Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải thể hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
15/03/2021 | 15:06Đó là tinh thần chỉ đạo của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 sáng ngày 15/3 tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã báo cáo tiến độ xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Theo đó, Dự thảo Chiến lược gồm 5 phần: Phần Mở đầu gồm Sự cần thiết xây dựng Chiến lược; Căn cứ xây dựng chiến lược; Phạm vi, đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phần Thứ nhất nêu Thực trạng và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Kết quả thực hiện các mục tiêu; Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và định hướng của Chiến lược; Đánh giá việc thực hiện các chương trình đề án, dự án.
Phần Thứ hai gồm Bối cảnh, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phần Thứ ba của Chiến lược nêu quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phần Thứ tư là Tổ chức thực hiện Chiến lược.
Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho biết, mục tiêu chung của Chiến lược là Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Chiến lược phát triển văn hóa là một vấn đề lớn, việc xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là Chương trình hành động của Bộ VHTTDL nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bởi vậy, Thứ trưởng cho rằng, đối với sự cần thiết của Chiến lược, cần nêu rõ, Chiến lược là cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 dưới góc độ văn hóa. Bên cạnh đó, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2010-2020, có những thành tựu song cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải khắc phục những hạn chế, khuyết điểm này. Ngoài ra, căn cứ trên nhiệm vụ, yêu cầu mới của đất nước, Chiến lược phải nêu được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trong đó văn hóa là sức mạnh nội sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, mục tiêu của Chiến lược là phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ giá trị về văn hóa và Bộ tiêu chí đánh giá văn hóa.
Thứ trưởng yêu cầu, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia xin ý kiến từ các cơ quan, Bộ ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài Chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam… về Dự thảo Chiến lược trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã quyết định xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ tổ chức Diễn đàn văn hóa Việt Nam lần thứ nhất năm 2021, sau đó định kỳ tổ chức hàng năm.
Thứ trưởng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng để phát triển văn hoá. Dưới hình thức diễn đàn, hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 với 200 nhà hoạt động văn hóa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, lần thứ hai năm 1948 với hàng trăm đại biểu là các văn nghệ sĩ do Tổng bí thư Trường Chinh chủ trì, hay Hội nghị văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1948) với hơn 80 văn nghệ sĩ tiêu biểu do các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì. Qua các hội nghị này, những tư tưởng quan trọng nhất về văn hóa như Văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.
Gần đây, việc ban hành đồng bộ từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) ngày 08 tháng 6 năm 2014; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các bộ, ngành và địa phương,… đã đặt ra những cách tiếp cận, quan điểm và vấn đề mới đối với sự phát triển văn hóa.
Cùng với đó, việc xây dựng một chính phủ hành động và kiến tạo đòi hỏi một tư duy mới về quản lý văn hóa. Theo đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội; xây dựng thị trường văn hóa đi đôi với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh để văn hóa thực sự là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội… là những tư tưởng mới cần được thảo luận rộng rãi để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho định hướng cụ thể phát triển văn hóa trong những năm sắp tới.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Chính vì thế, việc tổ chức các diễn đàn văn hóa quốc gia nhằm huy động trí tuệ tập thể hiến kế phát triển văn hóa là hết sức cần thiết. Sau diễn đàn, các ý kiến tâm huyết sẽ được tổng hợp, là cơ sở để lãnh đạo Chính phủ, Bộ VHTTDL chỉ đạo các vấn đề văn hóa nghệ thuật của đất nước./.