Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại tỉnh Sơn La được nâng lên rõ rệt
23/04/2020 | 09:51Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nâng lên rõ rệt; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 5; Nâng cao chất lượng sản xuất, phát hành phổ biến phim, chiếu phim là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh: Sơn La, Bắc Giang và Điện Biên.
Sơn La: Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nâng lên rõ rệt
Theo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", qua 15 năm thực hiện, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển bền vững được nâng lên rõ rệt.
Các cấp ủy, chính quyền đã xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 142 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 441 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 441 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 989 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 60 đường dây nóng ở cơ sở. Hoạt động của các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về tác hại của bạo lực gia đình và hình thành ý thức phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp cho nhân dân kiến thức thi đua xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, những mâu thuẫn trong gia đình được giải quyết ổn thỏa; 100% số hộ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ không có tình trạng bạo lực gia đình,…
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày một tăng, chất lượng phong trào được nâng lên rõ rệt. Trong 15 năm, danh hiệu Gia đình văn hóa không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Năm 2015, toàn tỉnh có 163.003/265.140 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 61,4%. Đến năm 2019, toàn tỉnh có 195.703/284.267 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 68,8% tăng 7,4% so với năm 2015.
Bắc Giang: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 5
Theo Báo cáo Kết quả thực hiện công tác VHTTDL tháng 4, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2020, trong tháng 4, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang năm 2020; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5)...; Xây dựng kế hoạch, thành lập BTC, thông báo phân công nhiệm vụ Ban tổ chức thực hiện việc phối hợp tổ chức Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) tại tỉnh Bắc Giang.
Sở VHTTDL đã tổ chức thẩm định, xét duyệt và thông báo các di tích được hỗ trợ kinh phí tu bổ năm 2020; thực hiện kiểm kê di tích chưa xếp hạng trên địa bàn huyện Lục Nam; triển khai lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Trung thuộc di tích và danh thắng Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tổ chức 100 buổi tuyên truyền lưu động bằng xe loa về phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Bảo tàng tỉnh triển khai công tác sưu tầm hiện vật năm 2020; kiểm tra thực tế các di tích đề nghị tu bổ trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.
Ngoài ra, đơn vị đã tập trung tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các khu dân cư văn hóa tiêu biểu được công nhận lần đầu và công nhận lại sau 05 năm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030; Đề án Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (thành lập Ban soạn thảo, kế hoạch xây dựng Đề án, Kế hoạch khảo sát, thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát; phân công nhiệm vụ...)….
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Sở VHTTDL đã đặt nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 bao gồm: Hoàn thiện dự thảo Quy định Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); tiếp tục chuẩn bị các điều kiện, nội dung tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ VII năm 2020; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19; mở các lớp tập huấn văn hóa, văn nghệ cho các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh;…
Nâng cao chất lượng sản xuất, phát hành phổ biến phim, chiếu phim trên địa bàn tỉnh Điện Biên
UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch thực hiện "Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Bộ VHTTDL; Định hướng phát triển điện ảnh tỉnh Điện Biên một cách tổng thể, đồng bộ trong giai đoạn từ 2020-2030; đồng thời tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng sản xuất, phát hành phổ biến phim, chiếu phim và tuyên truyền, góp phần tăng mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng cao, vùng xa, khu vực biên giới.
Mục tiêu cụ thể được đưa ra là phát huy thế mạnh của điện ảnh, đầu tư sản xuất, phổ biến nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị tư tưởng, giáo dục thẩm mỹ và giải trí phù hợp với đặc điểm đời sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; rút ngắn khoảng cách chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền; từng bước hoàn thiện, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực điện ảnh hiện có; nâng cao hiệu quả hoạt động điện ảnh ở địa phương từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo hướng hiện đại và hội nhập, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình phát triển điện ảnh; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; duy trì, nâng cao các chỉ tiêu trong hoạt động chuyên môn điện ảnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; kiện toàn tổ chức bộ máy.