Cao Bằng:Nâng cao đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư
27/05/2020 | 15:19Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư; Hệ thống các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân; Quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các ngành CNVH có thế mạnh là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh: Cao Bằng và Tuyên Quang.
Cao Bằng: Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Cao Bằng đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Theo đó, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW và Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 19/7/2011 của Tỉnh ủy Cao Bằng về thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW. Nhìn chung việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành và nhân dân.
Các tầng lớp nhân dân đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội và các quan điểm sai trái, âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa nói chung và trong văn học, nghệ thuật nói riêng. Bên cạnh những giá trị văn hóa mới được hình thành, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát triển, mức hưởng thụ văn hóa được nâng lên, môi trường xã hội ổn định, tệ nạn xã hội giảm dần, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư.
Việc triển khai, phổ biến, tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW được thực hiện kịp thời, nghiêm túc đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống có sự chuyển biến về nhận thức, phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ; chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, quan tâm đến sự phát triển của nhân tố con người. Các Sở, ban ngành đã gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị với các văn bản chỉ đạo về hoạt động văn hóa và an ninh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo, công an, quản lý thị trường và UBND các huyện, thành phố trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, các thông tin sai trái, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại Cao Bằng: Sở VHTTDL đã có Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" giai đoạn 2015 – 2019.
Theo đó, Đề án "Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND Tỉnh, Bộ VHTTDL; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đồng tình và tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Từ khi triển khai Đề án, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố chủ động bám sát nội dung của Đề án thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động (triển lãm ảnh, nói chuyện chuyên đề lịch sử) tại các trường học trên địa bàn tỉnh góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình; Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sách tới độc giả bằng nhiều hình thức để phát huy nguồn tư liệu hiện có; mở rộng công tác luân chuyển sách, báo, tư liệu phục vụ bạn đọc tại cơ sở; tuyên truyền lồng ghép tại các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ.
Hệ thống thư viện đã tổ chức trưng bày giới thiệu sách chuyên đề, sách mới được 127 cuộc trong dịp đầu xuân, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước cũng như của địa phương; Phục vụ bạn đọc 352.402 lượt; Duy trì tổ chức ngày Sách Việt Nam (21/4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) hàng năm với nhiều chủ đề và hoạt động phong phú với các chủ đề:"Ngày sách với công viên địa chất non nước Cao Bằng","Sách, tri thức – khởi nguồn thành công"; Tổ chức cuộc thi "Cảm nhận về sách" tại Thư viện tỉnh;…
Hệ thống bảo tàng Bảo tàng đã tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" với nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức triển lãm tại các hội nghị của tỉnh, các trường học và một số lễ hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức nói chuyện chuyên đề lịch sử tại các trường học trên địa bàn; Cung cấp thông tin hiện vật cho các đơn vị, ban, ngành phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu;…
Đối với hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ, hoạt động nhà văn hóa đã góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo nếp sống văn minh cho mỗi gia đình và tình đoàn kết gắn bó cộng đồng, cách sống nghĩa tình đùm bọc lẫn nhau. Bên cạnh đó việc trang bị những tủ sách xã, phường đã trở thành nguồn tài liệu, thông tin quan trọng đối với cơ sở, giúp cho cán bộ, đảng viên và người dân cập nhật được những kiến thức cần thiết, được nghiên cứu, học tập những mô hình tốt, những cách làm hay, được trao đổi thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Đời sống tinh thần của nhân dân nhất là ở vùng nông thôn, vùng biên giới từng bước được cải thiện; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được duy trì và phát triển; các cuộc triển lãm lưu động, nói chuyện chuyên đề; những tủ sách xã, phường và phục vụ bạn đọc bằng xe lưu động đã góp phần không nhỏ làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các tầng lớp nhân dân và mức hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng được nâng lên.
Tuyên Quang: Quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các ngành CNVH có thế mạnh của tỉnh
Sau 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Tuyên Quang, bước đầu đã tác động tích cực đến tư duy và nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng và phát triển các ngành CNVH tại tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển một số ngành văn hóa có lợi thế, tiềm năng như: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống,...
Quá trình thực hiện phát triển các ngành CNVH gắn liền với việc quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của tỉnh có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển các ngành CNVH trên địa bàn toàn tỉnh. Quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các ngành CNVH có thế mạnh của tỉnh; Tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch, thế mạnh về miền đất, văn hóa và con người Tuyên Quang nhằm thu hút khách du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào tỉnh, trong đó ưu tiên cho phát triển du lịch, dịch vụ văn hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, tạo ra sản phẩm văn hóa mang thương hiệu, có sức cạnh tranh cao. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến nhằm mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển thị trường khách sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa của tỉnh Tuyên Quang.