Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Câu chuyện phát triển của bóng đá Nam Á mang lại nhiều kinh nghiệm cho môn thể thao vua Việt Nam

24/08/2023 | 07:54

Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Bhutan, Nepal và Maldives chiếm gần 1/4 dân số toàn cầu nhưng chưa từng có đội tuyển nào tham dự một kỳ FIFA World Cup. Việc tìm hiểu sự khó khăn của các nền bóng đá đang phát triển này có thể giúp cho Việt Nam đánh giá được thêm ưu, nhược điểm của mình và tìm ra chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bóng đá ở Nam Á dần thu hút nhiều sự quan tâm

Ông Raj Athwal, Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Odisha FC thuộc Giải Super League Ấn Độ từ đầu năm 2021, chia sẻ với Sky Sports News rằng ông đã bất ngờ trước sự hâm mộ của công chúng với bóng đá tại khu vực này từ khi tiếp nhận vị trí mới.

Ông Athwal thông tin với Sky Sports News: "Bóng đá từ lâu đã được coi là môn thể thao phổ biến nhất trên thế giới. Nhưng tại Ấn Độ, bóng đá lâu nay thường phải vật lộn để có được chỗ đứng trong bối cảnh môn cricket có sự thống trị cao. Nhưng điều đó hiện đang thay đổi".

"Thành công của đội tuyển quốc gia cũng góp phần tạo ra sự khác biệt này. Trong 10 năm qua, nơi Ấn Độ từng ở những thứ hạng thấp thì nay đã nằm trong 100 quốc gia hàng đầu của bóng đá thế giới", ông Athwal chia sẻ.

Tìm hiểu câu chuyện phát triển của bóng đá Nam Á để rút kinh nghiệm cho môn thể thao vua Việt Nam - Ảnh 1.

Dân số và thứ hạng các quốc gia Nam Á trong bảng xếp hạng của FIFA. Ảnh: Sky Sports.

"Hai năm trước, có 350 triệu người hâm mộ theo dõi Super League Ấn Độ trong suốt mùa giải. Ấn Độ cũng đã tổ chức World Cup U17 nam gần đây và sự kiện này cũng thu hút tới hơn 1,3 triệu người hâm mộ tham dự. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của bóng đá đang tăng lên tại quốc gia này", theo ông Athwal.

Sự phát triển đó cũng đang lan rộng sang nước láng giềng Bangladesh. Người hâm mộ nước này đã có màn ăn mừng lớn khi Argentina giành chức vô địch FIFA World Cup 2022. Và điều này xuất phát từ việc Ngoại trưởng Argentina Santiago Cafiero đã ký Biên bản ghi nhớ với Liên đoàn bóng đá Bangladesh, cam kết hỗ trợ cho đội tuyển quốc gia nước này và nhiều nhóm tuổi khác, cùng với đó là hỗ trợ cho huấn luyện và công tác trọng tài.

Theo chuyên gia bóng đá Ấn Độ Arunava Chaudhuri, các quốc gia Nam Á tương đối nhỏ hơn như Bhutan và Maldives, với tổng dân số chỉ 1,3 triệu người, cũng đam mê môn thể thao này.

Ông nói với Sky Sports News: "Bóng đá đang dần phổ biến ở Ấn Độ, Bangladesh hay cả ở Nepal. Ngay cả ở Maldives và Sri Lanka cũng có sự quan tâm rất lớn với bóng đá. Hay ở Bhutan, họ cũng đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ FIFA, AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á)".

Tìm hiểu câu chuyện phát triển của bóng đá Nam Á để rút kinh nghiệm cho môn thể thao vua Việt Nam - Ảnh 2.

Người hâm mộ Bangladesh ủng hộ đội Argentina trong mùa World Cup năm 2022. Ảnh: Sky Sports.

Người dẫn chương trình phát thanh về bóng đá Footballistan, Shahrukh Sohail, cho biết bóng đá ở Pakistan cũng đang được thúc đẩy khi đội tuyển của họ được trở lại thi đấu. Ông nói: "Sự quan tâm đến bóng đá Pakistan đã bùng nổ. Những tháng vừa qua có lẽ là dịp lớn nhất mà tôi từng chứng kiến trong 13 năm qua, chỉ vì đội tuyển quốc gia Pakistan được thi đấu".

Các nỗ lực cần thiết để phát triển bóng đá Nam Á

Để phát triển nền bóng đá khu vực, các cầu thủ, học viên và chuyên gia bóng đá đều đưa ra ý kiến chung về việc cải thiện sân vận động, cơ sở tập luyện cùng với triển khai các gói đầu tư rộng hơn vào bóng đá ở Nam Á.

Anjila Tumbapo Subba là đội trưởng của đội tuyển nữ quốc gia Nepal. Cô chia sẻ với Sky Sports News: "Chúng tôi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển các giải đấu trong nước và tạo nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ thi đấu ở đẳng cấp cao hơn bằng cách tham gia các giải đấu quốc tế và giao hữu.

"Một trong những thách thức lớn nhất mà bóng đá Nam Á phải đối mặt là thiếu đầu tư phát triển. Nhiều câu lạc bộ trong khu vực gặp khó khăn trong việc đảm bảo cơ sở vật chất cơ bản như sân tập, trang thiết bị và đội ngũ huấn luyện. Hơn nữa, cần phải phát triển đội ngũ nhân tài địa phương bằng cách đầu tư vào các học viện thanh thiếu niên và các chương trình phát triển."

Những thách thức tương tự cũng tồn tại ở Bhutan, Bangladesh và Sri Lanka. Trong khi đó, Maldives tự hào có cơ sở vật chất tốt hơn do dân số tương đối nhỏ của quốc gia quần đảo này. Họ có nhiều sân vận động và trung tâm đào tạo bên cạnh Sân vận động Quốc gia Galolhu 11.000 chỗ ngồi ở thủ đô Male.

Còn tại Pakistan, liên đoàn bóng đá quốc gia này đã nhận được sự chấp thuận của FIFA cho tám dự án từ năm 2005 đến 2015 theo chương trình 'Mục tiêu' của cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, trong số tám công trình, chỉ có một - trụ sở của liên đoàn - là hoàn chỉnh và hoạt động được. Những công trình khác chỉ được xây dựng một phần hoặc chưa được sử dụng đúng mức và một số công trình đã bị hủy bỏ.

Pakistan từng bị FIFA cấm thi đấu quốc tế và quốc gia này chỉ trở lại thi đấu vào năm 2022 sau một số năm vắng bóng trên trường quốc tế.

Tìm hiểu câu chuyện phát triển của bóng đá Nam Á để rút kinh nghiệm cho môn thể thao vua Việt Nam - Ảnh 3.

Dillon De Silva gốc Sri Lanka có thành tích thi đấu rất tốt tại quốc tế. Ảnh: Sky Sports.

Chuyên gia Sohail cho biết việc nâng cấp và tái sử dụng các sân vận động hiện có trong nước là điều bắt buộc, cùng với việc lập ra một giải đấu trong nước nếu muốn bóng đá phát triển mạnh ở Pakistan.

"Pakistan có lẽ có cơ sở hạ tầng bóng đá kém nhất ở Nam Á và điều đó thật đáng buồn bởi vì khi bạn so sánh điều đó với Bhutan, Nepal, Sri Lanka, thậm chí Bangladesh còn dẫn trước chúng tôi," ông nói với Sky Sports News.

Trong khi đó, nhiều cầu thủ Sri Lanka cũng đang gặp khó khi không được thi đấu quốc tế sau lệnh cấm của FIFA vào tháng 1 năm nay vì sự can thiệp của chính phủ.

Tiền đạo 21 tuổi Dillon De Silva người gốc Sri Lanka chia sẻ: "Các cầu thủ đang gặp khó khăn. Họ chỉ muốn quay lại thi đấu và gặp nhau. Tôi không chắc lắm khi nào tình hình có thể được giải quyết, nhưng hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra trong tương lai gần".

Về những khó khăn của Ấn Độ, ông Athwal cho rằng Ấn Độ đang bỏ lỡ nhiều tài năng khi không cho phép các cầu thủ nước ngoài gốc Ấn được đại diện quốc gia thi đấu. Cựu nhà báo Chaudhuri, người từng là Giám đốc điều hành của câu lạc bộ Mumbai City FC, cũng chia sẻ rằng việc khai thác tài năng của cộng đồng người gốc Ấn ở nước ngoài sẽ giúp Ấn Độ đến với World Cup nhanh hơn.

"Jamal Bhuyan là đội trưởng của Bangladesh, anh ấy sinh ra ở Copenhagen. Waseem Razeek sinh ra ở Berlin và anh ấy đã chơi cho Sri Lanka. Các cầu thủ gốc Ấn có khả năng đến từ khắp nơi trên thế giới và họ sẽ giúp chúng tôi trở nên tốt hơn. Tôi nghĩ điều đó sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển của bóng đá Ấn Độ và sẽ khiến hành trình hướng tới World Cup của chúng tôi ngày càng nhanh hơn một chút", ông Chaudhuri cho hay.

Đội trưởng tuyển nữ Nepal Anjila Tumbapo Subba cũng cho rằng các quốc gia Nam Á có thể nâng cao năng lực nhanh hơn mọi người nghĩ nếu họ nhận được mức hỗ trợ phù hợp. Cô nói: "Nepal và các quốc gia Nam Á khác đang cải thiện thứ hạng toàn cầu của mình. Nếu các cầu thủ tiếp cận được công nghệ mới, có kiến thức, dinh dưỡng và thuốc men cần thiết và thi đấu với sự huấn luyện phù hợp, họ sẽ được ghi nhận trên sân khấu bóng đá thế giới trong tương lai gần".

An Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×