamplus

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×