Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai: Một tầm nhìn, đa giá trị
17/08/2022 | 08:41Việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ cấp bách để góp phần đưa du lịch Lào Cai phát triển nhanh hơn nữa. Thông qua xây dựng Chiến lược giúp cho tỉnh nhìn nhận thấu đáo, rõ định hướng, dự báo chính xác xu hướng phát triển du lịch của Lào Cai trong giai đoạn tới.
Tài nguyên phong phú cho phát triển du lịch
Nằm ở vị trí trung tâm của vòng cung Tây Bắc, có cảnh quan tự nhiên đa dạng, văn hóa tộc người đặc sắc, phong phú, Lào Cai hội tụ những điều kiện thuận lợi cả về tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên để thúc đẩy du lịch phát triển.
Đối với tài nguyên tự nhiên, Lào Cai có Khu du lịch quốc gia Sa Pa nổi tiếng trong và ngoài nước. Đây là 1 trong 21 trọng điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m - 1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,...
Đỉnh Fansipan được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” với độ cao 3.143m, với Vườn Quốc gia Hoàng Liên – Vườn Di sản ASEAN hấp dẫn nhiều nhà khoa học trong và người nước, cũng như khách du lịch.
Địa hình đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, hoang sơ đặc trưng như ruộng bậc thang đặc trưng tại Mường Hoa, Nậm Cang, Trung Chải (Sa Pa), Y Tý, Sàng Ma Sáo, Mường Hum (Bát Xát)... Cùng với đó, hệ thống hang động, sông, suối, thác nước trải dài là nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch.
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu cũng là một điểm du lịch thú vị mà điểm dừng chân không thể là nơi nào khác ngoài thành phố Lào Cai. Đặc biệt, là tỉnh miền núi cao, đang phát triển, nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Đối với tài nguyên nhân văn, với 25 nhóm dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai phong phú về bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử, di sản văn hoá... Theo kết quả điều tra, hiện dân tộc Thái còn lưu trữ hơn 100 bộ sách bằng chữ Pali ra đời từ thế kỷ XIII; dân tộc Tày, Dao, Giáy có hàng nghìn bản sách cổ bằng chữ Nôm. Đặc biệt tại Sa Pa có bãi đá cổ được chạm khắc hoa văn thể hiện các hình tượng, bản đồ, chữ ký, ký hiệu,... Hơn nữa, những biến động trong lịch sử đã để lại cho Lào Cai nhiều di tích nổi tiếng như đền Bảo Hà, đền Thượng, kiến trúc dinh thự cổ Hoàng A Tưởng,... Không chỉ nhiều di sản vật thể và phi vật thể được phát hiện, bảo tồn mà kho tàng văn học dân gian đồ sộ đến nay vẫn chưa được khám phá hết. Đó là, 53 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia; trên 40 lễ hội truyền thống; nhiều bản làng vùng cao còn được lưu giữ những nét truyền thống có một không hai như Tả Phìn, Tả Van (Sa Pa), Na Lo, Bản Phố (Bắc Hà), Choản Thèn (Bát Xát). Và đó còn là “kho tàng” nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú, gồm tri thức bản địa, kiến trúc truyền thống, thổ cẩm và ẩm thực.
Nguồn tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn đã mang đến cho du lịch Lào Cai nhiều lợi thế so sánh, đó là tính đa dạng của tài nguyên; tính đặc trưng, nổi bật của tài nguyên du lịch vùng núi Tây Bắc và tính duy nhất hoặc đặc sắc/nổi trội (Đỉnh Fansipan – “Nóc nhà Đông Dương”; hệ sinh thái núi cao, Vườn quốc gia Hoàng Liên -Vườn Di sản ASEAN).
Với nguồn tài nguyên như trên, Lào Cai đã tập trung khai thác và xây dựng thành các sản phẩm du lịch: Tham quan, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa; nghỉ dưỡng; cộng đồng (400 homestay, đứng đầu cả nước); sinh thái; tâm linh; thể thao mạo hiểm (leo núi, đua ngựa, đua xe..); mua sắm; hoa và MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Lào Cai đã thành công trong việc thu hút khách quốc tế từ các thị trường Tây Âu (Pháp, Đức, Hà Lan,…), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN (Thái Lan, Singapore. Malaysia) và khách nội địa từ các địa phương trong cả nước, đặc biệt từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Hồng đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chinh phục đỉnh cao. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng du lịch giai đoạn 2000-2019 đạt 18,3% (giai đoạn 2010 - 2019 là 22%). Năm 2019, Lào Cai đón trên 5,1 triệu lượt khách (806.000 lượt khách quốc tế), thu nhập từ du lịch đạt 19.203 tỷ đồng.
