Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của Nhật Bản

22/06/2016 | 11:40

Văn hóa Nhật Bản với bản sắc riêng rất đậm nét được biểu hiện rất rõ qua ẩm thực, trang phục, nhà cửa truyền thống của dân tộc này.

Trong quá trình đó, yếu tố truyền thống của những lĩnh vực này luôn được lưu giữ, phát triển, song không phải bất biến bởi đó là qui luật khách quan. Điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội, giao lưu văn hóa, phát triển khoa học kỹ thuật và nhận thức của con người đã dẫn đến những biến đổi theo dòng lịch sử. Bởi vậy, việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa của văn hóa thế giới từ lâu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chính văn hóa của Nhật Bản.

Về ẩm thực



Ảnh minh họa: vietnhatclub.com

Hiện nay, ở Nhật Bản, để bảo tồn và phát huy các đặc trưng văn hóa ẩm thực truyền thống không chỉ bằng ý thức của mỗi cá nhân, sự kế tục qua các thế hệ gia đình mà còn phải nhờ vào các chính sách do chính phủ thực thi. Trên cơ sở đó, chính quyền ở các địa phương có những biện pháp, kế hoạch cụ thể phù hợp với bối cảnh từng vùng nhằm đạt được kết quả như mong muốn. Những món ăn truyền thống mang đậm đặc trưng của mỗi vùng miền được trân trọng gìn giữ thông qua việc thúc đẩy quảng cáo và bán sản phẩm. Trong những dịp lễ hội, các sản phẩm, đồ ăn truyền thống được khuyến khích đưa ra để mọi người có thể trực tiếp cảm nhận và thưởng thức, bởi đây cũng là cơ hội tốt nhằm quảng bá cho việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến ẩm thực truyền thống có tính chất đặc hữu của mỗi vùng miền. Sự kết hợp giữa du lịch và quảng bá giới thiệu các sản phẩm liên quan đến ẩm thực truyền thống rất được chú trọng ở các địa phương. Những chuyến du lịch sinh thái kết hợp với thực tế tại vùng sản xuất, nhà nghệ nhân, trung tâm nghiên cứu ngày càng mở rộng, đạt hiệu quả cao. Dựa vào chính sách của Nhà nước Nhật Bản đã ban hành, đó là khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống, ở các địa phương có hẳn một “chiến lược” lâu dài nhằm bảo tồn nghề sản xuất nguyên liệu, thực phẩm phục vụ cho ẩm thực truyền thống. Bên cạnh đó, thường xuyên mở triển lãm giới thiệu sản phẩm, làm phim truyền hình và băng video tư liệu về các kỹ thuật chế biến truyền thống, tổ chức các khóa tham quan học tập tại viện bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, làng nghề cho học sinh các cấp. Cùng với đó là thúc đẩy quảng cáo và bán sản phẩm, sử dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương để phát triển nghề truyền thống của khu vực. Một chính sách quan trọng của Nhà nước được ban hành và áp dụng ở các địa phương, đó là đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển mẫu mã mới cho sản phẩm truyền thống tại mỗi khu vực có nghề. Các trung tâm này có nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm những sản phẩm mới theo quy trình công nghệ truyền thống, có sự kết hợp giữa tính văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện nay. Ngoài ra, các tổ chức, hội của những người yêu mến ẩm thực truyền thống cũng góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ, phát triển giá trị văn hóa như thành lập bảo tàng, thư viện tư nhân, nhà văn hóa, gắn với tuyên truyền, tổ chức tham quan, khảo sát thực địa, nghi lễ Trà đạo, triển lãm trưng bày... Những hoạt động này được sự quan tâm rộng rãi của người dân, đã đóng vai trò to lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Về trang phục

