Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chấn chỉnh hoạt động liên kết xuất bản

20/06/2012 | 06:49

Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi. Các vấn đề lớn được đại biểu đề cập là chấn chỉnh liên kết xuất bản, xuất bản điện tử.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề nổi cộm của công tác xuất bản hiện nay là liên kết xuất bản. Theo đó, hầu hết các đối tác liên kết trong nhiều trường hợp đang “điều khiển” nhà xuất bản, họ bỏ vốn ra và làm tất cả các khâu từ tổ chức đến biên tập bản thảo. Nhà xuất bản thường không thẩm định nghiêm túc để khắc phục, do đó cần những chế tài nghiêm khắc với phía liên kết.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý cũng đề cập đến hiện tượng một số nhà xuất bản đã cấp phép cho một số tổ chức để xuất bản và phát hành các ấn phẩm định kỳ hàng tháng, nhưng thực chất từ hình thức đến nội dung các ấn phẩm này là tạp chí chứ không phải sách. Ngoài ra, còn rất nhiều trang quảng cáo trên các ấn phẩm này.

Theo đại biểu, rõ ràng các nhà xuất bản đã cố tình tiếp tay cho những người thực hiện ấn phẩm lách luật. Trong khi các ấn phẩm tạp chí tương tự muốn ra đời phải có bộ máy tổ chức được lập theo trình tự tương đối phức tạp, hoạt động theo Luật Báo chí và những cơ chế quản lý chặt chẽ thì các tạp chí núp bóng nhà xuất bản nêu trên ra dễ dàng. Vì thế, cần quy định các nhà xuất bản không được phép xuất bản các ấn phẩm định kỳ hàng tháng.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) không đồng tình với quy định của dự thảo luật vì “nhẹ tay” với các đối tác liên kết mà “phạt nặng”các nhà xuất bản trong quá trình xảy ra vi phạm trong liên kết xuất bản. Theo đại biểu, khi có sai phạm thì nhà xuất bản bị “xử” rất nặng như cách chức giám đốc, đình chỉ hoạt động nhưng đối tác liên kết thì chỉ bị phạt tiền, bị đình chỉ liên kết có thời hạn và cấm liên kết.

Đại biểu đề nghị phải có chế tài thật sòng phẳng trong ứng xử với tư nhân liên kết xuất bản, vì thực tế cho thấy hầu hết các sách sai phạm nội dung đều xảy ra ở sách liên kết.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình), việc kiểm tra chất lượng các xuất bản phẩm bị buông lỏng là do các quy định hiện nay chưa rõ ràng, chỉ đến khi báo chí lên tiếng hay bạn đọc phát hiện thì cơ quan quản lý mới vào cuộc, gây bức xúc cho xã hội.

Tán thành ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần quy định dứt khoát nhà xuất bản phải thẩm định nội dung tư tưởng của tác phẩm và quyết định cho xuất bản hay không.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng, cần có chế tài nghiêm khắc trong xuất bản điện tử, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhưng cần nghiên cứu thấu đáo hơn như quy định máy chủ phải đặt ở Việt Nam, có tên miền trên internet và đề cao trách nhiệm của người tham gia sử dụng, đề cao trách nhiệm của người cung cấp thông tin và nâng cao việc kiểm tra, kiểm soát.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa nội dung này vào các quy định về điều kiện thành lập nhà xuất bản nói chung vì nhà xuất bản có thể đăng ký xuất bản cả bản tin và bản điện tử hoặc chỉ một trong hai hình thức trên. Hầu hết các nhà xuất bản trên thế giới hiện nay đều xuất bản bằng cả in và điện tử.

Tán thành có điều luật riêng về nhà xuất bản điện tử, đại biểu Triệu Mùi Nái cho rằng đây là hình thái mới của hoạt động xuất bản có nhiều tiện ích và tinh tế, sẽ phát triển mạnh trong tương lai, nên phải có khung pháp lý đặc thì để quản lý, điều chỉnh.

Đại biểu cũng cho rằng, do chúng ta hiện vẫn còn “ít kinh nghiệm” quản lý loại hình này nên luật chỉ nên quy định nguyên tắc thể hiện đặc thù của nhà xuất bản điện tử, còn các quy định chi tiết nên giao cho Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý.

Nguồn Chinhphu.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×