Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản

23/02/2017 | 15:01

Ngoại giao văn hóa từ lâu được coi là “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm”, giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, là một trong những phương tiện góp phần bảo vệ an ninh, nâng cao hình ảnh, tăng cường ảnh hưởng chính trị của quốc gia đối với quốc tế.

Vậy thông qua ngoại giao văn hóa, thế giới có ấn tượng gì với Nhật Bản? Trong quá khứ Nhật Bản đã triển khai những hoạt động ngoại giao văn hóa như thế nào và đã để lại dấu ấn gì trong lòng cộng đồng quốc tế? Bài viết là những sưu tầm và tổng hợp về ngoại giao văn hóa Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới lần II.

1. Giai đoạn từ 1950 đến đầu những năm 1960

Sau Chiến tranh Thế giới lần II, là nước bại trận, Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái và khủng hoảng trầm trọng. Chính sách ngoại giao văn hóa Nhật Bản ở giai đoạn này là biến đổi hình ảnh một quốc gia quân sự thành một quốc gia yêu chuộng hoà bình và dân chủ. Bước đầu tiên thể hiện sự nỗ lực của Nhật Bản là việc nước Nhật tham gia tổ chức UNESCO vào năm 1951. Trong các hoạt động văn hóa ở nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh đến văn hóa truyền thống như trà đạo và Ikebana (nghệ thuật cắm hoa). Đa số các tờ rơi, tài liệu quảng cáo về Nhật Bản trong thời gian này thường in hình ảnh của hoa anh đào và núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng - đem lại một khoảng lặng bình yên, thanh thản cho người đối diện, để lại ấn tượng về một nước Nhật có thiên nhiên tươi đẹp, yêu chuộng hòa bình với cộng đồng quốc tế. Cũng trong giai đoạn này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản bắt đầu phát lịch Ikebana cho người dân và các tổ chức ở các nước. Hoạt động này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay. Trong thời gian này, các hoạt động văn hóa ở nước ngoài thường tránh những gì liên quan tới samurai và tinh thần samurai (là một bộ phận của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản), bởi nó có thể gợi đến hình ảnh một nước Nhật phát xít.

Ảnh minh họa. Nguồn: japan.net.vn

2. Giai đoạn từ cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970

Bắt đầu từ những năm 1960, đặc biệt là sau Thế vận hội Tokyo năm 1964, hoạt động ngoại giao văn hóa Nhật Bản đã chuyển từ việc nhấn mạnh hình ảnh của một Nhật Bản yêu chuộng hòa bình sang hình ảnh một đất nước có nền kinh tế tiên tiến. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Nhật Bản đang từng bước hồi phục và phát triển, nhưng việc xuất khẩu sản phẩm của Nhật Bản gặp phải rất nhiều khó khăn như cáo buộc Hàng hóa Nhật Bản làm rối loạn thị trường; Nhật Bản bán phá giá và sản phẩm của Nhật Bản là những sản phẩm “giá rẻ”…, đặc biệt là phản ứng của Mỹ và các nước châu Âu. Để chống lại những chỉ  trích này, chính sách ngoại giao văn hóa có nhiệm vụ quảng bá được hình ảnh một Nhật Bản mới mẻ có một nền kinh tế phát triển và có một nền công nghệ tiên tiến. Có thể nói, trong cuối những năm 1960 và 1970, Nhật Bản đã triển khai ngoại giao văn hóa tích cực hơn, có “phản ứng” hơn trong việc xua tan hình ảnh quốc gia quân sự trước chiến tranh và “phản ứng” đối với việc xóa đi hình ảnh "tiêu cực" của kinh tế Nhật Bản.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ giai đoạn này đã xuất hiện những nét mới trong ngoại giao văn hóa Nhật Bản, đó là mọi hoạt động ngoại giao của Nhật Bản đều như của một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Xu hướng này được phản ánh trong việc Nhật Bản tăng cường các hoạt động văn hóa ở nước ngoài. Nhật Bản đã rất nỗ lực để xây dựng các văn phòng và các trung tâm văn hóa của ở các nước. Ví dụ như: việc thành lập các trung tâm văn hóa và thông tin trực thuộc các đại sứ quán; Thành lập Hiệp hội tiếng Nhật cho người nước ngoài vào năm 1962 và ký kết một loạt các thỏa thuận trao đổi văn hóa với các nước (với Nam Tư năm 1969 và với Trung Quốc năm 1979). Thời kỳ này, Nhật Bản cũng đẩy mạnh việc giới thiệu Kabuki và Noh - Hai môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống ra cộng đồng thế giới. Vào năm 1972, Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế Nhật Bản được thành lập với nguồn vốn 20 tỷ yên (sau này tăng lên 50 tỷ yên), hoạt động chủ yếu của Quỹ là: (1) hỗ trợ cho giáo dục tiếng Nhật ở nước ngoài; (2) giao lưu văn hóa, bao gồm trao đổi giữa các nghệ sĩ và nhạc sĩ,  (3) khuyến khích nghiên cứu Nhật Bản ở nước ngoài. Việc thành lập Quỹ Giao Lưu Văn hóa Nhật Bản là một minh chứng cho việc tăng cường hoạt động ngoại giao văn hóa của Chính phủ Nhật Bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: japan.net.vn

Ánh hào quang của sự phát triển kinh tế cùng với sự nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản ở nước ngoài, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu nền kinh tế, đã dẫn đến việc ra đời của Quỹ Tanaka. Quỹ ra đời với mục đích hỗ trợ cho 10 trường đại học lớn ở Mỹ nghiên cứu Nhật Bản. Quỹ đã đóng góp 1 triệu USD cho mỗi trường đã giúp rất nhiều trong việc mở rộng nghiên cứu Nhật Bản ở Mỹ trong giai đoạn này.

Thời kỳ này đã dấy lên một phong trào chống Nhật ở các nước trong khu vực Châu Á. Thực chất là chống lại sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, chống lại sự phụ thuộc vào thương mại, đầu tư, và hỗ trợ phát triển của Nhật Bản. Các nước Châu Á đã “mỉa mai” Nhật Bản là một quốc gia "Faceless" hay "Banana", ngụ ý rằng người Nhật không hiểu châu Á bởi vì họ có màu vàng bên ngoài (người Châu Á), nhưng lại mang màu trắng bên trong (suy nghĩ kiểu phương Tây). Nhiều quốc gia cho rằng nói đến Nhật Bản là nói đến các sản phẩm điện tử Sony, Honda… mà không có ấn tượng gì về con người Nhật Bản….Những lời chỉ trích như vậy khiến Nhật Bản phải xem xét lại các hoạt động ngoại giao văn hóa ở Châu Á. Như, việc thành lập văn phòng của Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại hầu hết các nước Đông Nam Á là bằng chứng rõ ràng của chính sách mới. Đây cũng là tiền đề cho việc thành lập  Trung tâm Văn hóa ASEAN của Nhật Bản sau này vào năm 1990, một cơ sở có nhiệm vụ giới thiệu nền văn hóa của các nước ASEAN đến Nhật Bản để tăng cường sự hiểu biết và thể hiện sự quan tâm của Nhật Bản với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cũng trong thời gian này trường Ohira được thành lập ở Trung Quốc để thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản tại quốc gia này, chủ yếu là từ quan điểm chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển kinh tế và giúp Trung Quốc trong việc đưa ra những chính sách nhằm hiện đại hóa Trung Quốc.

Có thể nói, việc tích cực thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong giai đoạn này thể hiện sự mong muốn thay đổi nhận thức của Chính phủ Nhật Bản. Như Bộ trưởng Ngoại giao Takeo Fukuda, người đã có sáng kiến thành lập Quỹ Giao lưu Văn hóa đã phát biểu: "Nhật Bản nên tìm kiếm sự thịnh vượng riêng của mình trong sự thịnh vượng của thế giới, cả dân tộc phải có ý thức về mục tiêu này”. Nói cách khác, người dân Nhật Bản cần phải nhận thức sâu sắc về ngoại giao văn hóa và sự tham gia của Nhật Bản trong các hoạt động quốc tế.

3. Giai đoạn từ năm 1980 đến những năm đầu thập niên 1990

Giai đoạn cuối những năm 1980 đến đầu 1990 là giai đoạn nền kinh tế Nhật Bản ở đỉnh cao của sự phát triển, vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế cũng nhờ đó mà tăng lên. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đóng góp nhiều hơn trong vai trò là một đối tác chịu trách nhiệm với cộng đồng. Lần đầu tiên, chính sách ngoại giao văn hóa được nhìn nhận là một trong "ba trụ cột" của chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Nhật Bản đã là đất nước đứng đầu trong việc đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và các hoạt động tương tự; là quốc gia đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức và viện trợ kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: gag-japan.co.jp

Khái niệm về "hợp tác văn hóa" bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong ngoại giao văn hóa của Nhật Bản trong thời gian này. Hợp tác văn hóa bao trùm các hoạt động như giúp các quốc gia phát triển nghệ thuật biểu diễn sân khấu, cung cấp thiết bị văn hóa, như thiết bị ánh sáng, ghi âm,…trang trí nội thất cho trưng bày bảo tàng; hỗ trợ quản lý nghệ thuật... Trên tinh thần đó, Nhật Bản đã tạo ra một quỹ đặc biệt trong UNESCO trong đầu những năm 1990 với mục đích bảo tồn di sản văn hóa của các nước đang phát triển.  Ngoài ra, một trong những mục tiêu của ngoại giao văn hóa Nhật Bản vào cuối năm 1980 và đầu những năm 1990 còn có ý nghĩa là để xóa đi cảm giác “mối đe dọa Nhật Bản” trong các nước châu Âu và Mỹ trước sự xâm nhập của nền kinh tế Nhật Bản.

Mặt khác, ở Nhật Bản đã xuất hiện những ý kiến phản đối Mỹ. Điển hình như tác phẩm “Nhật Bản có thể nói không”, do Akira Morita và Shintaro Ishihara viết. Có thể nói “chủ nghĩa xét lại” của Mỹ đối với Nhật Bản ở giai đoạn này cũng đã gây ra một cảm giác của Ken-bei (ác cảm với Mỹ) và ý muốn chống lại Mỹ trong một số người thuộc giới trí thức Nhật Bản. Đây cũng có thể được hiểu là yếu điểm của ngoại giao Nhật Bản trong những năm 1990. Điều đó đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản cần có những hoạt động ngoại giao giúp người dân Nhật Bản chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của mình với công dân các nước khác và ngược lại; mở rộng mối liên hệ với cộng đồng quốc tế. Các cuộc gọi trên toàn nước Nhật mở cửa văn hóa và giao lưu trí tuệ với cộng đồng quốc tế. Điều này đã dẫn đến việc chính quyền địa phương thành lập các bộ phận trao đổi văn hóa quốc tế. Sự ra đời của Chương trình JET, đã tạo điều kiện cho hàng trăm giáo viên ngoại ngữ và điều phối viên bắt đầu được mời sang Nhật Bản mỗi năm, là một nỗ lực hơn nữa trong ngoại giao văn hóa của các địa phương ở Nhật Bản.

Bên cạnh đó, để giảm bớt những mối lo ngại của các nước Âu Mỹ về sức mạnh kinh tế của Nhật Bản, Chính phủ đã sử dụng ngoại giao công chúng để nhấn mạnh ước vọng sẵn sàng hình thành quan hệ đối tác trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia phát triển khác. Chiến dịch ngoại giao này dẫn đến việc thành lập Trung tâm Quan hệ đối tác toàn cầu (CGP) vào năm 1992, với mục đích nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa và trao đổi nghiên cứu với Hoa Kỳ. Với khoản hỗ trợ 50 tỷ yên, CGP dự định sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các chương trình, như "chương trình nghị sự toàn cầu"… Một số chương trình nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trên các mặt ở các chương trình nghị sự chung, chẳng hạn như dân chủ hóa tại các nước đang phát triển, các vấn đề môi trường và các bệnh truyền nhiễm…. CGP cũng tìm cách để thúc đẩy hoạt động trao đổi giữa công dân hai nước, chẳng hạn như là trao đổi giữa các tổ chức phi chính phủ...

Cũng ở khoảng thời gian này, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Mỹ đã đưa ra các Chương trình nghị sự chung về hợp tác toàn cầu, cho phép các chuyên gia Mỹ và Nhật Bản thực hiện dự án có ý nghĩa toàn cầu trong đó các lĩnh vực như dân chủ ở El Salvador và bảo tồn rặng san hô ở Thái Bình Dương…

Tóm lại: Những động thái cuối những năm 1980 và đầu 1990, một lần nữa, có thể phát hiện một đất nước Nhật Bản mong muốn thiết lập bản sắc mới trong cộng đồng quốc tế, chịu trách nhiệm, tôn trọng các nước, không ích kỷ, phấn đấu để thực hiện hòa bình, thịnh vượng và an ninh toàn cầu.

Thu Hiền lược dịch (Nguồn: Kazuoka Ogoura.I)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×