Hiện nay, ở nhiều địa phương đang thực hiện các chính sách bảo tồn đối với nghề dệt, nghề nhuộm truyền thống như Chính phủ Nhật Bản đã đề ra. Các sản phẩm của nghề này được xếp vào loại di sản văn hóa vật chất, việc quản lý, tu sửa do chủ sở hữu hoặc đoàn thể quản lý tiến hành nhưng sẽ được Nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính. Các kỹ thuật, bí quyết nghề được xếp hạng là di sản văn hóa tinh thần và những người có tay nghề tái tạo những sản phẩm đó được công nhận là người làm công tác bảo tồn (trang trọng hơn gọi là nghệ nhân quốc bảo) hoặc đoàn thể làm công tác bảo tồn. Với những cá nhân hoặc đoàn thể này sẽ được Nhà nước trợ cấp tiền để họ trau dồi, nâng cao kỹ năng, tay nghề và bồi dưỡng thế hệ kế nghiệp nhằm phát huy bản sắc truyền thống, những di sản mang tính lịch sử của quê hương. Ngoài ra, dựa trên sự thẩm định của Hội đồng chuyên môn, Ủy ban bảo tồn di sản văn hóa sẽ chỉ định và lựa chọn những di sản văn hóa tinh thần cần được hỗ trợ để bảo tồn theo qui định nội dung cụ thể của công tác bảo tồn là: hỗ trợ kinh phí; điều tra, chỉnh đốn và lưu giữ các tư liệu; hỗ trợ về nguyên vật liệu; hỗ trợ cho công bố; miễn giảm thuế kinh doanh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch về các công việc phải thực hiện hàng năm.


Ảnh minh họa: lethinh.net

Thực hiện theo Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống ban hành năm 1974, ở nhiều nơi đã và đang tiến tới mục tiêu khôi phục và phát triển nghề dệt, nhuộm vải truyền thống vốn đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần bởi các vấn đề của xã hội công nghiệp hiện đại. Các chính sách, biện pháp đưa ra còn bảo đảm cho mọi người cơ hội được đào tạo, dạy nghề hoặc thi lấy bằng, chứng chỉ về khả năng, nhằm phát triển tay nghề của người thợ cũng như đảm bảo vị trí, nâng cao vị thế của họ. Khi có yêu cầu tài trợ để thực hiện dự án, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm một nửa, nửa còn lại do địa phương đảm nhiệm. Theo qui định, chính quyền địa phương (thị trưởng) cần bảo lãnh cho sản phẩm ở giai đoạn xét duyệt. Căn cứ vào kế hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ, các chương trình trợ giúp cụ thể sẽ được áp dụng bằng nhiều biện pháp như: hỗ trợ kinh phí, bảo đảm vốn và chính sách thuế... đối với quá trình đào tạo thế hệ kế nghiệp và khai thác nhu cầu, đặc biệt là đối với những công việc như: ghi chép, thu thập tài liệu, lưu giữ sản phẩm... về các kỹ thuật có tính thủ công truyền thống. Thực hiện nghiên cứu, điều tra cần thiết để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất; công tác “công khai kỹ thuật thủ công”, khai thác nhu cầu như: mở triển lãm, trưng bày, tham gia hội chợ, xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế mẫu mã... và công việc phát triển những ý tưởng mới. Song song với đó là việc trợ giúp cho hoạt động của các cơ sở có liên quan đến nghề dệt, nhuộm như các hội, trung tâm giao lưu đào tạo nguồn nhân lực. Đây là những địa điểm liên lạc mật thiết giữa các nghệ nhân và những người làm công tác nghiên cứu, một mặt hỗ trợ cho việc trau dồi kỹ thuật, mặt khác là nơi truyền dạy nghề, hoạch định kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển nghề thủ công truyền thống, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội. Khi nhu cầu tiêu dùng hàng dệt, nhuộm truyền thống còn ở mức thấp thì việc tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm ở địa phương hoặc ở những khu vực tiêu thụ lớn là hết sức cần thiết. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng cũng được nghiên cứu kỹ thông qua việc tiếp thụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Thuận lợi nữa là chính quyền địa phương luôn dành chi số kinh phí lớn cho các dự án khai thác nhu cầu lấy từ nguồn tài trợ hàng năm của Nhà nước.

