Cao Bằng: Tập trung nhiều giải pháp thu hút du khách
14/04/2023 | 10:073 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh có sự khởi sắc với số lượng khách tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2022. Các điểm du lịch nhộn nhịp trở lại sau những ngày dài “ngủ đông” do dịch bệnh Covid-19.
Vào đầu tháng 2, huyện Hà Quảng tổ chức Lễ hội về nguồn Pác Bó tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Lễ hội thu hút hàng nghìn khách du lịch và người dân địa phương tham gia trải nghiệm, khám phá. Theo Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích quốc gia đặc biệt Đào Văn Mùi, 3 tháng đầu năm 2023, Khu di tích đón 344 đoàn với 44.112 lượt khách tham quan. Ngoài ra, khu di tích tổ chức nhiều hoạt động trưng bày triển lãm “Từ căn cứ địa cách mạng Cao Bằng đến chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn”, triển lãm ảnh lưu động với chủ đề “Bác Hồ với Cao Bằng”…
Ghi nhận tại Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), đây là điểm đến thu hút lượng lớn khách đến tham quan, du lịch bởi đây không chỉ là nơi có thắng cảnh đẹp mà còn có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: chèo thuyền trên sông Quây Sơn, khám phá văn hóa bản địa… Với sự nỗ lực của Ban Quản lý Khu du lịch cùng huyện Trùng Khánh, các ban, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phục hồi và phát triển du lịch, những tháng đầu năm 2023, khu du lịch thác Bản Giốc đã đông khách trở lại. Trùng Khánh đón 122.400 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó, động Ngườm Ngao 35.751 lượt khách, thác Bản Giốc 56.348 lượt khách, các điểm khác 30.301 lượt khách, tăng 90.161 lượt khách so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 651/KH-UBND ngày 22/3/2022 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường quản lý, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị đón khách du lịch và việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đồng thời, để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động du lịch khi tình hình dịch đã ổn định, ngành tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá trong tỉnh, các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước. Tổ chức các hoạt động đón đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh, Lễ hội về nguồn Pác Bó năm 2023. Phát hành các ấn phẩm xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng: Cẩm nang du lịch Cao Bằng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, danh thắng quốc gia hồ Thang Hen, Mắt Thần núi và clip ẩm thực Non nước Cao Bằng; đề xuất các hoạt động xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch năm 2023.
Phối hợp với các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông của tỉnh và cả nước thực hiện các tin, bài, video quảng bá về du lịch Cao Bằng; tiếp tục phối hợp với VNPT Cao Bằng duy trì và nâng cấp Cổng du lịch thông minh caobangtourism.vn phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Viễn thông Cao Bằng về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025. Phối hợp xây dựng đề án số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; duy trì và phát triển trang thông tin điện tử caobanggeopark.com. Thường xuyên đăng tin, bài, chia sẻ thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các ứng dụng Facebook, Zalo, Youtube; thực hiện việc số hóa các ấn phẩm du lịch.
Chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Năm 2022 tổ chức, phối hợp tổ chức khánh thành, khai trương điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc); điểm checkin đỉnh cao Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); điểm tham quan vườn trúc xóm Bản Phường (xã Thành Công, Nguyên Bình); khánh thành Phố đi bộ ven Sông Bằng (Thành phố); triển khai thực hiện Dự án xây điểm tham quan nhà sàn cổ 9 gian bản Tục Ngã (xã Đức Xuân, Thạch An). Tiếp tục hoàn thiện tuyến thứ 4 của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; khảo sát thực địa xây dựng lộ trình tuyến kết nối hai Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Phối hợp triển khai hoạt động du lịch bền vững tại các điểm di sản, đối tác Công viên địa chất Non nước Cao Bằng trên địa bàn huyện Trùng Khánh.
Hỗ trợ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch kết nối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi nguồn khách du lịch nội địa và quốc tế; vận động các đơn vị tham gia và đăng ký các gói kích cầu du lịch; triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn, hỗ trợ Hiệp hội Du lịch tỉnh trong việc chuyển đổi hóa đơn điện tử...
Với sự chủ động chuẩn bị về mọi mặt cùng sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, nên khi dịch bệnh ổn định. 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 321.694 lượt, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 24,7% kế hoạch, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4.291 lượt, tăng 1495,2% so với cùng kỳ, đạt 4,3% kế hoạch; khách du lịch nội địa ước đạt 317.403 lượt, tăng 143% so với cùng kỳ, đạt 26,5% kế hoạch. Doanh thu du lịch ước đạt 210 tỷ đồng, tăng 1.204,3% so với cùng kỳ, đạt 23,3% kế hoạch.
Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến cho biết: Để thu hút khách du lịch đến với Cao Bằng trong thời gian tới, ngành du lịch, các địa phương, các khu, điểm du lịch cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, quan tâm chỉnh trang, tạo điểm nhấn, tăng sức hấp dẫn về cảnh quan. Quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh; làm tốt công tác quản lý, vệ sinh môi trường. Tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách.