Cao Bằng: Tìm giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch cộng đồng
11/11/2024 | 10:59Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa, giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng chưa phát huy được tiềm năng, còn bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những điểm sáng của du lịch tỉnh là phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Chính việc phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh trong những năm gần đây góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Sau nhiều năm xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng, hoạt động đón tiếp khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng có nhiều khởi sắc, chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch từng bước được nâng cao.
Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông trong phát huy tiềm năng, thế mạnh cho du lịch cộng đồng của địa phương, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Tập trung hỗ trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, khai thác hợp lý tài nguyên, cảnh quan du lịch theo nguyên tắc khai thác gắn chặt với bảo tồn; khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng theo mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay).
Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngô Quang Tú cho biết: Nhiều chủ homestay bước vào kinh doanh khi chưa đủ kiến thức về du lịch, họ tự đi tham quan học hỏi ở những mô hình giá rẻ, sau đó xây dựng theo ý thích của cá nhân mà chưa nắm được nhu cầu của khách, không đưa được các yếu tố văn hóa truyền thống vào phục vụ du khách. Những tồn tại này nếu không sớm được khắc phục sẽ không tạo được sức hút, khiến du khách quay lưng lại với du lịch cộng đồng như đã xảy ra ở nhiều địa phương.
Cao Bằng có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng; có những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng thế giới như thác Bản Giốc, Mắt Thần núi, hang Pác Bó… Sắc màu dân tộc cũng rất phong phú, đa dạng và còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, nhiều ngôi làng cổ rất đẹp. Quan trọng hơn, vẻ đẹp của Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Người dân Cao Bằng hiền hòa, mến khách. Ẩm thực cũng rất độc đáo, phong phú với những món ăn dân gian lạ miệng… Tuy nhiên, đáng tiếc là tỉnh chưa phát huy được những tiềm năng để phục vụ du lịch, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Một số làng làm du lịch tự phát, không có quy hoạch, chất lượng phục vụ yếu kém, vẫn làm theo lối mòn cũ, không có đổi mới về sản phẩm du lịch, hầu hết là khách phượt, chi tiêu thấp. Chị Bùi Thị Nhàn, chuyên gia tư vấn về du lịch cộng đồng - người sáng lập và điều hành thương hiệu du lịch Ecohost Việt Nam chia sẻ: Tôi nhận thấy Cao Bằng có rất nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Hiện nay, xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) đang là điểm du lịch cộng đồng đông khách nhất của tỉnh. Tuy nhiên tại đây đang diễn ra tình trạng mâu thuẫn, cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá, phá giá để cạnh tranh. Mặt khác, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở đây đa phần chưa có kiến thức cơ bản về phục vụ du khách, chỉ đáp ứng chủ yếu về lưu trú, chưa khai thác được chiều sâu. Ngoài ra, các vấn đề môi trường, cảnh quan cũng chưa được người dân quan tâm, gìn giữ, tôn tạo.
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình). Ảnh Thế Vĩnh
Tại huyện Nguyên Bình, đồng bào dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành được UBND huyện đầu tư hỗ trợ đường đi lại trong làng, lựa chọn hỗ trợ xây dựng homestay, nhà văn hóa cộng đồng, bãi đỗ xe, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch..., nhằm xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện. Tháng 4/2022, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao được khánh thành, đưa vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, lượng khách đến Hoài Khao còn rất ít và người dân vẫn chưa thể sống được bằng nghề dịch vụ du lịch. Hoài Khao giữ gìn văn hóa dân tộc rất tốt nhưng giao thông rất khó khăn, dịch vụ còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch ít, chưa có tính hàng hóa và người dân chỉ sản xuất hàng hóa du lịch vào thời gian nông nhàn. Người dân dệt thổ cẩm rất đẹp nhưng nếu khách muốn mua phải chờ rất lâu mới có sản phẩm.
Tại Thành phố, dịch vụ homestay đang nở rộ. Tuy nhiên, đa phần các homestay tại Thành phố là tận dụng diện tích nhà ở không hết để làm phòng nghỉ cho khách nên chưa đáp ứng được các yêu cầu của homestay về tính trải nghiệm (bản chất là cải tạo lại nhà ở để kinh doanh) nên không hấp dẫn được du khách. Để thu hút khách, nhiều homestay phải giảm giá tối đa.
Hiện, tỉnh chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm để khuyến khích, phát triển du lịch cộng đồng, như ban hành, thực hiện tốt kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, trong đó sẽ tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh; khai thác và phát huy danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo nên thương hiệu và hình ảnh mỗi điểm đến du lịch của tỉnh, gồm các nhóm sản phẩm, như: du lịch văn hóa lịch sử, du lịch qua biên giới, sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, tâm linh, cộng đồng…, trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng để du lịch Cao Bằng ngày càng khởi sắc.