Việc công khai hóa các kỹ thuật bí quyết trong nghề dệt, nhuộm trang phục truyền thống ở Nhật đang được xúc tiến một cách tích cực trong bối cảnh hiện nay. Ở nhiều nơi, việc công khai được thực hiện chủ yếu qua hình thức trưng bày, triển lãm sản phẩm truyền thống, kinh phí từ nguồn vốn tài trợ của Nhà nước và địa phương. Phạm vi hẹp hơn là các nhà trưng bày của tư nhân, nghệ nhân, hội yêu thích nghề dệt, nhuộm trang phục truyền thống. Công khai hóa là phương thức bảo tồn quan trọng ở chỗ nó gắn liền với việc trau dồi và nâng cao kỹ năng, “kỹ thuật” của những nghệ nhân với công việc đào tạo thế hệ kế nghiệp. Những hoạt động này kết hợp với ngành du lịch đã mang lại kết quả khả quan và đóng một vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt, nhuộm truyền thống ở nhiều địa phương. Tại các trung tâm, nhà trưng bày, Hiệp hội yêu thích nghề truyền thống thường tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, giao lưu giữa người sản xuất và người tiêu dùng để trao đổi thông tin và thực hiện quản lý một cách có hiệu quả hơn. Mặt khác, những người thợ dệt, nhuộm, cắt may trang phục truyền thống được mời đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để giới thiệu, thuyết trình về kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, tạo cho học sinh cơ hội làm quen với các phương pháp, công nghệ, vật liệu và sản phẩm truyền thống ngay từ nhỏ, qua đó có sự hiểu biết nhất định về ý nghĩa của hoạt động sản xuất này. Các viện bảo tàng còn tổ chức các buổi nói chuyện về nghề dệt, nhuộm, trang phục truyền thống cho đối tượng là học sinh và phụ huynh, đưa học sinh đi tham quan bảo tàng, nơi sản xuất, nhà của nghệ nhân v.v... điều đó, sớm nuôi dưỡng ở trẻ em lòng yêu mến đối với các sản phẩm thủ công truyền thống, say mê với nghề của cha ông để lại.

Về Kiến trúc

Ở Nhật Bản, những công trình, quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử- văn hóa đều được bảo hộ theo Luật bảo tồn đền chùa cổ, song đối tượng đã mở rộng hơn bao gồm làng mạc lịch sử, kiến trúc nhà bình dân. Việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên làm công tác tu sửa, tôn tạo được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, đề cao các kỹ thuật tu sửa, tôn tạo di sản văn hóa vật chất và kỹ thuật sửa chữa thành qui chế gọi là: kỹ thuật bảo tồn di sản văn hóa. Địa phương cũng áp dụng linh hoạt các chính sách để đề ra chế độ thẩm định kỹ thuật bảo tồn và công nhận các cá nhân, đoàn thể làm công tác kỹ thuật bảo tồn. Những công trình kiến trúc công cộng, nhà cửa gắn với phong tục, tập quán, hoạt động, lễ hội hàng năm của người dân thuộc những tài sản văn hóa dân gian vật chất quan trọng, cũng được xác lập cụ thể, tạo cơ sở thuận lợi cho công việc bảo tồn. Những tài sản này được Cục Văn hóa và chính quyền địa phương tài trợ cho việc tu sửa, phòng cháy, hoạt động thể nghiệm, trong đó việc tu sửa được tiến hành theo định kỳ. Đối với những ngôi nhà cổ mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống thì việc quản lý, tu sửa do chủ sở hữu hoặc đoàn thể quản lý tiến hành, song Nhà nước sẽ hỗ trợ về mặt tài chính. Công việc phục chế, tu sửa, bảo dưỡng các công trình kiến trúc công cộng và tư nhân có giá trị lịch sử - văn hóa đều phải tuân thủ các qui định nghiêm ngặt, dưới sự chỉ đạo, thẩm định của hội đồng chuyên môn kết hợp giữa Nhà nước và địa phương. Qua đó, không chỉ bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa mà còn giữ được đặc trưng vốn có của các công trình kiến trúc ở mỗi vùng miền.


Ảnh minh họa: Quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Horyuji - DSVHTG của Nhật Bản
(nguồn: ANTĐ
)

Song hành với công việc bảo tồn các công trình kiến trúc, người Nhật Bản còn biết phát huy những đặc trưng văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Hàng năm, những địa điểm này thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đưa lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Hơn nữa, ngân sách dùng để bảo tồn các công trình kiến trúc ấy cũng  dựa nhiều vào những nguồn thu không hề nhỏ này. Ngoài những công trình kiến trúc có sẵn thì việc xây dựng nhà ở, nhà nghỉ, khách sạn v.v... ở những khu vực này đều phải tuân theo qui định nghiêm ngặt của chính quyền địa phương để không phá vỡ môi trường, cảnh quan lịch sử - văn hóa khu vực đã qui định. Nhìn chung, người ta khuyến khích việc xây dựng các công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống thay vì nhà cao tầng hiện đại.

Nguồn: Cjs, .japaneseculturecenter


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×