Đến năm 2020, Lào Cai đã thu hút được trên 40 dự án đầu tư lớn vào du lịch, với tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, tiêu biểu là các dự án: Cáp treo Fansipan (4.400 tỷ đồng), Công viên văn hóa Mường Hoa (4.700 tỷ đồng), khu Công viên vui chơi giải trí Bản Qua (trên 1.000 tỷ đồng)…
Tầm nhìn và giá trị cốt lõi của du lịch Lào Cai
Thành công của du lịch Lào Cai đã rõ, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, Đó là, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng và lợi thế; thiếu sản phẩm du lịch đặc thù; chất lượng dịch vụ chưa cao; năng lực tổ chức quản lý chưa khoa học... Do vậy, việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai là vô cùng cần thiết, qua đó tỉnh nhìn nhận thấu đáo, rõ định hướng, dự báo chính xác xu hướng phát triển du lịch của Lào Cai trong giai đoạn tới.
Theo đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đảm bảo các yêu tố: Phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai; phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dựa vào nội lực và tranh thủ hỗ trợ từ bên ngoài, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng tăng trưởng, du lịch chất lượng cao với trọng tâm sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tính cạnh tranh điểm đến; phát triển du lịch bền vững và bao trùm; phát triển du lịch không tách rời đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển du lịch là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Tầm nhìn của du lịch Lào Cai được xác định: “Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”. Từ tầm nhìn đó, Lào Cai cũng xác định những giá trị cốt lõi trong phát triển du lịch. Đó là, điểm đến hàng đầu: Trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi hàng đầu (trong tâm trí du khách) khi du khách có kế hoạch lựa chọn một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á để đi du lịch.
Điểm đến du lịch xanh và thông minh: Phát triển du lịch trên nguyên tắc du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ tương tác qua các ứng dụng thông minh lấy con người là trung tâm.
Trải nghiệm đích thực về thiên nhiên, văn hóa và con người: Dựa trên những dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong một môi trường thiên nhiên trong lành, an ninh và an toàn được đảm bảo tuyệt đối để mang đến cho du khách cảm giác được tự do, được sống hòa mình trong thiên nhiên, văn hóa cộng đồng địa phương để khám phá và tận hưởng những giá trị đích thực trong một chuyến đi.
Phát triển bền vững và công bằng xã hội: Phát triển du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc; phát huy tối đa sự tham gia và đảm bảo hưởng lợi công bằng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong các hoạt động phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai.
Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống; Lào Cai thực sự trở thành Trung tâm du lịch quốc gia ở vùng núi phía Bắc, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.
Để đạt được tầm nhìn và các giá trị cốt lõi, định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch Lào Cai gồm 3 vùng. Vùng Tây Bắc gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát, trong đó trung tâm là thành phố Lào Cai, với các sản phẩm đặc trưng như nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, cộng đồng, sinh thái và thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch MICE, mua sắm, tâm linh, nông nghiệp và du lịch hoa.
Năm 2025: Lào Cai đón 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 44.760 tỷ đồng, đóng góp 30.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh; có tổng số 20.000 buồng lưu trú với 5% - 10% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 44.000 việc làm, trong đó có 22.000 lao động trực tiếp.
Năm 2030: Lào Cai đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 10,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 68.640 tỷ đồng, đóng góp 45.000 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh; có tổng số 30.000 buồng lưu trú với 15% - 20% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 80.000 việc làm, trong đó có 36.000 lao động trực tiếp.
Năm 2050: Lào Cai đón 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 14,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 141.600 tỷ đồng, đóng góp 87.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh.
Vùng Đông Bắc gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai, trong đó trung tâm là thị trấn Bắc Hà, với các sản phẩm đặc trưng như văn hóa cộng đồng với trọng tâm là chợ phiên, du lịch thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch cộng đồng, trải nghiệm cảnh quan và du lịch nông nghiệp, du lịch hoa.
Vùng phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và Bảo Thắng, trong đó trung tâm là xã Bảo Hà, với các sản phẩm đặc trưng là du lịch tâm linh; sản phẩm chính gồm du lịch trải nghiệm cảnh quan và du lịch thể thao.
Trên cơ sở xác định không gian phát triển, 5 định hướng phát triển du lịch được xác lập. Đó là, định hướng phát triển sản phẩm - thị trường: Ưu tiên các sản phẩm đặc thù (Lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp; thể thao mạo hiểm; văn hóa – cộng đồng; sinh thái; nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, MICE, mua sắm gắn với kinh tế cửa khẩu, du lịch hoa). Tập trung khai thác thị trường nội địa và thu hút thị trường Đông Bắc Á, ASEAN.
Định hướng phát triển thương hiệu và xúc tiến quảng bá: Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên lợi thế so sánh với trọng tâm là địa hình, thiên nhiên hoang sơ và văn hóa giàu bản sắc.
Định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch: Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 15.500 lao động, trong đó có trên 11.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn và chuyên môn sâu về du lịch với 40% đạt tiêu chuẩn nghề ASEAN.
Định hướng đầu tư: Ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch; phấn đấu đến năm 2025, về cơ bản hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai được nâng cấp hoàn thiện. Tăng cường thu hút đầu tư để đảm bảo Khu du lịch Quốc gia Sa Pa và đô thị du lịch Y Tý có thể cơ bản đi vào hoạt động sau năm 2030.
Định hướng lồng ghép giới trong phát triển du lịch: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong hoạt động phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.