Chiang Mai - "bông hồng phương Bắc" của Thái Lan bị phát triển quá mức và ô nhiễm
25/06/2019 | 14:49Chiang Mai - thành phố 700 năm tuổi thu hút du khách bởi những tu viện Phật giáo linh thiêng, những ngôi nhà gỗ xinh đẹp, sự tinh tế của người dân địa phương và không gian yên tĩnh phù hợp cho một chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng giờ đây Chiang Mai đang bị phát triển quá mức và ô nhiễm không khí ở mức báo động.
Tượng đài Ba Vua. Đó là một bức tượng đồng lớn của vua Mengrai (người sáng lập Chiang Mai) và hai người bạn – Vua Ramkamhaeng của Sukhothai và Vua Ngam Muang của Payao. Ba người họ đã làm việc cùng nhau để thiết kế và xây dựng Chiang Mai. Ảnh: Denis D. Gray
Chỉ tính riêng năm 2018, Chiang Mai đón hơn 10.000 khách du lịch nước ngoài, trong đó có 60.000 người về hưu từ nhiều quốc gia khác nhau.
Tại Chiang Mai, vào giờ cao điểm, khách du lịch và người dân địa phương phải chịu cảnh giao thông ùn tắc. Trong khu vực đô thị đang phát triển, có tới 12 triệu người nhưng không hề có phương tiện giao thông công cộng. Lượng xe thuộc sở hữu tư nhân chiếm hơn 90%. Một nghiên cứu của Đại học Chiang Mai dự báo, đến năm 2026, lượng xe đó sẽ cao gấp đôi một thập kỷ trước, khoảng 2,6 triệu xe.
Khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông trong thành phố, sự phát triển phá vỡ những nét cổ kính của Chiang Mai, lai tạp không được kiểm soát giữa kiến trúc cũ và nét hiện đại được người dân địa phương tu sửa đã khiến du khách ''ngán ngẩm''.
Thị trưởng Chiang Mai Tassanai Buranupakorn cho rằng, chính quyền địa phương đã không giải quyết được vấn đề giao thông một cách kịp thời. Bên cạnh đó, họ cũng để mặc thành phố 700 năm tuổi phát triển một cách không kiểm soát.
"Trong quá khứ, Chiang Mai không quan tâm nhiều đến việc bảo tồn di tích lịch sử. Vì vậy, người dân mặc sức xây dựng, những ngôi nhà gỗ xinh đẹp, cổ kính đã xen lẫn cùng những khu đô thị trong khung cảnh của Chiang Mai'', Thị trưởng Tassanai Buranupakorn nói.
Sự phát triển của Chiang Mai bắt đầu bùng nổ vào năm 1980, khi các nhà đầu tư ở Bangkok đổ xô đến đây để xây dựng chung cư, nhà cao tầng và khách sạn. Theo nhà khoa học chính trị Thái Lan Tanet Charoenmuang, Chiang Mai cũng giống như Bangkok, đang mắc phải ''căn bệnh'' phát triển nhanh và không thể kiểm soát.
Việc phát triển không kiểm soát dường như đã kéo theo sự ''hủy diệt'' văn hóa rõ rệt của Chiang Mai. Điển hình như ngọn núi Doi Suthep - biểu tượng thiêng liêng của người dân địa phương đã bị ''lạm dụng'' quá nhiều. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm hoạt động vì môi trường địa phương, vụ ''tấn công'' mới nhất đã san phẳng 23,5 ha từ chân núi Doi Suthep để xây dựng nhà gỗ, chung cư, công viên, nhà nghỉ cho thẩm phán và quan chức tòa án.