Chiến lược phát triển văn hóa của Australia khơi dậy phong trào kinh tế sáng tạo
27/11/2022 | 08:53Vào tháng 10 năm 1994, Thủ tướng Australia Paul Keating (1991-1996) đã công bố một chính sách liên bang có tên 'Quốc gia sáng tạo: Chính sách văn hóa của khối thịnh vượng chung'.
Đây là lần đầu tiên chính phủ liên bang Australia chính thức phát triển một chính sách văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với bản sắc dân tộc. Tài liệu này cũng định nghĩa văn hóa rộng hơn những quan niệm trước đây, bằng cách bổ sung phim ảnh, đài phát thanh, thư viện và nhiều sản phẩm văn hóa khác. Tài liệu này cũng nhấn mạnh tiềm năng kinh tế của hoạt động văn hóa và nghệ thuật, bằng cách nêu rõ rằng:
"Chính sách văn hóa này đồng thời cũng là một chính sách kinh tế. Văn hóa tạo ra sự giàu có. Nói rộng ra, các ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta tạo ra 13 tỷ AUD mỗi năm. Khoảng 336.000 người Australia làm việc trong các ngành liên quan đến văn hóa. Văn hóa làm tăng thêm giá trị. Nó đóng góp thiết yếu cho sự đổi mới, quảng bá và định vị hình ảnh… Mức độ sáng tạo của chúng ta về cơ bản quyết định khả năng thích ứng với các yêu cầu kinh tế mới. Bản thân văn hóa là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị và là yếu tố đồng hành cần thiết cho việc xuất khẩu các mặt hàng khác. Văn hóa thu hút khách du lịch và cả sinh viên. Văn hóa là điều cần thiết cho sự thành công về kinh tế của chúng ta."
Sự phát triển chính sách văn hóa tại Australia
Sau 20 năm chính sách "Quốc gia sáng tạo" được đưa ra, vào tháng 10 năm 2014, chuyên gia Rebecca Hawkings thuộc Khoa Lịch sử Hiện đại tại Đại học Macquarie đã viết một bài báo đánh giá tác động sâu sắc của chính sách này đối với Australia. Theo đánh giá của bà, chiến lược này đã thay đổi Australia và con người Australia: "Đây là một dự án đầy tham vọng và có quy mô của chính phủ Lao động dưới thời Paul Keating và ngay từ đầu đã có nhiều tác động đáng kể. Ông Paul Keating đã cam kết chi 252 triệu AUD trong hơn bốn năm đối với các ngành nghệ thuật và văn hóa ở Australia. Chính sách này đã thay đổi cách người Australia nhìn nhận về bản thân và vị trí của họ trên thế giới. Tài liệu này mở rộng khái niệm "văn hóa", vượt ra ngoài giới hạn của giới tinh hoa nghệ thuật cao. Đáng chú ý nhất, văn kiện này đã điều chỉnh lại các ngành công nghiệp văn hóa về mặt kinh tế".
Đáng chú ý nhất, chiến lược "Quốc gia sáng tạo" này là một chính sách kinh tế, khẳng định giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa. 13 tỷ AUD được tạo ra từ lĩnh vực nghệ thuật và 336.000 việc làm được tạo ra bởi các ngành công nghiệp văn hóa. Việc tăng chi tiêu cho nghệ thuật sẽ mang lại giá trị và lợi nhuận. Do vậy, ngành công nghiệp văn hóa được trình bày trong chiến lược này như một dự án thương mại, tập trung vào các ý tưởng về phân tích chi phí, lợi ích và kết quả tài chính ...
Với những lợi ích ngành văn hóa mang lại, chiến lược này cho thấy ngành văn hóa có thể - và nên - được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, và vai trò của chính phủ là bảo vệ và quảng bá tác phẩm của các nghệ sĩ Australia trên thị trường kinh tế ....
Là tài liệu chính sách văn hóa đầu tiên, chính sách "Quốc gia sáng tạo" đã thay đổi vĩnh viễn cách người Australia nhìn nhận về chính họ. Văn hóa giờ đây là một mối quan tâm kinh tế, nghệ thuật dành cho tất cả người dân Australia, vượt qua thời kỳ lịch sử từng là thuộc địa của Anh".
Hình mẫu cho các quốc gia khác
Tầm nhìn chính sách của Keating thông qua chiến lược "Quốc gia Sáng tạo" kể từ đó đã trở thành khuôn mẫu cho nhiều quốc gia khác trong việc lập bản đồ và phát triển nền kinh tế sáng tạo của riêng họ.
Năm 1997, lấy cảm hứng chủ yếu từ chiến lược táo bạo của Australia, chính phủ của Thủ tướng Tony Blair đã thành lập Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) ở Vương quốc Anh. Thuật ngữ "các ngành công nghiệp sáng tạo" cũng xuất hiện rộng rãi hơn khi các nhà hoạch định chính sách của Vương quốc Anh thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Các ngành Công nghiệp Sáng tạo, đồng thời xuất bản các tài liệu lập bản đồ các ngành công nghiệp sáng tạo vào năm 1998 và 2001.
Trên cơ sở những phát hiện ban đầu, chính phủ Vương quốc Anh tuyên bố rằng các ngành công nghiệp sáng tạo đang mang lại 8% thu nhập quốc dân và sử dụng 5% lực lượng lao động. Kể từ năm 1997, ngành này đã tăng trưởng tới 20% một năm.
Vào tháng 3 năm 2000, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ thuộc Liên minh châu (EU) họp tại Lisbon đã nhất trí về mục tiêu đầy tham vọng là đưa EU "vào năm 2010 trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức năng động và cạnh tranh nhất trên thế giới." Họ kêu gọi nghiên cứu và xây dựng chiến lược về một châu Âu sáng tạo.
Nghiên cứu này sau đó được đưa vào báo cáo mang tên "Nền kinh tế văn hóa ở châu Âu" được xuất bản vào tháng 10 năm 2006.
Ở nhiều nơi khác, các quốc gia khác cũng theo đuổi và mong muốn bắt đầu phát triển nền kinh tế sáng tạo của riêng họ. Ở các nước đang phát triển, một số nước đã đi đầu trong việc nghiên cứu nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (Unctad) đã đóng vai trò chủ đạo trong việc nghiên cứu nền kinh tế sáng tạo và đánh giá những lợi ích của nó đối với các nước đang phát triển.
Hiện tại, các nước phát triển và đang phát triển đều đang xây dựng chiến lược và chính sách kinh tế dựa trên sự sáng tạo và doanh nghiệp sáng tạo – coi đây là một chiến lược để tăng trưởng kinh tế và gia tăng lợi thế cạnh tranh.