Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc

07/06/2021 | 08:29

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, độc đáo, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên đã dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của dân tộc.

Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học hỏi, tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất của các nền văn hóa trên thế giới, để từ đó tiếp thu có chọn lọc, làm phong phú thêm cho giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc đó là:

1. Giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc

Văn hóa dân tộc Việt Nam chứa đựng giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và được nhìn nhận qua hai lớp quan hệ. Về nội dung, đó là lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc... về hình thức, đó là cốt cách văn hóa dân tộc được biểu hiện ở phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lễ hội, cách cảm và nghĩ.. Nó phản ánh những nét độc đáo, đặc tính dân tộc. Trong buổi gặp gỡ nhà văn Đức, Irênê Phabe (người dịch Truyện Kiều), Hồ Chí Minh có nói: “Những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ những ngọn núi cổ điển đó”(1). Vì vậy, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam là phải trân trọng, khai thác, giữ gìn, phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử.

Dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo nên một nền văn hóa riêng, với những giá trị truyền thống tốt đẹp và cao quý. Ngay từ buổi đầu lập nước, người Việt Nam đã tự ý thức về cộng đồng dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức tự hào, tự tôn của dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giở sử nước ta ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn”(2). Lòng tự hào, tự tôn dân tộc luôn là nền tảng tinh thần để mỗi người Việt Nam có trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc mình. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lịch sử dân tộc và tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc. Để giáo dục lòng yêu nước, kêu gọi đoàn kết cứu nước và khẳng định ở triều đại nào cũng có người anh hùng mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, Người viết bài “Lịch sử nước ta” (tháng 2 năm 1942), trong đó có đoạn:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”(3).

Lòng yêu nước, tình cảm gắn bó máu thịt và trách nhiệm của người dân Việt Nam, đã đúc kết thành truyền thống yêu nước và được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước. Chính tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước là động lực vĩ đại giúp nhân dân Việt Nam, đứng lên đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc trước kẻ thù xâm lược. Tổng kết về phong trào yêu nước Việt Nam, trong bài “Nên học sử ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Đời nào cũng có người anh hùng mưu cao võ giỏi đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc cứu nước.

Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đấy, chiếm nước Tàu và nửa châu Âu, thế mà ba lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập.

Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân.

Thiếu niên như Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên.

Phụ nữ thì có bà Trưng, bà Triệu ra tay khôi phục giang san.

Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở Á Đông”(4).

Hồ Chí Minh kết luận: “Nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng”(5). Chính ngọn nguồn giá trị văn hóa tư tưởng truyền thống, ý chí độc lập và khát vọng tự do đã trở thành nền tảng văn hóa tinh thần, là động lực vĩ đại của sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường, dù khó khăn, gian khổ, dù phải hy sinh nhưng vẫn quyết giữ vững lòng trung thành với Tổ quốc, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp nhân dân Việt Nam chiến thắng kẻ thù. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(6). Mỗi khi vận nước bị đe dọa, ngoại bang nhòm ngó và xâm lăng, cả nước đồng tâm, toàn dân tụ họp nêu cao quyết tâm bảo vệ nền độc lập. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, từ những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm cho đến những kiều bào ở nước ngoài, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Giá trị tinh thần truyền thống ấy đã được giữ gìn và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Từ cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam sống trong cảnh lầm than tủi nhục vì thực dân Pháp thống trị, lớp lớp sĩ phu và đồng bào yêu nước đã đứng lên chống quân xâm lược. Các phong trào cứu nước và các cuộc khởi nghĩa đều lần lượt thất bại và bị đàn áp khốc liệt là do gặp bế tắc về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Sứ mệnh lịch sử đặt ra cho dân tộc, cho mỗi người yêu nước lúc bấy giờ là tìm phương sách cứu nước, cứu dân; giải phóng dân tộc là nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam. Chứng kiến thất bại của các phong trào yêu nước và cảnh lầm than cực khổ của nhân dân, đã thôi thúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đường cứu dân, cứu nước khỏi cảnh nô lệ, áp bức. Người hiểu rõ và thấm thía nỗi đau của cả một dân tộc không chỉ là sự cảm thông, chia sẻ mà còn phải đấu tranh giành lấy độc lập. Ý chí độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho nhân dân là xuất phát điểm của Hồ Chí Minh, cùng hành trang là những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, và cả quyết tâm “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”, ngày 05/6/1911 Hồ Chí Minh đã xuống con tàu đô đốc La-tút-xơ Tơ-rê-vin tại cảng Sài Gòn, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

2. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong phong tục, tập quán và các lễ hội truyền thống của dân tộc

Việt Nam là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc anh em, các dân tộc gắn bó với nhau trên một lãnh thổ và cùng nhau giữ nước, cùng nhau chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc của mình. Trong Thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số tại Plâycu, Người nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”(7). Giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc sẽ phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc anh em gồm tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội... bổ sung cho nhau và làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đối với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh nhận định: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm”(8). Người không bao giờ phản đối, bài xích các tôn giáo mà luôn luôn tỏ thái độ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Người không hề có sự phân biệt đối xử giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, giữa người có đạo và người không có đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ đã là người Việt Nam dù là lương hay giáo đều có chung cội nguồn sâu xa cùng nòi giống “con Rồng cháu Lạc”, cùng chung vận mệnh dân tộc và gắn bó với nhau bởi truyền thống đoàn kết. Nhân các dịp lễ như lễ Nô-en của Công giáo hay ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo của Phật giáo, Người thường gửi thư chúc mừng các chức sắc tôn giáo cũng như các tín đồ. Điều đó làm cho họ rất phấn khởi vì Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc dù rất bận song vẫn quan tâm đến ngày vui của họ. Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh của họ mà trên cương vị Chủ tịch nước, Người đặc biệt quan tâm đến đời sống hằng ngày của người dân có tôn giáo. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên chăm lo đời sống mọi mặt của đồng bào, từ ăn, mặc, ở, đi lại, học hành đến khi ốm đau phải được chữa bệnh.

Phong tục tập quán của mỗi dân tộc không chỉ là thói quen, lối sống của một cộng đồng dân tộc mà còn là sự biểu hiện của triết lý vũ trụ, nhân sinh quan của dân tộc ấy. Phong tục tập quán vừa có cái chung, vừa có cái riêng, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc một cách đậm đà và sâu sắc. Ngay từ những năm còn ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc giữ gìn, tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người coi đó là “những vốn cũ quý báu của dân tộc” cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Chính vì thế mà cần phải: “Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc”(9). Tuy nhiên, Người cho rằng cần phải loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan như: lấy chồng hoặc lấy vợ quá sớm, cúng bái, ma chay theo các hủ tục lạc hậu...

Như vậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong phong tục truyền thống là để xây dựng cuộc sống dân tộc được tốt đẹp hơn và xóa bỏ những yếu tố lạc hậu góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên các địa phương. Mỗi dân tộc dù có khác nhau nhưng đều có điểm chung là cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn gia phong, thuần phong mỹ tục.

3. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật của dân tộc

Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giữ gìn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc như thơ ca cổ điển, dân ca, âm nhạc, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc. Người rất thích nghe hát ví phường vải bởi cái độc đáo của ví phường vải là sự kết hợp của dân gian hóa và bác học hóa, được đối đáp với nhau qua thể thơ lục bát - thể thơ truyền thống của dân tộc. Do đó, để hát được ví phường vải hay và xuất sắc phải biểu đạt được cảm xúc mượt mà, giàu sắc thái. Có lần, Người nghe nghệ sĩ Kim Lương hát bài “Gởi anh lính bờ Nam”, Người đã khen Kim Lương hát rất hay những màn biểu diễn mang đậm màu sắc dân ca của dân tộc. Người căn dặn: “Cháu phải biết hát nhiều dân ca của các miền, vì mỗi miền đều có dân ca hay, chẳng những người địa phương đó thích, mà người địa phương khác cũng thích”(10). Người chỉ bảo trước tiên mình ở địa phương nào thì phải biết hát được dân ca ở địa phương ấy, không những biết hát mà hát thật hay, biết nhiều bài hát dân ca các miền phải học hỏi, học thật tốt sao cho xứng đáng với phát huy văn hóa dân tộc. Người còn nói với các nghệ sĩ là âm nhạc dân tộc nước ta rất độc đáo, có nhiều câu hát dân ca rất hay bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên. Nói chuyện với nghệ sĩ sáo Đình Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”(11) Người nhấn mạnh với họa sĩ Thụy Điển Erích Giôhanxôn: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật”. Người trân trọng, yêu thích những câu hò xứ Nghệ, xứ Huế và các làn điệu dân ca Việt Nam. Vốn cổ truyền quí báu của dân tộc dù ở miền nào, địa phương nào đều được Người trân trọng và cảm thụ với niềm xúc động sâu sắc. Người tìm thấy ở di sản văn hóa tinh thần một ngọn nguồn, một nền tảng để xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc. Người căn dặn các nghệ sĩ phải giữ gìn và phát huy những cái hay cái đẹp, phải biết quý trọng vốn nghệ thuật dân tộc. Để kế thừa và phát triển vốn dân ca thì phải sáng tác, miêu tả con người, cuộc sống, chiến đấu của nhân dân, phát huy được sức mạnh dân tộc và thống nhất đất nước.

Đối với nghệ thuật tuồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khen mà còn chỉ dẫn những người làm nghệ thuật tuồng không được giậm chân tại chỗ, phải biết cải biên, sáng tạo, cách tân, cách nói và truyền tải được nội dung mới bổ sung được cho nhau để các thế hệ sau tiếp nối. Khi xem biểu diễn nghệ thuật Tuồng tại Hà Nội, Người phát biểu: “Nghệ thuật tuồng hay đấy! Nhưng phải phát triển, đừng giậm chân tại chỗ, chớ gieo vừng ra ngô”(12). Người căn dặn ngắn gọn và sâu sắc, không chỉ dành riêng cho nghệ thuật tuồng mà còn cả các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, mỗi nghệ thuật đều có cái hay và độc đáo riêng. Đây là sản phẩm của văn hóa dân tộc. Do đó việc giữ gìn, kế thừa và phát huy cần phải giữ lại được cái hay, cải tiến được hình thức và nội dung, có kế hoạch cụ thể và loại bỏ những cái chưa phù hợp mới phục vụ được nhu cầu của quần chúng nhân dân. Đến nay nghệ thuật tuồng, chèo đã có nhiều cố gắng thay đổi về hình thức, nội dung phong phú đã xây dựng được nhiều đề tài lịch sử và giữ được bản sắc của dân tộc.

Khi đón khách quốc tế tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mời các đoàn tuồng, chèo hay dân ca biểu diễn để phục vụ khách, đồng thời Người giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Trong dịp lễ tết hay đi thăm các đoàn văn công Người thường hay tặng kẹo cho các nghệ sĩ, hỏi thăm sức khỏe, động viên các anh chị em nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn tốt hơn để phục vụ nghệ thuật, phục vụ đất nước góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Đây là nguồn sức mạnh và động lực để xây dựng một xã hội mới góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của nhân loại.

Người cũng rất quan tâm đến các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, trước hết biểu hiện ở thái độ trân trọng, khẳng định được vai trò và sức sáng tạo, giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc trong lịch sử, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ. Người chỉ ra những sáng tác văn học có tác phẩm hay là phải diễn đạt cho mọi người hiểu và suy ngẫm về tác phẩm đó chứ không phải cứ viết tác phẩm văn học dài là mới hay. Người đánh giá cao các sáng tác của nhân dân, coi những sáng tác của nhân dân là những hòn ngọc quý. Ngoài ra, Người phê phán một số tác phẩm không đi sâu vào đời sống thực tiễn như cách viết thường ba hoa, dây cà, dây muống. Người yêu cầu các tác phẩm văn học phải bám sát đời sống con người, những lời ca tụng chân thật để làm gương và giáo dục cho con cháu ta đời sau.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu của Đảng và nhân dân trong việc nhận thức và giải quyết những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội”(13), “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội”(14). Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm sự bền vững và bảo vệ vững chắc của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:

1. Lữ Huy Nguyên, Bác Hồ với nghệ sĩ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.420.

2, 5, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.97, tr.98, tr.463.

3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.259, tr.255.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.38.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.249.

9. Bác Hồ với đồng bào các dân tộc, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2007, tr.109.

10. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 4, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.309.

11. Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, tr.229.

12. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 9, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2013, tr.260

13, 14. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.29, tr.129.

Theo KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×