Cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ Khu đền tháp Mỹ Sơn
25/06/2025 | 07:19Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký Quyết định số 2104/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò, khai quật khảo cổ.
Quyết định cho phép Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ tại Khu vực bãi đất giữa Tháp K và nhóm tháp trung tâm thuộc Khu đền tháp Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Khu đền tháp Mỹ Sơn
Thời gian thăm dò, khai quật được cho phép diễn ra từ ngày 30/6/2025 đến ngày 30/11/2025 trên diện tích 770m2. Cụ thể, diện tích thăm dò là 20m2 (gồm 05 hố, từ hố TD1 đến hố TD5); diện tích khai quật là 750m2 (gồm 05 hố). Công tác thăm dò, khai quật được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Mạnh, Viện Khảo cổ học.
Quyết định nêu rõ, trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, các cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Trước đó, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã có Công văn số 17/CV-BQL đề nghị cấp Quyết định thăm dò, khai quật khảo cổ khu vực bãi đất giữa tháp K và nhóm tháp trung tâm Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc gói thầu: Khai quật nghiên cứu khảo cổ học Kiến trúc đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn.
Mục tiêu nhằm thu thập các tài liệu khoa học thực địa để xác định mặt bằng kiến trúc đường dẫn và các kiến trúc liên quan dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn. Góp phần nhận diện mặt bằng tổng thể khu di tích Mỹ Sơn trong lịch sử văn hóa Chăm và làm cơ sở phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng xung quanh là đồi núi, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là thánh địa Án Độ giáo của Vương quốc Chămpa, là nơi duy nhất lưu giữ hơn 70 đền tháp, cùng hơn 30 bi ký có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Những tư liệu trên là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa - nghệ thuật Chăm.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa như vậy, tháng 12/1999, UNESCO đã công nhận Khu di tích Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới. Tại Khu di tích Mỹ Sơn đã có nhiều đợt nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ được triển khai. Trong đó, các đợt nghiên cứu hợp tác giữa Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ học vào tháng 6/2023 và tháng 3/2025 thăm dò, khai quật trong tổng diện tích 440m2 tại khu vực phía đông tháp K đã phát hiện và làm rõ dấu tích kiến trúc của một con đường hành lễ dẫn từ tháp K về phía đông hướng vào các khu tháp E - F. Kiến trúc con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn là phát hiện mới về những vết tích của công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích. Phát hiện trên cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về sự hiện diện của con đường Hoàng gia đi vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa.